Loạt chợ đóng cửa, giá nhiều rau củ tăng 2-3 lần những ngày TP.HCM giãn cách

H.A - Ngày 14/07/2021 12:10 PM (GMT+7)

Hàng loạt chợ đóng cửa, nguồn cung khan hiếm, nhiều mặt hàng nông sản khó vào TP.HCM do quy định cách ly từ các tỉnh thành khiến giá các mặt hàng tươi sống như rau củ, thịt… tăng dựng đứng.

Rau củ, thịt... tăng giá 2-3 lần so với bình thường

Những ngày qua, tại một số chợ ở TP.HCM, mặt hàng rau, củ quả tăng giá mạnh, gấp 2-3 lần so với trước. Theo khảo sát của PV báo Tiền Phong, trưa ngày 13/7, tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TPHCM) chỉ còn một số ít quầy hàng kinh doanh thịt cá, rau củ quả và một số quầy hàng khô mở cửa hoạt động. Các loại rau xanh không nhiều, giá tăng cao.

Một quầy hàng chuyên kinh doanh rau củ Đà Lạt đóng gói sẵn từng loại rau củ tại chợ Nguyễn Tri Phương để người tiêu dùng dễ chọn lựa.

Một quầy hàng chuyên kinh doanh rau củ Đà Lạt đóng gói sẵn từng loại rau củ tại chợ Nguyễn Tri Phương để người tiêu dùng dễ chọn lựa.

Chị Minh Thủy (32 tuổi) giật mình khi được tiểu thương báo giá xà lách, cải cúc 100.000 đồng/kg; các loại hành, ngò rí 100.000 đồng/kg; khổ qua 70.000 đồng/kg; bầu bí, mướp 50.000 đồng… Mức giá này được người dân cho biết tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm bình thường.

Giá rau tăng cao khiến nhiều bà nội trợ phải tính toán, cân nhắc kỹ trước khi mua.

Giá rau tăng cao khiến nhiều bà nội trợ phải tính toán, cân nhắc kỹ trước khi mua.

“Đói ăn rau, đau uống thuốc, nhưng rau tăng giá cao thế này, lại đúng lúc dịch càng làm chúng tôi chật vật hơn. Trước cầm 100.000 đồng đi chợ còn mua được bó rau, con cá, ít bìa đậu ăn cả ngày, còn giờ thì…”, chị Thủy nói.

Theo ghi nhận, giá rau tại một số chợ dân sinh còn hoạt động ở TP.HCM đều tăng cao trong những ngày gần đây.

Hiện giá su su, cải thảo, xà lách được bán lẻ với giá 50.000-100.000 đồng/kg tùy loại; cà chua, khoai tây, cà rốt 60.000-70.000 đồng/kg, dưa leo 50.000 đồng/kg… Mức giá này được người dân cho biết tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm bình thường.

Các loại bầu bí, mướp tăng giá tới 50.000 đồng/kg. Trong khi ngày thường, mặt hàng này có giá rất rẻ, khoảng 20.000 đồng/kg. .

Các loại bầu bí, mướp tăng giá tới 50.000 đồng/kg. Trong khi ngày thường, mặt hàng này có giá rất rẻ, khoảng 20.000 đồng/kg. .

Chị Thanh Lan (ngụ quận 7, TP.HCM) cầm mớ hành lá và 4 củ hành tây vừa mua hết 100.000 đồng, lắc đầu nói: “Nghe các cơ quan chức năng nói sẽ không tăng giá hàng hóa, nhưng giờ đụng tới món nào thì món đó tăng giá cao chót vót. Chưa kể rau về chợ số lượng không nhiều, đi trễ một chút là về tay không”.

Trong khi đó, giá thịt heo cũng ở mức cao, tăng thêm từ 10.000-20.000 đồng/kg tùy loại. Tại một khu chợ nhỏ ở quận 5 (TPHCM), tiểu thương niêm yết giá sườn non tới 220.000 đồng/kg, nạc đùi vai 190.000 đồng/kg, cốt lết 152.000 đồng/kg… Trứng gà, vịt giá từ 4.000-5.000 đồng/trứng… Trứng gà ta đặc biệt khan hiếm, hầu như không có để bán.

Theo nhiều tiểu thương lý giải, do 3 chợ đầu mối vẫn đóng cửa, nguồn cung khan hiếm và nhiều loại thực phẩm có hạn sử dụng ngắn, chi phí vận chuyển tăng cao nên giá hàng hóa tăng theo.

