Đốt than trong phòng từ 10 giờ đêm hôm trước, đến sáng hôm sau không thấy dậy, người nhà vào phòng thì anh H. đã hôn mê, nguy kịch.
Hôn mê, tổn thương não vì sưởi ấm bằng than
Gần 2 tuần vừa qua, do thời tiết lạnh kéo dài, nên nhiều người đã dùng mọi cách để đối phó, nhất là khi đêm về. Trong đó, có không ít người chọn phương pháp đốt than để sưởi ấm khi ngủ.
Điển hình như trường hợp của anh N.V.H (42 tuổi, ở Hải Phòng), người nhà anh H cho biết, do nhiệt độ giảm sâu nên ngày 19/12 trước khi đi ngủ (khoảng 10 giờ), anh H có dùng than củi đốt ở trong phòng ngủ nhắm “chống” lạnh.
Đến sáng ngày 20/12, không thấy anh H dậy, người nhà nghĩ do lạnh nên anh H. dậy muộn. Khoảng 10h cùng ngày, vẫn chưa thấy anh H dậy, mọi người cạy cửa vào phòng thì thấy anh đã hôn mê.
BS Nguyên đang thăm khám cho một bệnh nhân bị ngộ độc khí than.
Người nhà vội vàng đưa anh H. đến bệnh viện địa phương, nhưng do tình trạng quá nặng nên đã được chuyển thẳng lên Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cấp cứu.
Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân ở trong tình trạng hôn mê, có dấu hiệu tổn thương thần kinh,… Sau đó bệnh nhân được các bác sĩ cho thở máy và điều trị theo phương pháp giải độc ngộ độc khí.
Sau 1 ngày điều trị, BS Nguyên cho biết tình trạng của bệnh nhân rất nặng, vẫn hôn mê và các bác sĩ sẽ cố gắng làm mọi thứ để bệnh nhân bị tổn thương não ít nhất có thể.
“Bệnh nhân bị đốt than trong phòng kín nên bị ngộ độc khí CO rất nặng và đã có hôn mê. Tiên lượng những trường hợp này có tổn thương não lâu dài, nhưng ở mức độ như thế nào thì không thể nói trước được, điều đó còn tùy vào tình trạng cụ thể của người bệnh”, BS Nguyên cho hay.
Đốt than trong phòng kín vô cùng nguy hiểm.
Hôn mê và tử vong rất nhanh khi bị ngộ độc khí CO
Theo BS Nguyên, điều nguy hiểm nhất khi ngộ độc khí CO, khí than đó là bệnh nhân rất nhanh bị rơi vào trạng thái hôn mê, tổn thương não và tử vong.
“Phần lớn các bệnh nhân tử vong tại chỗ hoặc đến viện muộn trong tình trạng tổn thương não rất nhiều. Vì thế, nhiều trường hợp nếu cứu được cũng để lại biến chứng lâu dài, có thể ảnh hưởng đến não, rối loạn tri giác…”, BS Nguyên cho hay.
Trả lời câu hỏi, vì sao ở Việt Nam mùa rét nào cũng có người bị ngộ độc khí CO khi sưởi ấm, trong khi ở phương Tây họ đốt lò trong nhà cả năm vẫn không sao? BS Nguyễn cho biết, đó là ở những nước có khí hậu lạnh, họ thiết kế lò riêng để sưởi ấm, có ống khói thoát ra và có những khe hở để ô xy vào phòng.
Còn ở Việt Nam, khoảng 10 năm trở lại đây do thay đổi kết cấu nhà, xuất hiện nhiều nhà ống, nhà kính với diện tích nhỏ, phòng ở thường chật hẹp và kín, nên khi dùng than củi, than tổ ong để sưởi ấm khí CO không thoát được ra ngoài, dẫn đến tình trạng ngộ độc.
Để tránh tình trạng ngộ độc như trường hợp trên, BS Nguyên khuyến cáo, nếu gia đình nào vẫn dùng nhà cũ thoáng khí thì có thể đốt trong nhà để sưởi ấm được. Còn ở những nhà ống, phòng kín, phòng nhỏ thì tuyệt đối không được đốt các các loại than, chất đốt để sưởi ấm ở trong phòng.
Khi người thân phát hiện ra nạn nhân bi nhiễm độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi, cần khẩn trương làm những việc theo trình tự như sau: - Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt. - Nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng-miệng hay miệng-mũi. - Nếu nạn nhân không còn tỉnh thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến bệnh viện. |
>>XEM THÊM: Đốt than sưởi ấm cho sản phụ, bé 18 tháng tuổi tử vong