“Việt Nam sẽ không thể có Nick Vujicic nếu những công trình xây dựng trong xã hội không đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng”.
Vừa qua, dư luận xã hội quan tâm đến sự việc nhân viên của hãng hàng không Vietjet Air từ chối phục vụ người khuyết tật. Lý do, hành khách Nguyễn Thị Bích Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) không thể tự di chuyển, nhưng lại không đặt trước dịch vụ theo quy định.
Vietjet đã xin lỗi hành khách Nguyễn Thị Bích Vân, đình chỉ công tác và phạt 5 triệu đồng nhân viên từ chối khách.
Bàn về sự việc trên, tiến sỹ, kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng nhắc lại chuyện anh chàng không chân không tay Nick Vujicic - vẫn có thể làm mọi việc như người bình thường. Sau đó, anh trở thành một diễn giả về động lực cuộc sống, đi tới nhiều nước trên thế giới, và nói chuyện chủ yếu về những vấn đề của tuổi thanh thiếu niên.
Tiến sỹ, kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận
Để mời người khuyết tật nổi tiếng đến Việt Nam năm 2013, những doanh nhân người Việt giàu có được cho là phải bỏ một số tiền khổng lồ lên tới 32 tỷ đồng.
Sự khác nhau của Nick và người khuyết tật ở nước ta là gì, thưa bà?
Tôi nhớ, khi anh chàng không chân không tay Nick Vujicic đến Việt Nam diễn thuyết năm 2013, có lần do Ban tổ chức không bố trí đường lên dành cho xe lăn nên người ra khiêng anh lên sân khấu. Nghĩa là ngay cả những nhà tổ chức sự kiện cho người khuyết tật đôi khi vẫn chưa tính đến điều kiện để họ tự tiếp cận sân khấu.
Trong khi đó, ở quê nhà Nick có thể tự di chuyển khắp nơi, đi làm, đi diễn thuyết... Tất cả các công trình, nhà hàng siêu thị đều hỗ trợ cho những người khuyết tật có thể tự đi một mình. Điều đó làm cho người khuyết tật có thể tự mình đi học, đi làm, phát huy khả năng của mình.
Còn các công trình giao thông, xây dựng, chung cư... ở Việt Nam chưa tính đến yếu tố cho người khuyết tật sử dụng được là một trong những lý giải vì sao nước ta ta có nhiều người khuyết tật rất giỏi nhưng không nổi tiếng và kiếm tiền giỏi như Nick.
Thưa bà, câu chuyện trên của bà cũng lý giải việc nhiều người khuyết tật nói họ khó khăn di chuyển khi đến những nơi công cộng như nhà ga, bến xe, nhà cao tầng, bệnh viện. Các công trình xây dựng của nước ta chưa tính đến yếu tố về người khuyết tật?
Cách đây hơn 10 năm, (2002), nước ta đã có quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng; năm 2014 Bộ Xây Dựng điều chỉnh lại quy chuẩn trên, trong đó đảm bảo cho tất cả đối tượng như người khiếm thị, người cần có sự trợ giúp.... có thể tiếp cận sử dụng.
Quy định đã được ban hành, nhưng thực tế chưa được như vậy. Vừa qua, tại TP. HCM, một tổ chức người khuyết tật điều tra 1.800 công trình, chỉ có 78 công trình có tiếp cận cho người khuyết tật.
Tại nội thành Hà Nội, các không gian công cộng như khu vui chơi ngoài trời, sân vận động, quảng trường, khu tượng đài các công viên... chưa được chú trọng thiết kế đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
Ở vỉa hè, vườn hoa, đường đi dạo… đều không đáp ứng quy định theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Thiếu hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn trợ giúp người khuyết tật.
Các công trình hạ tầng giao thông đô thị bao gồm bến xe, bãi đỗ xe, điểm chờ xe buýt... hầu như chưa tính đến yêu cầu này làm cho cơ hội của người khuyết tật được hòa nhập cộng đồng trở nên xa vời, khó thành hiện thực.
Thế mới có chuyện, người khuyết tật ở các nước tiên tiến có thể tự đi lại khắp nơi, đi làm, đi học, vui chơi, đến cửa hàng mua sắm... mà không cần người đi kèm. Nhưng ở Việt Nam, người khuyết tật ra đường phải có người nhà đi cùng. Nước ta có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, đồng nghĩa với có thêm hàng triệu người đi theo hỗ trợ.
Như vậy, nếu người khuyết tật ở Việt Nam có thể tiếp cận được các công trình công cộng, văn phòng... thì hàng triệu người nhà không cần đi cùng hỗ trợ người khuyết tật?
Trong xã hội còn rất nhiều người khuyết tật giỏi nhiều lĩnh vực nhưng khó phát huy vì không thể một mình ra đường đi lại. Nhiều sinh viên rất giỏi nhưng chỉ vì mất đi đôi chân mà cuộc đời trở nên đen tối vì chẳng thế đi đâu được nữa. Trong khi, ngồi xe lăn vẫn có thể làm được rất nhiều việc như dạy học chẳng hạn.
Nếu không xây dựng các công trình đảm bảo điều kiện tiếp cận và sử dụng của người khuyết tật, xã hội rất thiệt thòi. Vì nếu tự ra đường được, người khuyết tật có thể tự ra đường đi làm, kiếm sống, không cần gia đình nuôi. Thậm chí họ còn có thể nuôi thêm được người khác.
Bà có góp ý gì để việc giúp cho những quy định về xây dựng đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng được thực hiện đầy đủ trong xã hội?
Các nhà hoạch định đô thị phải có biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và thiện chí của các chủ đầu tư xây dựng. Có cơ chế thưởng phạt đối với các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các hoạt động xây dựng tạo môi trường tiếp cận cho người khuyết tật... có như vậy, người khuyết tật mới có thể hòa nhập cộng đồng.
Nhiều người khuyết tật mơ ước có một ngày nào đó họ tự đi được bằng các phương tiện trợ giúp như xe lăn, gậy chống… xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Họ muốn được tận hưởng không gian của bờ hồ, công viên hàng, di tích của ngàn năm... nhưng điều đó thực sự khó khăn.
Xin trân trọng cảm ơn kiến trúc sư!
Trở lại câu chuyện thời sự gần đây, nhân viên của Vietjet Air từ chối phục vụ người khuyết tật bởi người này không đặt trước dịch vụ hỗ trợ. Kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận cho rằng, hãng hàng không VietJet từ chối phục vụ hành khách khuyết tật cho thấy nhiều vấn đề như hạ tầng sân bay yếu kém, chưa tối ưu điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật, cách xử sự khá cứng nhắc và thiếu nhân văn của nhân viên. |