Hàng trong siêu thị tuy có giá bình ổn hơn nhưng để được vào mua sắm, khách hàng phải chờ đợi từ 1-2 giờ, do siêu thị hạn chế số người vào cùng một lúc. Dẫu siêu thị khuyến khích mua hàng online, nhưng nhiều khách hàng cho hay, dù đã đặt trước 2 ngày nhưng gần như không mua được đủ các mặt hàng theo yêu cầu.

Lý giải nguyên nhân thực phẩm tăng giá dựng đứng trong những ngày giãn cách

Lý giải nguyên nhân lương thực, thực phẩm tăng giá, Sở Công Thương TPHCM cho rằng, hiện nay, 2/3 số chợ tại TPHCM, bao gồm 3 chợ đầu mối, tạm ngưng hoạt động vì liên quan ca mắc COVID-19. Những chợ mở cửa thì tiểu thương không nhập hàng về nhiều trong khi sức mua tăng vọt trong vài ngày qua. Một số thời điểm khách đông, lượng hàng còn ít, tiểu thương không có kế hoạch bổ sung nguồn nên đã tự động nâng giá lên.

Một lý do nữa là hầu hết các thương nhân chợ đầu mối đang bán hàng qua điện thoại, phải điều chỉnh phương thức giao hàng từ xe lớn chuyển sang xe nhỏ trong khi giá xăng tăng. Việc vận chuyển rau củ, thịt cá từ các tỉnh, thành về TPHCM tiêu thụ gặp khó khăn do các địa phương tăng cường kiểm soát dịch làm gia tăng chi phí xét nghiệm, chi phí thời gian… Tất cả đều tính vào chi phí giá thành nên giá bán đến tay người tiêu dùng biến động theo.

Theo ngành chức năng, để “hạ nhiệt” giá rau củ cần phải tăng nguồn cung. Mới đây, đại diện Công ty CP Quản lý kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (chợ đầu mối Thủ Đức) đã lập điểm tập kết, trung tâm trung chuyển nông sản với diện tích hơn 8.000m2 tại bãi giữ xe của chợ.

Loạt chợ đóng cửa, giá nhiều rau củ tăng 2-3 lần những ngày TP.HCM giãn cách - 4

Dự kiến mỗi đêm sẽ có khoảng 1.000-1.500 tấn hàng hóa rau củ quả, trái cây được giao cho các siêu thị, bếp ăn tập thể, các điểm bán tại TPHCM.

Chợ đầu mối Hóc Môn đã trình phương án tái mở cửa một phần lên UBND TPHCM và Sở Công thương để trung chuyển rau củ, trái cây. Theo đó, chợ sẽ lập khu trung chuyển hàng hoá (chủ yếu là nông sản) tại bãi tập kết hơn 2.000m2, có sức chứa khoảng 10 xe container hàng. Mỗi ngày sẽ có khoảng 100 tấn nông sản được phân phối qua đây.

(Theo Tiền Phong)

Những xe hàng lưu động chở thịt heo, rau củ, gạo... đến bán tận khu dân cư, người dân xếp hàng mua

Nhằm giúp giảm bớt những khó khăn trong việc đi lại mua sắm các sản phẩm thiết yếu của người dân trong bối cảnh TP đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tổ chức Những xe hàng lưu động chở thịt heo, rau củ, gạo... đến bán tận khu dân cư.

Đông đảo người dân xếp hàng chờ mua thực phẩm, rau xanh tại điểm bán hàng lưu động trước cổng trường Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh

Đông đảo người dân xếp hàng chờ mua thực phẩm, rau xanh tại điểm bán hàng lưu động trước cổng trường Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh

Rau củ, thịt đươc đóng gói sẵn, việc mua bán diễn ra nhanh chóng để hạn chế tối đa việc giao tiếp không cần thiết

Rau củ, thịt đươc đóng gói sẵn, việc mua bán diễn ra nhanh chóng để hạn chế tối đa việc giao tiếp không cần thiết

Sáng 13/7, xe bán hàng lưu động đầu tiên của siêu thị AEON Việt Nam xuất phát tới điểm bán tại quận 3 và nhanh chóng tổ chức bán. Chỉ trong buổi sáng, 3 xe bán hàng lưu động khác của AEON đã đưa các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đến tay người dân tại 4 điểm, thuộc 3 quận Tân Bình, Bình Thạnh và quận 3. 

