Mâu thuẫn trong việc đưa trường hoạt động theo cơ chế lợi nhuận hay phi lợi nhuận, nhiều cổ đông của ĐH Hoa Sen đã làm náo loạn trong buổi Đại hội toàn trường 2015.
Căng thẳng đến mức bảo vệ phải "vào cuộc"
Ngày 31/1, Trường ĐH Hoa Sen (tại TP HCM) đã tổ chức Đại hội toàn trường lần đầu tiên để tổng kết năm học 2014, góp ý sửa đổi quy chế hoạt động, quy chế tài chính của trường và bầu ban kiểm soát mới.
Theo ban tổ chức, Đại hội toàn trường 2015 của ĐH Hoa Sen được tổ chức dựa trên nhiều yếu tố như căn cứ pháp lý, quy chế, thực tế quá trình hoạt động và đường hướng phát triển của trường. Đại hội có 354 đại biểu tham dự và được ủy quyền tham dự trong tổng số 431 đại biểu được mời, đạt tỷ lệ 82,13%. Theo quy định chỉ cần 75% là đủ con số để tổ chức đại hội nên đại hội toàn trường được tổ chức hoàn toàn hợp lệ.
Tuy nhiên, ngay sau khi người dẫn chương trình vừa dứt lời, cả hội trường đã náo loạn khi hai cổ đông góp vốn là ông Nguyễn Trung Đức và bà Nguyễn Thị Hòa đứng lên phản đối quyết liệt vì cho rằng đại hội được tổ chức một cách bất hợp pháp.
Tiếp đó, hai người này đã lên dành micro để yêu cầu được đọc văn bản do Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM vừa ban hành ngày 26/1 về vấn đề tranh chấp tại ĐH Hoa Sen, nhưng bị ban tổ chức ngăn cản. Đỉnh điểm của căng thẳng khi một số bảo vệ đã ập tới để yêu cầu ông Đức đi ra ngoài, sau một hồi tranh cãi bất thành, ông này đã rời khỏi hội trường trong tiếng vỗ tay của đông đảo đại biểu còn lại.
Ông Nguyễn Trung Đức, cổ đông góp vốn bị nhiều bảo vệ vây quanh yêu cầu đi ra ngoài ngay khi đại hội vừa mới bắt đầu.
Sau khi thông qua thể lệ đại hội, giới thiệu thành phần đoàn chủ tọa lên làm việc, đại hội lại tiếp tục bị gián đoạn khi bà Nguyễn Thị Hòa đứng lên yêu cầu được phát biểu. Bà Hòa cho rằng, theo quy chế mới, một trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận thì phải có quy trình thẩm định, có văn bản trình lên Sở Giáo dục & Đào tạo và được chính phủ công nhận. “Thế nhưng hiện tại, trường ĐH Hoa Sen chưa phải là trường ĐH hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận, vậy thì ĐH này là không hợp lệ và không đúng quy trình”, bà Hòa cho biết.
Sau khi có ý kiến nhưng không được phản hồi lại ngay, bà Hòa đã rời khỏi hội trường và đại hội tiếp tục diễn ra.
Mâu thuẫn giữa lợi nhuận và phi lợi nhuận
Trong phần thảo luận và góp ý dự thảo sửa đổi hai quy quy chế liên quan đến trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là quy chế tổ chức hoạt động và quy chế tài chính nội bộ, căng thẳng tiếp tục được đẩy lên cao khi một số đại biểu tham dự đứng lên chất vấn về tính hợp pháp của đại hội toàn trường lần này.
Bà Nguyễn Thị Hòa, cổ đông góp vốn cho rằng Đại hội lần này được tổ chức một cách bất hợp pháp.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phong, cổ đông được ủy quyền cho rằng, ĐH Hoa Sen nếu muốn trở thành trường ĐH hoạt động theo hướng phi lợi nhuận, trước hết phải họp đại hội đồng cổ đông để lấy ý kiến, nếu được đa số tán thành thì mới có văn bản trình lên Sở Giáo dục – Đào tạo và Thủ tướng Chính phủ để được công nhận. Thế nhưng, đến thời điểm này, trường chưa hề tổ chức đại hội cổ đông, như vậy thì đại hội toàn trường lần này là bất hợp pháp.
