An toàn thực phẩm trở thành một trong những ưu tiên của chính quyền Trung Quốc trong năm 2014, cùng với việc bảo vệ môi trường ở nông thôn.
Báo Pháp Le Figaro số ra ngày 6/3 bình luận những vụ bê bối thực phẩm liên tục nổ ra ở Trung Quốc: từ sữa nhiễm mélamine, bắp cải có formol cho đến thịt có chứa thuốc trừ sâu…
Trung Quốc trước “đại họa thực phẩm độc hại”
Ngày nay, người dân Trung Quốc ý thức được rằng thực phẩm bày bán và nạn ô nhiễm đang gây nguy hại cho sức khỏe. Tuy nạn ô nhiễm ở đô thị đang là mối lo hàng đầu, nhưng tình trạng đất nông nghiệp đầy thuốc trừ sâu và phân hoá học, rác thải công nghiệp… cũng là nguyên nhân đe dọa khả năng đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng ở Trung Quốc.
Le Figaro liệt kê một danh sách dài các vụ bê bối thực phẩm ở Trung Quốc: há cảo nhiễm thuốc trừ sâu, thịt heo có clenbutérol, dầu ăn “tái chế”, bắp cải có tiêm formol, nấm được tẩy trắng bằng thuốc tẩy, sữa nhiễm mélamine, trà có thuốc sâu…
Năm 2008, sữa nhiễm mélamine đã giết hại 6 em bé và gây bệnh cho 300.000 em khác. Chất hóa học này được dùng để làm tăng độ đạm một cách giả tạo. Bà chủ của công ty sữa Sanlu đã bị kết án chung thân, nhưng bản án này cũng không ngăn được một vụ sữa nhiễm độc mới tại Yili, một nhãn hiệu tên tuổi của Trung Quốc.
Bà chủ của công ty sữa Sanlu đã bị kết án chung thân
Một giáo sư tại Bắc Kinh tâm sự : Hai vợ chồng tôi không muốn có con, vì bị ám ảnh bởi hình ảnh những trẻ sơ sinh dị tật. Chúng tôi cũng không muốn…cuối tuần phải sang Hong Kong hay tranh thủ những lần du lịch châu Âu để mua sữa bột. Còn mua sữa chất lượng cao tại Trung Quốc thì quá đắt và cũng không bảo đảm.
Những trò phù phép thực phẩm bẩn
Tháng 5/2012, Tân Hoa Xã tiết lộ những người bán bắp cải đã tẩm formol để không bị hư hại khi vận chuyển bằng xe tải không có hệ thống lạnh trong mùa nóng. Formol rẻ tiền, nhưng gây dị ứng và có nguy cơ gây ung thư rất cao. Cung cách này rất phổ biến tại tỉnh Sơn Đông. Còn năm 2010, nhiều người trồng rau đã nhúng nấm vào thuốc tẩy để có màu trắng.
Năm 2011, công an bắt giữ 32 người sản xuất dầu ăn vớt từ dầu của các nhà hàng thải ra ống cống. Theo ước tính, có đến 10% số dầu ăn tiêu thụ tại Trung Quốc là dầu thải, mang lại món lợi khổng lồ. Đến tháng 5/2013, công an phát hiện một mạng lưới buôn lậu thịt quy mô ở Thượng Hải và Giang Tô. Trên 900 người bị bắt giam vì bán thịt chuột cống và chồn giả làm thịt bò và cừu, thu lợi 1,6 triệu USD.
Các nhà “phù thủy” này chế ra những món ăn bị tiêm vào những sản phẩm độc hại, ngâm tẩm bằng những dung dịch đáng ngờ đôi khi bằng nước tiểu súc vật. Thịt heo được tiêm borax, một chất được dùng làm thuốc trừ sâu hay bột giặt để giả làm thịt bò, hay chích nước bẩn vào để làm tăng trọng lượng, là những thủ thuật cổ điển.
Về phía nông dân cũng vận dụng nông hóa để có được rau quả to hơn, đẹp mã hơn. Khoảng 45 hecta dưa hấu đã bị nổ tung như những quả bóng vì rải quá nhiều chất forchlorfenuron để kích thích tăng trưởng.
Khoảng 45 hecta dưa hấu đã bị nổ tung như những quả bóng vì rải quá nhiều chất forchlorfenuron để kích thích tăng trưởng.
Cuối tháng 12/2013 Trung Quốc tổng kết có 3,33 triệu hecta đất nông nghiệp quá ô nhiễm, không thể trồng bất cứ thứ gì. Theo báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng”, ít nhất 70% sông hồ tại Trung Quốc bị công nghiệp làm ô nhiễm, chủ yếu là các nhà máy hóa chất và dệt nhuộm.
Một nhà phát minh ra loại “siêu lúa” có năng suất tăng 20% báo động: “Thuốc kích thích tăng trưởng tràn lan khắp nơi. Để nuôi lớn một con lợn thịt thông thường phải mất một năm, nhưng ở Trung Quốc thì chỉ cần ba tháng! Gà thì nuôi có 28 ngày thay vì 6 tháng, còn rau quả cũng tương tự. Hậu quả là thảm họa cho sức khỏe. Vì vậy mà một bé gái mới ba tuổi đã thấy kinh nguyệt, do ăn dâu có thuốc kích thích tăng trưởng”.
Nuôi được 1,3 tỷ người là một trong những thử thách lớn ở đất nước Trung Quốc đã nhiều lần bị nạn đói hoành hành trong lịch sử. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không tìm được phép lạ nào, nên phải trả giá trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.