Được mệnh danh là “cung đường nguy hiểm bậc nhất Đông Dương”, tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân (tiếp giáp giữa Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng) với nhiều đồi dốc quanh co, một bên là núi cao, bên kia là vách đá cheo leo, dựng đứng nằm sát rìa biển Đông.
Hơn 21 km đường đèo nằm len lỏi giữa lòng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” từng là nỗi ám ảnh của những chuyến tàu trên đường thiên lý Bắc – Nam.
Được xây dựng từ thời Pháp thuộc nên tuyến đường sắt này mang nhiều nét kiến trúc độc đáo của phương Tây. Nổi bật nhất là những cây cầu mái vòm bắc qua những vực sâu đã có hàng trăm năm tuổi. Trải qua bao “biến thiên dâu bể”, chúng vẫn vững chãi, đứng sừng sững giữa ngọn Hải Vân quan.
Những chiếc cầu vòng theo lối kiến trúc phương Tây bắc qua những đoạn đường hiểm trở, vực sâu.
Từ ga Kim Liên, đoàn chúng tôi thực hiện một hành trình “cuốc bộ” trên những đoạn đường lởm chởm đá sắc nhọn để khám phá tuyến đường sắt nổi tiếng này. Dù nằm cách biệt với thành phố nhưng cuộc sống của những con người nhỏ bé trên cung đường này vẫn bình yên trôi qua theo những chuyến tàu.
Gần ba mươi năm nay, ngày hai ca sáng – tối, anh Nguyễn Văn Quý (đội tuần đường Nam Hải Vân) lại sắp xếp lại túi “đồ nghề” bắt đầu hành trình “tự đếm bước chân mình”. Đôi chân nhỏ bước thoăn thoắt, điệu nghệ trên thanh ray nhỏ chưa đến 15 cm. Để không bị ngã, anh phải mang theo cây gậy để chống. Lâu lâu, anh dừng lại để kiểm tra, chỉnh sửa lại từng con ốc, vặn chặt mấy thanh tà – vẹt. “Mỗi ngày, công nhân tuần đường chúng tôi phải đi bộ gần 30km. Cực nhất là vào mùa mưa, rét buốt lạnh thấu xương” anh Quý tâm sự.
Nhiều đoạn đường sắt chạy uốn lượn bên bờ biển cheo leo vách đá. Nhìn xuống phía dưới chỉ thấy những con sóng cuồn cuộn đánh vào bờ, nổi bọt tung trắng xóa. “Ở những đoạn này, phải chấp nhận dẫm lên đá sắc nhọn để đi vào giữa hai thanh ray, tránh bị trượt ngã, rơi xuống vực bên dưới”, anh Quý cho biết.
Dưới đây là những hình ảnh về cuộc sống của những con người bé nhỏ ở “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Đường sắt Bắc – Nam nhìn từ đỉnh đèo Hải Vân.
Đoàn tàu uốn lượn qua những đoạn đường quanh co, khúc khuỷu.
Công nhân đi tuần đường trên những thanh đường ray rất “điệu nghệ”.
Tàu hỏa đi qua một cây cầu vòm đã hàng trăm năm tuổi.
Bữa cơm trưa của công nhân sửa chữa đường sắt trên đỉnh đèo Hải Vân.
Người dân “nhảy tàu” đi nhờ về Thành phố.
Anh Trần Thanh Hà – đội trưởng đội tuần đường Nam Hải Vân chuẩn bị dụng cụ, trước khi lên đường tuần tra.
Pháo hiệu để dừng tàu khi phát hiện sự cố là thứ không thể thiếu khi đi tuần.
Đèn pin dùng để tuần các tuyến đường qua hầm dài cả km.
Sắp cờ hiệu vào balo để chuẩn bị chuyến tuần tra.
Anh Trần Thanh Hà – đội trưởng đội tuần đường Nam Hải Vân đi kiểm tra đường sắt, đoạn qua hầm số 6.
Siết chặt từng con ốc, thanh tà-vẹt để bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu.