Mới đây, chị Bùi Thị Mơ, một phụ nữ lưu lạc ở biên giới sau 6 năm lấy chồng Trung Quốc, đã được trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình tại ấp Bào Thùng, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.
Lấy chồng Trung Quốc để đổi đời
Trước đó, ngày (8/7), cha chị Mơ là ông Bùi Văn Bi (SN 1960, ngụ ấp Bào Thùng, xã Rạch Chèo) đã đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn để đón chị Mơ về nhà.
Tiếp xúc với gia đình ông Bi, chúng tôi được biết, ông Bi có 3 đứa con, Mơ là con út, sinh năm 1993. Vào năm 18 tuổi, chị Mơ lập gia đình với một người đàn ông cùng huyện. Sau đó, cả 2 lên Bình Dương làm công nhân kiếm sống. 2 người có một người con chung. Cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc nên dẫn đến ly dị, đứa con cũng được giao cho bên nội nuôi dưỡng.
Ông Bùi Văn Bi cha của chị Mơ. Ảnh: Chúc Ly.
Bà Huỳnh Thị Hằng (mẹ của Mơ) cho biết: “Nhà nghèo, không đất sản xuất, tôi thì bệnh xương khớp nên chồng tôi là lao động chính, ai mướn gì làm nấy, kiếm sống quá ngày. Năm Mơ tròn 20 tuổi thì được một người đàn bà (gia đình không nhớ tên) quê ở huyện Ngọc Hiển mai mối gả sang Trung Quốc. Ban đầu gia đình cũng không đồng ý gả, nhưng ý con gái tôi thì nhất quyết đi, vì muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình”.
Kết quả là sau một cuộc mai mối chóng vánh, vài tháng sau Mơ đã khăn gói qua Trung Quốc sinh sống mà không có một đám cưới nào. Cuộc hôn nhân không kéo dài lâu, sau khi chia tay chồng, Mơ tiếp tục lấy một người đàn ông người Trung Quốc khác. Quãng thời gian ở với người chồng thứ 2, Mơ sinh được 2 người con trai xinh xắn và cuộc sống trôi qua khá êm đềm.
Thế nhưng sau đó, vào cuối tháng 5 năm 2019, chị Mơ được người dân phát hiện ở khu vực biên giới Trung - Việt trong tình trạng tinh thần không được minh mẫn.
Hàng xóm đến thăm chị Mơ tại nhà. Ảnh: Chúc Ly.
Theo UBND xã Rạch Chèo, năm 2013, Mơ xin chuyển khẩu về xã Viên An Đông (Ngọc Hiển, Cà Mau). Qua mai mối, Mơ lấy chồng người Trung Quốc, gia đình được nhận 20 triệu đồng. Cách đây vài tháng, chồng hiện tại của Mơ gọi điện cho ông Bi thông báo Mơ bị nhà chức trách bắt giữ vì không giấy tờ tuỳ thân và cư trú bất hợp pháp.
Hành trình đoàn tụ
Theo gia đình ông Bi, vào khoảng cuối tháng 6 năm 2019, ông Bi được một số người hảo tâm tìm đến gia đình. Những người này thuộc một tổ chức từ thiện, liên lạc với nhau từ Lạng Sơn về đến Cà Mau để tìm hiểu thông tin của Mơ.
Cùng lúc này, trên mạng xã hội Facebook, ông Bi cũng được mọi người trong xóm cho ông xem hình ảnh, đoạn video clip về một cô gái nói tiếng Trung Quốc. Ông Bi giật mình nhận ra đó chính là đứa con gái ruột của mình. Theo số điện thoại được đăng tải trong bài viết, ông Bi liên lạc và gặp được bà Phạm Yến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ‘Thắp sáng niềm tin” ở Lạng Sơn.
Gia đình bà Hằng không có đất sản xuất, cuộc sống khá khó khăn với lao động chính là ông Bi. Ảnh: Chúc Ly.
Theo đó, bà Yến cho biết, ngày 22/5/2019, người dân thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn phát hiện ở khu vực biên giới có một cô gái lơ đễnh đi trên đường, miệng nói lảm nhảm. Sau đó, bà Yến cùng câu lạc bộ trao đổi, kết hợp với Công an Lạng Sơn tổ chức đưa đón cô gái này về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Tuyền (cô ruột của Mơ), thông tin: Qua trao đổi, bà Yến cho biết, ban đầu, Mơ không hợp tác, không ăn uống, tinh thần hoảng loạn. Trong khoảng một tuần sau khi vào Trung tâm bảo trợ xã hội, Mơ toàn nói tiếng nước ngoài.