Liên quan tới vấn đề này, bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngày 10/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ban hành Điều lệ trường đại học, có hiệu lực thi hành từ ngày 30/1/2015. Trong đó quy định chi tiết về tổ chức của trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Kể từ ngày 30/1/2015, trường đại học tư thực hoạt động không vì lợi nhuận sẽ không tổ chức đại hội đồng cổ đông mà thay vào đó là tổ chức Đại học toàn trường.
Không hài lòng với câu trả lời này, ông Phong liên tục giơ tay xin phát biểu, nhưng bị chủ tọa đoàn “ngó lơ”, nhường quyền phát biểu cho người khác.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Công Đức, cổ đông góp vốn của trường lại cho rằng: “Tôi cứ tưởng ĐH Hoa Sen là trường ĐH phi lợi nhuận từ lâu rồi. Bởi ngay những ngày đầu thành lập, cơ chế này đã được đông đảo cổ đông thông qua. Tôi nói thật trường phi lợi nhuận thì tôi mới đầu tư! Bởi vì khi đầu tư phi lợi nhuận thì tôi sẽ được các cơ quan nhà nước, học sinh sinh viên, phụ huynh, xã hội ủng hộ…, chúng ta làm được điều đó thì chúng ta đã có lợi nhuận và đó là lợi nhuận bền vững lâu dài. Nhiều trường tuyển sinh không được mà Hoa Sen vẫn đạt được chỉ tiêu và phát triển.”
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thiên Tuấn nhấn mạnh: “Nếu có một trường ĐH phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam, thì ĐH Hoa Sen xứng đáng là ngôi trường đó”.
Các đại biểu biểu quyết thống nhất góp ý về cơ chế hoạt động của trường ĐH Hoa Sen
Trong khi đó, đại biểu Trương Quốc Tụy chia sẻ, để có được hình hài như ngày hôm nay, trường ĐH Hoa Sen đã nhận được rất nhiều sự ưu ái của UBND, Sở Giáo dục – Đào tạo cũng như các vị lãnh đạo nhà nước. Do đó, “đừng vì đồng tiền mà làm ảnh hưởng đến uy tín của ĐH Hoa Sen, đó là tội ác”.
Sau phát biểu này, ông Đăng Huy, cổ đông góp vốn đã đứng dậy chất vấn chủ tọa đoàn, nếu như trong quá trình phát triển, trường ĐH Hoa Sen xảy ra thua lỗ, mắc nợ thì ai sẽ trả, cổ đông góp vốn, hay nhà trường?
Ông Nguyễn Trí Duy Khương, giảng viên trường cho biết, nếu như ĐH Hoa Sen có gặp khó khăn gì về tài chính trong quá trình hoạt động, toàn bộ giảng viên nhà trường sẽ cùng chung tay, góp sức để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, bà Phượng đã chia sẻ hiện nay trường không gặp khó khăn về tài chính, ngay cả số tiền vay để xây dựng cơ sở trên đường Nguyễn Văn Tráng, quận 1, trường cũng được UBND TP và ngân hàng cho vay với mức lãi suất cực kỳ ưu đãi.
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu, trong phần biểu quyết để thống nhất những góp ý về quy chế tổ chức hoạt động trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận, đại biểu Dương Thị Hương đã lớn tiếng cho rằng đại hội này bất hợp pháp, không chấp nhận và bỏ ra về. Riêng trong phần biểu quyết thống nhất nội dung góp ý cho quy chế tài chính thì 100% đại biểu còn lại đều biểu quyết đồng thuận.
Việc mâu thuẫn tại ĐH Hoa Sen đã diễn ra một thời gian khá dài, chủ yếu liên quan tới cơ chế hoạt động của trường. Trong khi một nhóm cổ đông (chiếm khoảng 36%) kiên quyết đưa trường theo hình thức lợi nhuận, thì số khác lại mong muốn trường phát triển theo hướng phi lợi nhuận theo Luật Giáo dục & Đào tạo mới được ban hành.
Ngày 2/8/2014, nhóm cổ đông chiếm giữ 36% cổ phần đã tiến hành đại hội cổ đông bất thường, bãi nhiệm Ban giám hiệu và Hội đồng quản trị đương thời. Tuy nhiên, ngày 29/1/2015, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM đã có văn bản, trong đó không công nhận kết quả của đại hội cổ đông bất thường nói trên và yêu cầu các bên liên quan thống nhất lại tỷ lệ vốn của từng cổ đông cũng như vốn của nhà trường. Trong trường hợp không thể thống nhất thì có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.