Ngày Tô xuất viện về nhà, chị Thu quyết định không để chồng đi làm xa nhà. Chị chấp nhận cảnh nghèo đói, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau.
Ở Sóc Trăng có một cặp đôi “đũa lệch” vợ già – chồng trẻ khiến bao người ngưỡng mộ về cách cư xử cũng như tình yêu họ dành cho nhau. Thậm chí người ta còn lấy đó làm tấm gương sáng trong hôn nhân để noi theo.
Đó là chị Thu (50 tuổi) và Tô (30 tuổi) – hiện có hai con chung lên 7 và 3 tuổi. Họ dù không giàu sang, ít học nhưng luôn tôn trọng, yêu thương, cùng nhau vượt qua mọi dông bão của cuộc đời.
“Tôi vốn là phụ nữ đã có chồng và 3 đứa con. Song hôn nhân không hạnh phúc khi chồng có vợ hai nên tôi quyết định ly hôn, làm mẹ đơn thân nuôi các con lớn khôn.
Tôi làm đủ nghề để sinh sống với mong ước trời thương cho sức khoẻ, không ốm đau bệnh tật gì cả. Tôi cũng chẳng màng đến chuyện sẽ đi thêm bước nữa vì còn phải lo cho lũ trẻ”, chị Thu mở đầu câu chuyện.
Nhưng… người tính không bằng trời se duyên. Một hôm chị đi nhặt cỏ lúa thuê cho người ta tình cờ quen chàng trai tên Tô – mới ngoài 20 tuổi. Cả hai trò chuyện thân mật như cô - cháu trong nhà. Thậm chí chị còn chỉ dạy anh cách cư xử với người xung quanh, cách đối diện với khó khăn trong cuộc sống.
Chị Thu (50 tuổi) và Tô (30 tuổi) – hiện có hai con chung lên 7 và 3 tuổi.
“Dần dần Tô nảy sinh tình cảm với tôi, thay đổi cách xưng hô từ “cháu” thành “em”. Tôi không bận tâm mấy vì bản thân chẳng nặng nề việc xưng hô, miễn tôn trọng nhau thì vẫn có thể thân thiết.
Một ngày, Tô ngỏ lời yêu thương, muốn chăm sóc tôi và 3 đứa con cả đời. Tô muốn trở thành chồng, thành cha và bù đắp những tổn thương mà tôi phải chịu đựng suốt thời gian dài. Tôi không đồng ý vì khác biệt về tuổi tác lẫn hoàn cảnh”, người phụ nữ 50 tuổi nhớ lại.
Lúc này mẹ của Tô nhận được tin con trai tỏ tình với người phụ nữ ngang cả tuổi mình đã ra sức ngăn cản, không thể nào chấp nhận. Bà chửi mắng, đuổi đánh con trai với hi vọng sẽ “phá” được ý muốn hoang đường này.
“Em vừa khóc vừa chạy vì không còn cách nào để “chống trả” cả. Em làm sao dám làm gì bất hiếu với mẹ chứ. Em đã chạy đến nhà tìm gặp Thu xin ở nhờ và bày tỏ tình cảm chân thành của mình. Cô ấy đã cảm động, đồng ý cho em ở đây một thời gian đến khi mẹ nguôi giận thì quay trở về thưa chuyện một cách nghiêm túc.
Tuy nhiên em chưa kịp về nhà, mẹ đã đến tìm gặp mẹ của Thu để nói chuyện người lớn. Mẹ chấp nhận cho chúng em trở thành vợ chồng, hứa không cấm cản nữa. Vậy là em có vợ và 3 đứa con ở tuổi 22”, Tô chia sẻ.
Tô đã dọn về ở hẳn với mẹ con chị Thu trong căn nhà rách nát. Cả hai luôn động viên chăm chỉ làm ăn sẽ có ngày khấm khá. “Một năm sau, tôi có thai và hạ sinh một đứa con kháu khỉnh. Tô mừng rỡ khôn xiết nhưng tự thấy trách nhiệm của bản thân nhiều hơn.
Cậu ấy quyết định rời quê lên Bình Phước làm thuê để có thật nhiều tiền chăm lo cho vợ và 4 đứa con. Tôi mừng vì cuối cùng đã tìm thấy được người chồng thương 5 mẹ con thật lòng”, chị Thu xúc động chia sẻ.
Tô làm thuê được vài bữa bất ngờ gặp tai nạn khi bị máy cắt mất một cánh tay. Chị Thu hay tin vội vàng gửi con nhỏ cho mẹ đẻ rồi đến bệnh viện chăm sóc chồng đằng đẵng một tháng. Chị bảo bản thân rất sốc nhưng không thể gục ngã bởi chồng rất cần chị ở bên động viên.
Họ có sự cách biệt về tuổi tác nhưng rất tôn trọng và yêu thương nhau.
Ngày Tô xuất viện về nhà, chị Thu quyết định không để chồng đi làm xa nhà. Chị chấp nhận cảnh nghèo đói, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Chị sợ chồng sẽ xảy ra chuyện không may như lần lên Bình Phước.
“Tô sắm chiếc xe đạp cũ, hằng ngày dậy từ 2h sáng đạp từ nhà lên thành phố Sóc Trăng bán vé số. Còn tôi ở nhà đi làm cỏ thuê cho người ta rồi chăm sóc mấy đứa nhỏ. Cuộc sống không sung túc nhưng vợ có chồng, con có cha. Tôi hài lòng với tổ ấm bây giờ dù cả nhà 7 miệng ăn vẫn sống trong căn nhà rách nát, nền đất”, chị Thu tâm sự.
Vợ vừa dứt lời, Tô cười: “Ai cũng khâm phục em chạy xe đạp bằng một tay từ nhà lên thành phố mấy chục cây. Có người còn nói sao em không để vợ đi bán vé số, còn em ở nhà trông con. Em trả lời thẳng mình là đàn ông, là trụ cột gia đình, không được phép để vợ con vất vả.
Em nói xong họ cũng hiểu ra rồi mua ủng hộ vé số. Thường em sẽ bán được 150-200 tờ/ngày, đủ để chi tiêu cái ăn cái uống cho mấy đứa con”.
Nhắc đến mối quan hệ giữa cha dượng – con riêng, Tô hớn hở cho biết 3 đứa con riêng của chị Thu luôn coi anh như cha ruột. Ngược lại, anh thương yêu đám nhỏ như chính máu mủ của mình.
“Kể cả mối quan hệ giữa Thu và mẹ em cũng hoà bình rồi. Thi thoảng mẹ em lại chạy sang nhà thăm các cháu, cho lạng thịt hay cái đậu. Cô ấy mừng lắm vì cuối cùng đã được mẹ chồng công nhận là con dâu.
Song em vẫn có một trăn trở chưa thể giải quyết – đó là hai đứa con của em chưa làm giấy khai sinh, chưa thể đến trường học như bao đứa trẻ khác. Sắp tới em sẽ làm đầy đủ giấy tờ cho chúng”, chàng trai thành thật.