Mới đây, cảnh sát tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã bắt giữ 37 đối tượng bị tình nghi liên quan đến vụ bê bối mua bán vắc xin trái phép.
Vào tháng trước, cảnh sát tỉnh Sơn Đông đã bắt giữ hai mẹ con vì tội mua bán vắc xin trái phép trị giá lên đến hơn 570 triệu nhân dân tệ (88 triệu USD, tương ứng với gần 2 tỉ đồng Việt Nam). Đường dây mua bán này đã tiến hành hoạt động trên 20 tỉnh từ năm 2011 đến năm 2015. Toàn bộ số vắc xin trong đường dây này đều hết hạn hoặc được bảo quản không đúng cách.
Theo điều tra, 2 mẹ con bị bắt giữ đã mua bán trái phép trên 25 loại vắc xin khác nhau từ vắc xin phòng bệnh thủy đậu đến các loại vắc xin viêm gan A, bệnh cúm, bệnh dại và viêm màng não… Các loại vắc xin này trong khi vận chuyển mà không được bảo quản đúng cách có thể mất tác dụng, gây phản ứng phụ nghiêm trọng, thậm chí tử vong cho bệnh nhân.
Hiện tại, theo Tân Hoa Xã, cảnh sát đang điều tra 3 công ty dược phẩm có liên quan đến vụ bê bối này. Trong số này, Công ty Shandong Zhaoxin Bio-tech đã bị thu hồi giấy phép và buộc ngừng hoạt động.
Các loại vắc xin này trong khi vận chuyển mà không được bảo quản đúng cách có thể mất tác dụng, gây phản ứng phụ nghiêm trọng, thậm chí tử vong cho bệnh nhân (Ảnh minh họa)
Đường dây này đã buôn bán ít nhất 12 loại vắc xin cùng 2 globulin miễn dịch và một sản phẩm điều trị. Nhóm điều tra đã ra lệnh kiểm tra các nhà sản xuất, bán buôn và người mua vắc xin tại địa phương và 23 tỉnh thành khác, nơi vắc xin được bán ra.
Vụ bê bối đang ảnh hưởng tới những nỗ lực của Bắc Kinh trong quá trình thúc đẩy thị trường dược trong nước và đặt ra những thách thức mà nước này phải đối mặt nhằm điều chỉnh chuỗi cung ứng thuốc trên toàn quốc.
Nhiều người dân cũng tỏ ra lo lắng trước vụ việc này, họ liên tưởng đến vụ bê bối sữa năm 2008, khiến 4 trẻ sơ sinh thiệt mạng và hơn 6000 người bị ốm sau khi sữa bị phát hiện nhiễm hóa chất melamine công nghiệp. Nhiều phụ huynh ở Trung Quốc đã bày tỏ mối quan ngại trên các mạng xã hội. Một người mẹ cho biết muốn đưa con mình ra nước ngoài để trốn “sữa nhiễm độc, nhiên liệu bẩn và các loại vắc xin không đảm bảo chất lượng”.
Văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc cho biết vắc-xin cần phải được xử lý đúng cách, nếu không sẽ trở nên kém hiệu quả. Trước tình hình này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường yêu cầu các cơ quan chức năng cải thiện các quy định liên quan tới sản xuất và phân phối vắc xin.