Trẻ suy thận lại tưởng suy dinh dưỡng

Ngày 24/04/2013 18:06 PM (GMT+7)

Nhiều trẻ suy thận được phát hiện muộn do cha mẹ tưởng bé chỉ bị suy dinh dưỡng với các biểu hiện còi cọc, xanh xao, chậm lớn.

 Bé gái 9 tuổi suy thận giai đoạn cuối

Chị Hương ở Hải Phòng có con gái B.T.N.M vừa được ghép thận tại BV Nhi Trung ương. Cô bé mới được 9 tuổi nhưng đã bị suy thận mạn giai đoạn cuối. 

Ngày bé M phát hiện bị suy thận mạn cách đây tròn đúng 1 năm nhưng đến giờ chị Hương vẫn bàng hoàng và không hiểu con mình phát bệnh từ khi nào. Chị kể, lúc sinh cháu được 3,2 kg hoàn toàn khỏe mạnh. Chị nuôi con cũng không quá vất vả, bởi bé ngoan, thỉnh thoảng có sốt, ho, cảm cúm khi thay đổi thời tiết như bao đứa trẻ bình thường. Từ lúc bé M được 2 tuổi cho đến nay bé M tăng cân ít, có bị hơi còi so với các bạn cùng trang lứa nhưng không có biểu hiện lạ nào khác. “Con gái còi, thiếu cân nhưng vẫn nhanh nhẹn hoạt bát nên tôi nghĩ thể trạng của con mình nó thế, nếu có chỉ là hơi bị suy dinh dưỡng chút. Chẳng ngờ rằng cháu lại bị suy thận giai đoạn cuối”, chị Hương chia sẻ.

Cách đây đúng 1 năm, bé M bỗng bị chướng bụng, người mệt, buồn nôn và hơi phù. Ngay khi xuất hiện các triệu chứng trên, chị Hương đưa con đi khám tại BV Nhi Hải Phòng rồi chuyển lên BV Nhi Trung ương. Tại đây, sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé M bị suy thận mạn, bắt buộc phải ghép thận nếu muốn kéo dài sự sống.

May mắn có nguồn hiến thận từ người thân, bé M đã được phẫu thuật ghép thận. Ca phẫu thuật diễn ra cách đây hơn 1 tháng, thành công tốt đẹp và hiện tại bé vẫn đang được theo dõi và điều trị tích cực tại Khoa Thận và Lọc máu, BV Nhi Trung ương.

ThS Nguyễn Thu Hương, Trưởng khoa Thận và Lọc máu, BV Nhi Trung ương cho biết, nhiều người nghĩ chỉ người lớn mới bị suy thận, tuy nhiên trên thực tế nhiều trẻ bị suy thận, kể cả trẻ sơ sinh. Nguyên nhân gây suy thận ở trẻ em, khác hoàn toàn ở người lớn. Trẻ bị suy thận do mắc các dị tật bẩm sinh ở thận (thận đa nang, van niệu đạo sau…) hoặc do mắc các bệnh lý như viêm cầu thận cấp, mắc hội chứng thận hư, viêm cầu thận lupus...

Trẻ suy thận lại tưởng suy dinh dưỡng - 1

Bé M. đã được ghép thận và đang được theo dõi tại BV Nhi TƯ.

Sàng lọc phát hiện sớm trẻ suy thận

Theo BS Hương điều đáng lo ngại là hầu hết trẻ có bệnh lý về thận được phát hiện muộn, khi đến viện đã ở giai đoạn suy thận mạn, giai đoạn cuối. Trên thực tế, nhiều bệnh lý về thận có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu trẻ được phát hiện và điều trị sớm. “Trẻ xanh xao, còi cọc cha mẹ chỉ nghĩ đến vấn đề dinh dưỡng mà không nghĩ đến các bệnh lý về thận. Trẻ hơi phù nhẹ cha mẹ cũng bỏ qua. Trong khi, trẻ mắc các bệnh lý về thận triệu chứng bệnh không rầm rộ, sau vài lần bị suy thận cấp không được điều trị triệu để bệnh cứ tiến triển âm thầm, đến một ngày trẻ phát bệnh thì đã bị suy thận giai đoạn cuối”, BS Hương cảnh báo.

2.000 bệnh nhi (tuổi từ 0-18) sẽ được thăm khám, hội chẩn, điều trị, theo dõi và phẫu thuật tái tạo bộ phận thận tiết niệu, cấp cứu lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh suy thận cấp và suy thận giai đoạn cuối. Một số trường hợp sẽ được lựa chọn ghép thận. Đây là hoạt động nằm trong dự án hợp tác "Phẫu thuật thận tiết niệu và ghép thận trẻ em" giữa BV Nhi Trung ương và BV Nhi Bambino Gesu tại Rome. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ chương trình từ thiện có tên gọi "Vespa for children".

“Đối với bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối chỉ có thể điều trị bảo tồn bằng lọc thận. Phương pháp điều trị triệt để là ghép thận. Tuy nhiên, ngoài việc chi phí cho một ca ghép thận rất tốn kém thì còn có một khó khăn nữa là khan hiếm nguồn hiến thận để thực hiện ca ghép. Rất nhiều trẻ bị suy thận, có chỉ định bắt buộc phải ghép thận nhưng không có nguồn thận hiến phù hợp để kéo dài sự sống.

ThS Hương cho biết, riêng tại Khoa Thận và Lọc máu, BV Nhi Trung ương hiện có gần 60 bệnh nhi có chỉ định ghép thận nhưng vẫn đang phải chờ vì chưa có nguồn thận hiến.

Do đó, để phòng tránh, BS khuyến cáo cha mẹ nếu trẻ mắc các bệnh lý về thận như hội chứng thận hư hoặc nhiễm trùng tiết niệu cần phải điều trị dứt điểm cho trẻ. Tuyệt đối không được bỏ dở điều trị, chuyển sang uống các loại thuốc nam, thuốc bắc, bởi sau một thời gian quay lại trẻ sẽ bị biến chứng suy thận.

Với trường hợp trẻ chậm lớn, còi cọc, dù trẻ mới chỉ ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học cha mẹ ngoài quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng nên cho trẻ đi khám chuyên khoa thận để làm xét nghiệm protein niệu, đo huyết áp và siêu âm thận tiết niệu. Đây là các bước sàng lọc và phát hiện sớm trẻ có dị tật bẩm sinh thận hoặc mắc các bệnh lý về thận, để trẻ được điều trị kịp thời, tránh biến chứng suy thận.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan