Hình ảnh sau khi trùng tu của căn biệt thự cổ tọa lạc ở số 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đang nhận về nhiều luồng ý kiến tranh luận trái chiều. Đa phần tranh cãi xuất phát từ màu vôi mới của căn nhà này.
Sau 1 năm thi công, căn biệt thự Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội làm chủ đầu tư, với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia vùng Ile-de-France (Pháp) đã hoàn thành tu bổ toàn bộ kiến trúc bên ngoài. Căn biệt thự có diện tích đất 990m2, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, là một trong những công trình còn giữ nguyên được nhiều giá trị kiến trúc.
Hình ảnh căn biệt thự cổ trước và sau khi trùng tu ở giai đoạn đang hoàn thiện
Hình ảnh “khoác áo mới” của căn biệt thự sau khi được chia sẻ lên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đang nhận về nhiều sự quan tâm bàn luận từ công chúng. Trong đó có không ít những ý kiến tranh luận trái chiều về màu vôi mới được sơn lại. Cụ thể căn biệt thự được sơn lại với hai màu vàng và đỏ nâu chủ đạo, các ô cửa có màu xanh đậm.
Cả giới chuyên môn lẫn cộng đồng mạng đều bất ngờ trước màu vôi được phủ lên căn biệt thự cổ này. Trong khi dân mạng có những chia sẻ bàn luận vừa châm biếm vừa hài hước thì giới chuyên môn có nhiều phân tích về màu vôi của căn biệt thự, suy xét về nguồn gốc kiến trúc Pháp cổ xưa. Nhưng đa phần đều không đồng tình với màu vôi mới của công trình đang hoàn thiện. Bên cạnh đó một số người hoài nghi về số tiền cho dự án trùng tu căn biệt thự cổ 2 tầng này khi lên đến hơn 14 tỷ đồng.
Màu vôi mới là chi tiết gây tranh cãi nhất sau khi căn biệt thự cổ được "khoác áo mới"
Trên trang cá nhân, nhà báo Hà Quang Minh chia sẻ quan điểm cần nắm rõ hồ sơ gốc về kiến trúc của căn biệt thự trước khi đánh giá về quá trình phục dựng. Đồng thời hiện tại công trình vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm một số màu vôi, chưa chốt màu gốc nên đừng vội đưa ra phán xét tiêu cực.
“Chuyện các bạn thấy nó “đẹp” hay “xấu”, đó lại là cảm nhận riêng. Cái tác động tới cảm nhận riêng đẹp hay xấu ấy không đến từ chuyện trùng tu đơn thuần mà nó còn đến từ chính kiến trúc ban đầu của toà nhà” - Nhà báo Hà Quang Minh chia sẻ.
Quan điểm được chia sẻ trên trang cá nhân của nhà báo Hà Quang Minh về việc trùng tu căn biệt thự cổ thời Pháp
Liên quan đến câu chuyện này, doanh nhân Đỗ Hoài Nam cho biết tranh luận là điều dễ hiểu và hoàn toàn có thể xảy ra về việc có nên sơn màu của thời kỳ lịch sử đó hay thổi hơi thở thời đại ngày nay vào? Còn vấn đề sửa hết bao nhiêu tiền thì nên để những người có kinh nghiệm bàn tán, phân tích không nên phán bừa.
Theo anh Đỗ Hoài Nam, 14 tỷ là ngân sách thấp cho toà biệt thự rộng 1.000 m2. Với việc tồn tại hơn 100 năm, căn nhà chắc hẳn có nhiều vấn đề về kết cấu, móng…Việc tu sửa luôn đắt hơn xây mới, trùng tu lại càng đắt hơn sửa chữa và để bảo tồn là đắt nhất.
“Về hình thức, đây là công trình bảo tồn, có nghĩa là tìm cách đưa nó lại đúng với thời điểm được xây dựng từ cách đây 100 năm. Và công trình này làm được điều đó, cách sơn màu này là tương đối phổ biến tại thời kỳ đó. Cái này liên quan đến lịch sử chứ không liên quan đến nó có vừa mắt các bạn không” - Doanh nhân Đỗ Hoài Nam chia sẻ.
Một chia sẻ khác đến từ doanh nhân Đỗ Hoài Nam
Về hướng công chúng, có rất nhiều ý kiến được đưa ra liên quan đến màu sơn mới của căn biệt thự cổ này.
