Trẻ uống quá nhiều nước tăng lực dễ suy dinh dưỡng

Ngày 08/09/2014 08:39 AM (GMT+7)

Theo các chuyên gia, việc lạm dụng nước uống tăng lực sẽ gây nguy hại đến sức khỏe tim mạch.

Nhiều người vẫn nghĩ, nước tăng lực có thể phục hồi thể lực, sảng khoái, tăng cường sức khỏe cho người sử dụng hoặc nếu không có tác dụng như quảng cáo thì cũng hoàn toàn... vô hại.

Khiến cơ thể mệt mỏi hơn

Mới đây, Hiệp hội Tim mạch châu Âu đưa ra thông tin, lạm dụng nước tăng lực sẽ gây ảnh hưởng tim mạch. Kết quả nghiên cứu cho thấy, caffeine là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nhịp tim nhanh, run sợ, lo lắng và đau đầu. Ngoài ra, người dùng còn có thể gặp những phản ứng hiếm như tử vong đột ngột không rõ nguyên nhân, loạn nhịp tim và đau tim.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức – Khoa Dược lâm sàng Trường ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh cho hay, người làm việc nhiều, người uể oải… thường nghĩ uống loại nước này sẽ cảm thấy khỏe hơn. Thậm chí một số người chơi thể thao, tenis cũng thích uống nước này vì nghĩ chúng giúp tăng lực, có nhiều sức hơn khi chơi thể thao. Tuy nhiên, việc lạm dụng nước tăng lực sẽ gây hại cho sức khỏe của chúng ta, thậm chí “giảm lực” khiến cơ thể mệt mỏi hơn.

Giải thích rõ hơn vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho hay, trong nước tăng lực chứa thành phần chính là đường nên khi uống nước tăng lực chúng ta thường cảm thấy ngọt. Ngoài ra, nó còn chứa chất caffeine, adenosine – trong cơ thể cũng có chất này giúp cho chuyển hóa năng lượng, inositol, taurine, hương liệu tổng hợp và thậm chí có chất bảo quản…

Trẻ uống quá nhiều nước tăng lực dễ suy dinh dưỡng - 1

Lạm dụng nước uống tăng lực gây hại cho sức khỏe. Ảnh: T.L

Chất caffeine có trong nước tăng lực là chất kích thích hệ thần kinh trung ương, giúp ta cảm thấy tỉnh táo, hưng phấn hơn. Tuy nhiên đó chỉ là những tác dụng tạm thời. Trái lại, nếu quá nhiều caffeine sẽ ảnh hưởng đến tim mạch và huyết áp. Việc lạm dụng nước tăng lực sẽ dẫn tới tình trạng chán ăn vì nước tăng lực chứa hàm lượng đường cao hơn các loại nước ngọt khác, tạo năng lượng rỗng cho người dùng, khiến cơ thể cảm giác no hơi, không muốn ăn sau khi uống.

Những người có nguy cơ béo phì khi uống nước tăng lực sẽ đẩy nhanh quá trình gây béo phì. Người bị tiền đái tháo đường sẽ nhanh chóng chuyển thành bệnh đái tháo đường do hàm lượng đường trong nước tăng lực nhiều tích tụ. Bên cạnh đó, trong nước tăng lực có các loại vitamin giúp cơ thể chống mệt mỏi, hỗ trợ chuyển hóa tốt lượng đường và caffeine góp phần làm tỉnh táo. Nhưng các vitamin cũng chỉ được dùng trong giới hạn cho phép, thừa cũng gây gánh nặng cho cơ thể.

“Đặc biệt, với nhiều người không dung nạp chất caffeine nếu dùng có thể bị mất ngủ hoặc tim đập nhanh gây khó chịu hoặc tăng dịch vị dạ dày làm cho dạ dày hoạt động kém đi, một vài trường hợp thấy người khó chịu. Bởi vậy khi uống nước tăng lực nếu bạn cảm thấy khó chịu thì không nên uống tiếp. Hơn nữa, nếu nước tăng lực có adenosine có thể gây tác dụng phụ có hại như loạn nhịp tim, đánh trống ngực, khó thở, tức ngực. Do đó, trẻ em, người già, người đang bị bệnh hay mới khỏi bệnh, phụ nữ mang thai… càng phải thận trọng khi sử dụng”, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho hay.