Chị Thục Như (ngụ phường 14, quận Bình Thạnh), mua được thịt heo với một số rau tươi tại điểm bán hàng lưu động trước cổng trường Nguyễn Đình Chiểu, cho biết biết mấy ngày rồi chợ gần nhà đóng cửa, còn phải hạn chế ra đường nên cả nhà toàn dự trữ thực phẩm khô, nghe phường thông báo sẽ có điểm bán hàng lưu động, chị lập tức đến mua ngay".

Người dân xếp hàng dài chờ đợi mua sắm tại siêu thị Co.op Mart Chu Văn An (Q.Bình Thạnh). Ngoài những người được ngồi ghế, còn một dòng người đứng xếp hàng dài ở phía sau.

Người dân xếp hàng dài chờ đợi mua sắm tại siêu thị Co.op Mart Chu Văn An (Q.Bình Thạnh). Ngoài những người được ngồi ghế, còn một dòng người đứng xếp hàng dài ở phía sau.

Nhiều hệ thống siêu thị khác như Co.op Mart, Bs Mart cũng đang triển khai bán hàng lưu động với các mặt hàng dầu ăn, nước mắm, mì gói, rau củ... để người dân tiện mua sắm.

Nhiều hệ thống siêu thị khác như Co.op Mart, B's Mart cũng đang triển khai bán hàng lưu động với các mặt hàng dầu ăn, nước mắm, mì gói, rau củ... để người dân tiện mua sắm.

Trước AEON, trong 2 ngày 11 và 12/7, một số chuyến xe bán hàng lưu động của các đơn vị như MM Mega Market, Vettel Post, Tổng Công ty Đối tác chân thật (thuộc Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam), Bách Hoá Xanh, Satra... đã khởi hành đưa hàng hoá thiết yếu, rau củ quả tươi đến phục vụ người dân một số khu vực đông dân cư trong khi số cửa hàng, siêu thị còn ít, không đáp ứng kịp nhu cầu mua sắm tăng cao. Riêng Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam đã tổ chức đến 15 chuyến xe bán nhu yếu pẩm, rau củ, thịt, trứng, gạo... trong 2 ngày qua.

Ông Nguyễn Thanh Hân, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam, cho biết nhờ vận động được các nhà cung cấp tham gia bán hàng giá gốc cùng một số nguồn hỗ trợ, các xe bán hàng lưu động trung tâm triển khai đang bán nhiều mặt hàng rau củ, thịt heo... với giá bình ổn, thậm chí thấp hơn cả giá hàng bình ổn TP đang áp dụng. Chẳng hạn, thịt heo Vissan được đóng gói hút chân không, bảo quản trong thùng lạnh, bán 50.000 đồng/bịch 500g (thịt bắp), 55.000 đồng/bịch 550g (thịt đùi), gạo 12.000 đồng/kg (giá thị trường 15.000 đồng/kg)... giá trứng gà, rau xanh, củ quả cũng thấp hơn nhiều so với giá thị trường. 

TP.HCM thí điểm cho tiểu thương chợ truyền thống đang ngưng hoạt động mở bán rau củ quả trở lại

Ngày 13/7, Sở Công Thương TP.HCM gửi công văn hỏa tốc đến UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và ban quản lý các chợ truyền thống hướng dẫn việc tổ chức hoạt động các chợ truyền thống trong thời gian tới.

Tại văn bản này, Sở Công Thương đề nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai chỉ đạo đơn vị quản lý các chợ đang tạm dừng hoạt động trên địa bàn lựa chọn vị trí, tổ chức các điểm bán phù hợp tại khu vực chợ bảo đảm các quy định trong công tác phòng, chống dịch; trước mắt rà soát, thí điểm lựa chọn một số tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả, khoảng từ 2 đến tối đa 10 tiểu thương (tùy theo quy mô hoạt động của chợ).

Loạt chợ đóng cửa, giá nhiều rau củ tăng 2-3 lần những ngày TP.HCM giãn cách - 9

Trong trường hợp nhiều tiểu thương có nhu cầu kinh doanh, đơn vị quản lý chợ sắp xếp, tổ chức cho tiểu thương kinh doanh theo hình thức luân phiên.

