PGS Trần Danh Cường cho biết, khi thai nhi bị chứng đầu nhỏ dù là do virus Zika hay bất kỳ nguyên nhân nào thì cũng đều nguy hiểm vì nó ảnh hưởng rất lớn đến thần kinh và vận động.
Hiện nay tình hình bệnh do virus Zika ở Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Riêng tại TP.HCM đã ghi nhận hơn 20 trường hợp nhiễm loại virus này, đáng chú ý trong đó có 4 trường hợp phụ nữ đang mang thai.
Không chỉ có vậy, ở Việt Nam cũng đã ghi nhận một trường hợp trẻ mắc bệnh đầu nhỏ liên quan đến virus Zika, điều này càng làm cho nhiều người hoang mang, đặc biệt là các bà bầu.
Trường hợp trẻ bị chứng đầu nhỏ ở Đắk Lắk có liên quan đến virus Zika.
Vậy các bà bầu làm sao để ứng phó với virus Zika và nó có thật sự nguy hiểm và đáng sợ đến thế không? Để trả lời những thắc mắc trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Danh Cường – Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Nói về vấn đề mối liên hệ giữ virus Zika và chứng đầu nhỏ (não bé) ở thai nhi, PGS Cường cho biết: “Không phải cứ nhiễm virus Zika là bị hội chứng não bé, vì tỷ lệ thai phụ nhiễm virus Zika có thai nhi bị não bé rất thấp, chỉ từ 0,25 đến 10%. Hơn nữa, chỉ những người phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì mới có nguy cơ thai nhi bị chứng não bé, những đối tượng khác không đáng lo ngại".
Còn trong trường hợp phát hiện thai nhi bị chứng não bé, PGS Cường khuyên tốt nhất nên đình chỉ thai, vì hậu quả của chứng não bé vô cùng tồi tệ về mặt thần kinh và vận động. Hơn nữa, đây là căn bệnh không thể chữa khỏi dù ở trong bào thai hay khi đã được sinh ra.
Ngoài ra, PGS Cường thông tin thêm, hiện nay các nhà khoa học mới chỉ đưa ra được mối liên quan giữa virus Zika và chứng não bé ở trẻ, chứ chưa ai khẳng định đó là nguyên nhân. Trẻ bị não bé còn do nhiều nguyên nhân khác như bị rubella, nhiễm trùng, ngộ độc, tia xạ, dị dạng nhiễm sắc thể...
PGS Trần Danh Cường cho rằng, người dân không nên hoang mang trước virus Zika, kể cả các bà bầu.
Về khả năng chẩn đoán dị tật đầu nhỏ của Việt Nam hiện nay, PGS Cường khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể xác định được khi thai nhi có dị tật đầu nhỏ. “Hiện nay, tiêu chí đầu tiên để cấp chứng chỉ hành nghề cho một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sản khoa đó chính là phải biết đo chu vi đầu của thai nhi. Bởi vậy, việc phát hiện thai nhi bị dị tật đầu nhỏ hoàn toàn nằm trong khả năng của hệ thống y tế Việt Nam”, PGS Cường nhấn mạnh.
Để giúp phụ nữ mang thai, nhất là trong giai đoạn mang thai 3 tháng đầu “đối phó” với virus Zika, PGS Trần Danh Cường khuyến cáo những phụ nữ mang thai ở trong vùng có dịch virus Zika tốt nhất là đi khám thai theo định kỳ, từ đó các bác sĩ mới có thể theo dõi chính xác được những thay đổi bất thường.
“Theo tôi đây là điều rất khó đối ở Việt Nam, vì người phụ nữ đi khám thai không bao giờ đúng lịch. Để theo dõi đo chu vi vòng đầu của thai nhi chuẩn nhất, thai phụ cũng phải nhớ ngày chuẩn và đến khám đúng ngày. Chỉ cần đến sớm hoặc muộn hơn 1 ngày mọi thứ đã hoàn toàn khác”, PGS Cường cho hay.
Cuối cùng, PGS Cường nhấn mạnh một lần nữa: “Virus Zika không có gì đáng sợ, không quá nguy hiểm nên không phải hạn chế đi lại, không phải hoãn việc mang thai. Để phòng bệnh thì chỉ có phòng trong cộng đồng bằng cách diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và giữ gìn vệ sinh nơi cư trú”.