Trẻ uống nhiều dễ chán ăn

Ths.BS Khoa học – Kế hoạch Dinh dưỡng Nguyễn Trọng An cho hay, nước tăng lực không phải là thực phẩm bổ dưỡng vì nó không cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu. Thị trường có nhiều loại nước tăng lực, mỗi loại thường cho những chất khác nhau. Chẳng hạn, loại nước tăng lực cho người lái xe thì thường có chứa chất gây nghiện; dành cho tuổi xế chiều thì thường chứa chất kích dục, tăng hormon; dành cho người luyện tập thể thao thì có chất giống như chất kích thích doping… những chất này đều gây hại cho cơ thể trẻ.

Khi trẻ sử dụng nhiều nước tăng lực sẽ rất nguy hiểm tới sự phát triển hệ thần kinh, hormone. Vì hệ thần kinh, hormone của trẻ con chưa hoàn thiện. Tốt nhất cha mẹ hãy giảm thiểu và không nên cho trẻ dùng vì đã có nhiều nghiên cứu cho thấy nước tăng lực gây rối loạn, lệch lạc cả sự phát triển thể chất và giới tính. Việc lạm dụng nước uống tăng lực sẽ gây kích thích lên các noron thần kinh của trẻ, khiến cho trẻ dễ bị hoang tưởng, ảo giác, nổi cáu, không kiểm soát được hành động của bản thân.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, không ít cha mẹ lầm tưởng rằng nước tăng lực tốt nên có thói quen cho trẻ sử dụng nước tăng lực thay cho nước lọc. Thực chất đây là việc làm có hại cho trẻ. Nước uống tăng lực không cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, không đủ năng lượng tạo khối cơ, canxi chắc xương cho trẻ. Khi trẻ uống sẽ có tình trạng chán ăn vì lúc nào cũng cảm thấy no, không muốn ăn. Lâu ngày, sẽ khiến cho cơ thể mắc các chứng bệnh rối loạn tiêu hóa, ăn uống không tiêu, chỉ muốn uống nước tăng lực trừ bữa… Nếu cha mẹ lại không quan tâm đến chế độ ăn dinh dưỡng cho trẻ, cho trẻ uống quá nhiều nước tăng lực sẽ khiến trẻ có thể bị thiếu dinh dưỡng, dẫn đến suy dinh dưỡng.

Các chuyên gia khuyến cáo, việc lạm dụng nước tăng lực càng nguy hại với người mắc bệnh mạn tính như: Tim mạch, tiểu đường, hen suyễn… vì chúng khiến cho nhịp tim đập nhanh hơn mức bình thường. Bởi chất caffeine có thể kích thích hệ thần kinh thực vật khiến tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim, chuyển hóa, rối loạn hô hấp, lên cơn hen suyễn.

Nếu nước tăng lực là đồ uống khoái khẩu của bạn thì hãy lựa chọn loại không có caffeine và lượng đường thấp để ngăn sự mất nước. Khi mua nên xem kỹ nhãn mác để biết hàm lượng caffeine. Còn nếu những người có tiền sử bệnh tim mạch thì khi sử dụng bất cứ loại nước tăng lực nào cũng nên tham khảo bác sĩ.

Đối với những người tập thể dục thể thao, đặc biệt là tennis uống nước tăng lực để bù nước và bù chất điện giải thì hoàn toàn sai lầm. Loại nước này không có tác dụng bù nước hay chất điện giải mà gây hại cho cơ thể. Càng uống nhiều nước tăng lực thì càng thấy khát, thiếu nước và chất điện giải. Thiếu nước và chất điện giải gây rối loạn phân bố nước và chất điện giải trong cơ thể sẽ làm giảm hiệu quả luyện tập, tăng nguy cơ chấn thương. Vì thế, tốt nhất là không lạm dụng loại nước này. Mọi người có thể uống nước tăng lực nhưng vẫn phải bổ sung nước lọc để thay thế.

(Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức)

Theo Hà My
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ suy dinh dưỡng