Ban quản lý chợ sẽ hướng dẫn tiểu thương chủ động chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sản phẩm theo quy cách đồng giá để thuận tiện, nhanh chóng trong mua bán, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người bán – người mua và thông qua khu phố, tổ dân phố để thông tin về việc tổ chức các điểm bán đến người dân sinh sống trên địa bàn (thời gian, mặt hàng, quy cách, giá bán...) để người dân biết, chuẩn bị sẵn số tiền tương ứng với giá bán của từng mặt hàng và khi đến chợ thực hiện trả tiền – lấy hàng hóa được nhanh chóng.

Ban quản lý chợ sẽ phát thẻ ra vào chợ để kiểm soát số lượng, phân bố số người đến theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách ra vào chợ phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng và hạn chế tối đa tình trạng tập trung đông người.

Các giải pháp này đưa ra nhằm bổ sung các điểm cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu, giảm tải lượng khách đến hệ thống phân phối hiện đại, bảo đảm việc cung ứng hàng hóa cho người dân địa phương (ưu tiên tập trung vào các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả).

Xuất hiện tình trạng vào siêu thị TP.HCM mua trứng mang ra ngoài bán giá cao gấp 3 lần

Theo ghi nhận tại siêu thị, hiện nay giá trứng vịt Vĩnh Thành Đạt là 31.000 đồng/chục, trứng gà 26.000 đồng/chục; trứng gà Ba Huân vỉ 10 quả 27.300 đồng/chục, trứng vịt có giá 39.000 đồng/chục. Trong khi đó, tại một số chợ truyền thống, các nhóm bán hàng online, giá trứng gà 40.000-50.000 đồng/chục, trứng vịt cũng ghi nhận mức giá 45.000-50.000 đồng/chục. Trước đó giá hai mặt hàng này giao động từ 30-35.000 đồng/chục.

Do mức chênh lệch giữa siêu thị và ngoài thị trường quá lớn nên nhiều người vào siêu thị mau trứng. Trước tình trạng trên, một số siêu thị trên địa bàn TP.HCM đã dán bảng thông báo hạn chế số lượng trứng mỗi người được mua trong một lần.

Cụ thể, tại một số siêu thị MM Mega Market có đề rõ bảng: "Do tình hình dịch căng thẳng và để đáp ứng được thực phẩm cho tất cả khách hàng nên trứng các loại giới hạn: 3 lốc (vỉ/khay)/khách hàng, trứng 300 giới hạn 1 cây/khách hàng. Xin quý khách thông cảm vì sự bất tiện này".Theo đại diện của MM Mega Market, siêu thị mong muốn khách hàng không nên có tâm lý trữ hàng trong thời điểm này.

Loạt chợ đóng cửa, giá nhiều rau củ tăng 2-3 lần những ngày TP.HCM giãn cách - 10

Mega Market cam kết luôn mở cửa phục vụ người tiêu dùng, lượng hàng hóa dự trữ của siêu thị đang rất lớn, trong đó có trứng gia cầm.

Theo vị này, nếu để khách hàng mua với số lượng lớn thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ, càng gây hoang mang cho mọi người khi đến mua sắm tại siêu thị.

Đặc biệt, việc giới hạn số lượng còn để tránh việc đầu cơ, tích trữ của một số người dân cũng như đảm bảo cơ hội cho nhiều khách hàng được mua sản phẩm.

Phát hiện đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính gọi ngay vào số điện thoại sau

Ngày 14/7, Cục quản lý thị trường TP.HCM đã có văn bản thông tin đường dây nóng của Cục quản lý thị trường thành phố và Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố.

Theo đó, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo cung cầu hàng hoá, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính;... 

Cục quản lý thị trường TP.HCM cung cấp số điện thoại đường dây nóng như sau:

Cục quản lý thị trường TPHCM: 028.39321014 (địa chỉ 242 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. HCM).

Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP. HCM: 028.39322491.

Ấm lòng Sài Gòn: Rủ nhau nấu cơm có thịt, trao tay người lang thang mưu sinh lúc giãn cách
Một nhóm tiểu thương, dân lao động ở quận 5 và quận 8, TP.HCM đã rủ nhau nấu cơm rồi mang trao tận tay những người lang thang, vô gia cư gặp khó khăn...

Chuyện Sài Gòn

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h