Sau đó, những người trong câu lạc bộ thường xuyên thăm hỏi, ân cần gợi mở thông tin thì Mơ mới nói được những từ như: Cà Mau - Cái Nước - Rạch Trầu và kênh 90. Các ngày tiếp theo Mơ nhắc đến các tên Bùi Văn Bi, Bùi Thị Mơ. Tổ chức từ thiện này sau đó quay lại video clip, rồi chia sẻ lên mạng.
Chị Mơ sử dụng tiếng Việt và cả tiếng Trung khi giao tiếp. Ảnh: Chúc Ly.
Trong những chia sẻ đứt đoạn với chúng tôi, chị Mơ cho biết, chị và người chồng đầu tiên ở Trung Quốc chỉ sống được với nhau khoảng 1 năm, vợ chồng hay cãi vã. Sau đó, qua mai mối Mơ lấy một người chồng người Trung Quốc khác. Cuộc sống hôn nhân khá êm đềm. “Thằng con lớn 5 tuổi đã đi học mẫu giáo, còn 1 đứa thì 4 tuổi” - chị Mơ kể về cuộc sống với người chồng Trung Quốc thứ 2.
Bà Tuyền cho biết: “Khoảng 3-4 tháng trước, có thời điểm Mơ gọi về cho chồng tôi lúc nửa đêm, nó khóc và nói rằng mình không còn ham tiền bạc gì nữa, chỉ muốn chết thôi. Lúc đó, nghe cháu mình khổ, tôi khuyên Mơ trốn về nước. Mơ nói rằng trốn về không được, trốn về là “nó giết chết”. Hỏi ra thì Mơ cho biết không có giấy tờ gì hết, nên không dám trốn. Sau đó, thêm vài lần Mơ cũng gọi vào số của chồng tôi và nói cùng một nội dung như vậy”.
“Tôi cũng đã có nói lại với gia đình anh mình liên lạc hỏi han để tìm cách xử lý. Nhưng cái khó là việc bất đồng ngôn ngữ, Mơ thì không tỉnh táo. Liên hệ với gia đình chồng Mơ thì họ nói tiếng Trung Quốc, chúng tôi không hiểu được. Tôi là nghĩ là nó bỏ xác ở xứ người rồi chứ không có đường về nữa” - bà Tuyền cho biết.
Hàng xóm đóng góp hỗ trợ cho gia đình. Ảnh: Chúc Ly.
Hiện tại, sau thời gian hơn 40 ngày chăm sóc, chữa bệnh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn, chị Mơ đã được đoàn tụ với gia đình trong niềm vui khôn tả.
Ông Bi cho biết: “Nghe tin con gái đang ở Lạng Sơn, tôi nhanh chóng khăn gói lên đường đón con. Cả đi đến lúc về mất hết 10 ngày. Thời gian đầu đến Lạng Sơn, Mơ không nhận ra tôi, cũng không nhớ gì. Tôi hỏi đến đâu thì Mơ trả lời đến đó, nhưng không rõ ràng. Sau đó, thấy tình trạng con không ổn nên tôi nhờ người mua thuốc cho Mơ uống. Dần dần sức khỏe Mơ cũng tạm ổn, nhưng lúc nhớ lúc quên, nói chuyện không đầu không đuôi”.
“Mơ về đến nhà vào khoảng 2h sáng ngày 9/7 trong niềm vui khôn xiết của gia đình, người thân. Tuy hiện tại tinh thần con tôi còn chưa tỉnh táo, lúc nhớ lúc không, nhưng về với gia đình đã là tốt lắm rồi, từ từ chúng tôi sẽ chữa trị cho cháu” - bà Hằng chia sẻ.
Ông Bùi Văn Bi chia sẻ: “Hiện tại, gia đình sẽ cố gắng hết sức để đưa Mơ đi chữa trị để ổn định sức khỏe. Sau đó, chúng tôi sẽ tính đến việc liên lạc lại với gia đình bên chồng, nếu chồng của Mơ còn yêu thương và mong muốn hàn gắn thì gia đình tôi sẽ chấp nhận, vì dù sao Mơ còn 2 đứa con bên đó. Tuy nhiên, ở lần này mọi thứ phải rõ ràng hơn, có giấy tờ hợp pháp”. |