Bạn Phương Minh nêu ý kiến: “Cái không thích ở đây là việc phối màu quá lòe loẹt và thể hiện sự cẩu thả của người làm bảo tồn, không có sự nghiên cứu kĩ càng, nhất là với những công trình có yếu tố cổ. Tông màu nó là tông như thời xưa nhưng sắc độ và sự pha màu là câu chuyện khác, chưa kể đến việc các chi tiết đắp lại cũng rất sơ sài. Cái này là làm không nghiên cứu kĩ rồi, cải tạo những căn nhà cổ rất khó và tỉ mỉ, dưới góc độ người làm nghề kiến trúc thì xứng đáng lên án”.
Bạn Nguyễn Bình bày tỏ: “Theo mình biết, quận Hoàn Kiếm rất kỹ và cẩn trọng trong vấn đề kiến trúc nói chung, đặc biệt là kiến trúc thời Pháp. Chắc chắn có lý do để lựa chọn phương án màu sắc này, chỉ có điều ngôi nhà này trở nên bị lạc lõng trong cái view thẩm mỹ hiện nay ưa chuộng kiến trúc tân cổ điển với gam một màu trắng sứ hoặc màu vàng, khi có phối màu đặc biệt màu đỏ nâu thì nó lạc mắt”.
Bàn luận về số tiền trùng tu, bạn Thu Hiền chia sẻ: “Với 14 tỷ làm trùng tu không phải số nhiều. Trùng tu để lấy lại hiện trạng của 100 năm trước khó và đắt rất nhiều so với xây mới. 14 tỷ nghe có vẻ to nhưng ngồi phân tích trùng tu nhà cổ thì chắc ngán luôn. Ví như như nhà thờ Đức bà ở Paris, mất rất nhiều tiền kèm thời gian và con người. Hy vọng số tiền sẽ đi đúng chỗ của nó”.
Trong khi đó bạn Nhật Cường cho biết: “Mình từng tham gia trùng tu 1 biệt thự cổ có tiếng ở Sài Gòn nên có chút kinh nghiệm về lĩnh vực này. Riêng số tiền 14 tỷ thì không đủ để đưa biệt thự cổ này về nguyên bản được đâu”.
Công chúng có tranh luận trái chiều về hình ảnh màu vôi của căn biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo
Ngoài ra, việc khoác một màu sơn quá mới cũng khiến nhiều người thắc mắc về giá trị cổ của căn biệt thự. Với nhiều du khách khi chưa biết đến lịch sử của ngôi nhà này đến tham quan, với vẻ ngoài quá mới mẻ này liệu có thể nhầm lẫn nó giống với nhiều căn biệt thự khác?
Được biết tổng mức đầu tư cho dự án này khoảng 14,7 tỷ đồng và hiện tại vẫn chưa hoàn thành toàn bộ. Kinh phí đầu tư được sử dụng hoàn toàn bằng vốn ngân sách của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Màu vôi hiện tại chưa phải là màu chính thức của căn biệt thự sau khi trùng tu
Phía đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết trong quá trình thi công tu bổ, các chuyện gia Việt Nam và Pháp đã làm công tác “khảo cổ học công trình” để tìm ra màu sắc, vật liệu và các chi tiết gốc. Trên cơ sở dữ liệu đã khảo cổ được, các chuyên gia quyết định sử dụng các loại vật liệu màu sắc gốc theo như công trình được xây dựng ban đầu.
Hiện tại chỉ mới đang quét thử nghiệm một số màu vôi để lựa chọn ra màu theo đúng bản gốc, nhằm đảm bảo tính chính xác tối đa cho công trình. Màu vôi hiện tại chưa phải là màu chính thức. Chính vì vậy công chúng và giới chuyên môn cần thêm thời gian để theo dõi trước khi đưa ra những nhận xét khen chê trái chiều.
Sau khi hoàn thành, căn biệt thự này sẽ trở thành Trung tâm giao lưu văn hoá khu phố cũ của Hà Nội, địa điểm giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của khu phố cũ, nơi gặp gỡ, trao đổi, kết nối giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và người dân đến tìm hiểu, tham quan về các giá trị di sản, văn hoá, lịch sử, kiến trúc.