Tranh cãi đã nổ ra sau khi Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc hôm 13-2 cho biết sự thay đổi trong việc đếm sô ca nhiễm chủng mới virus corona (Covid-19) là nhằm đẩy nhanh việc điều trị bệnh nhân, trong đó có cả những trường hợp nghi nhiễm.
Tuyên bố của ủy ban nói trên cho biết sự thay đổi này giúp có thêm nhiều bệnh nhân được điều trị như những trường hợp được xác định nhiễm Covid-19.
Trong số gần 15.000 ca nhiễm mới được Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc công bố hôm 13-2, 13.332 ca được "chẩn đoán lâm sàng". Điều này đồng nghĩa bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm Covid-19 dựa trên việc họ có những triệu chứng bệnh như những gì virus này gây ra hoặc hình chụp vi tính cắt lớp (CT) lá phổi.
Trước đó, những trường hợp nhiễm Covid-19 chỉ được xác định thông qua cuộc xét nghiệm axit nucleic chuẩn.
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị tại một bệnh viện ở TP Vũ Hán - Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Các chuyên gia đã có phản ứng khác nhau trước sự thay đổi tiêu chuẩn chẩn đoán đối với Covid-19 tại tỉnh Hồ Bắc.
Ông Ho Pak-leung, chuyên gia tại trường ĐH Hồng Kông, lên tiếng ủng hộ khi cho rằng theo tiêu chuẩn chẩn đoán trước đó, một số bệnh nhân có thể đã tử vong trước khi bác sĩ có thể tiến hành bất kỳ xét nghiệm nào để xác định xem họ có nhiễm virus hay không.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại tỏ ra ngạc nhiên và lo ngại trước thay đổi nói trên.
Ông William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường ĐH Vanderbilt (Mỹ), cho rằng việc dựa vào hình chụp phổi để chẩn đoán người nhiễm Covid-19 là bước đi nhiều rủi ro bởi ngay cả người bệnh cúm mùa cũng có triệu chứng viêm phổi thấy được trên hình chụp CT phổi.
"Họ đang nói về việc sử dụng hình chụp CT phổi nhưng một công cụ chẩn đoán khác nhưng vẫn chưa có dữ liệu nào chứng tỏ biện pháp này là chính xác" - ông Schaffner cho biết.
Một nữ bác sĩ ở TP Vũ Hán vào tuần rồi lên mạng xã hội phát động chiến dịch sử dụng ảnh chụp CT để đơn giản hóa quá trình theo dõi người nghi nhiễm Covid-19, đồng thời đẩy nhanh quá trình nhập viện và điều trị, thay vì đợi kết quả xét nghiệm. Theo người bác sĩ này, ảnh chụp CT cho kết quả tức thì trong lúc TP Vũ Hán thiếu hụt bộ dụng cụ xét nghiệm.
Tuy nhiên, ông Peter Rabinowitz, chuyên gia tại Trường ĐH Washington (Mỹ), nhận định sự thay đổi trên có thể khiến việc theo dõi dịch thêm khó khăn và chuyện ước tính quy mô của dịch bệnh trở thành một "mục tiêu di động".