Sụt sùi những ngày tết thiếu vắng tiếng cười con cháu

Ngày 20/02/2018 07:51 AM (GMT+7)

Những người trẻ sẽ có cái thú vui rong ruổi, tìm hiểu khám phá đây đó, có lúc nào chợt nghĩ đến ông bà già đang lủi thủi, thèm tiếng cười nói cháu con trong những ngày đầu xuân.

Sau mấy tuần quần quật thu xếp các công việc, đến 27 Tết tôi mới bay về Việt Nam. Vừa về đến nhà, cũng chưa kịp duỗi chân cho thoải mái sau chặng bay dài gò bó đã thấy mẹ tôi thông báo: “Trưa nay cả nhà sang nhà cậu trưởng ăn tất niên nhé”.

Ngạc nhiên, tôi hỏi mẹ: “Sao năm nay cậu làm sớm thế ạ? Mọi năm toàn 30 Tết mà”. Mẹ tôi thở dài: “Cậu bảo năm nay làm sớm vì các con nhà cậu đêm nay chúng nó đi du lịch trốn Tết rồi”.

Mẹ tôi chỉ có hai chị em, giờ đều ở cái lứa tuổi U80 rồi nên thương nhau lắm. Cậu tôi là trưởng, gốc nhà cũng vốn có chút chữ nên nề nếp xưa cậu luôn cố gắng giữ gìn. Còn nhớ những Tết ngày xưa, khi còn ở nhà, đến tầm 25 tháng Chạp là mẹ đã bắt chúng tôi bỏ một ngày sang nhà cậu, rồi cùng cậu mợ và các em dọn dẹp nhà thờ tổ chuẩn bị đón xuân. Bọn chúng tôi chỉ có nhiệm vụ bưng bê kê vác và chạy lăng xăng xung quanh nghe sai vặt. Đích thân cậu sẽ dùng khăn mềm nước thơm cẩn thận lau chùi từng cm2 đồ đạc trong gian nhà thờ.

Sụt sùi những ngày tết thiếu vắng tiếng cười con cháu - 1

(Ảnh minh họa)

Vừa tỉ mẩn làm, cậu vừa kể lại cho chúng tôi sự tích từng kỷ vật một gắn liền với mỗi món đồ cũng như các thế hệ trước. Năm nào cũng kể mà lần nào kể cũng rưng rưng như vừa mới. Lũ chúng tôi thì thỉnh thoảng cũng vâng dạ cho phải phép với mạch câu chuyện, còn thì vừa làm vừa chành chọe trêu đùa nhau… không khí vừa vui vẻ vừa ấm cúng đúng như Tết vậy.

Khi tôi sang đến nhà cậu, cỗ bàn đã được mẹ tôi cùng phụ nữ trong nhà chuẩn bị và bày biện tinh tươm trên bàn thờ nhưng chưa thắp hương vì còn chờ tôi và mấy đứa con cậu đang đi mua sắm chuẩn bị cho chuyến “trốn Tết” cũng vừa về đến nơi. Thấy tôi, cậu ra ôm chầm lấy khác hẳn mọi lần: “Hoàng về đấy hả con!”. Rồi cậu lại thở dài giọng dằn hắt: “Đấy, cái đứa ở xa thì năm nào cũng lo về ăn Tết với gia đình, cái đứa ở gần thì chỉ lo đi chơi. Rồi đến lúc tao chết không biết Tết nhất có được nổi nén hương nào không!”…

Có lẽ câu chuyện này đã lặp lại nhiều lần nên tôi thấy thằng em họ nháy nháy mắt ra hiệu lờ đi. Bữa cơm cuối năm đáng nhẽ phải vui tươi thì lại đầy gượng gạo. Dở bữa thì ông cậu tôi gác đũa bỏ vào phòng nằm, mấy đứa em giờ mới lắc đầu: “Mấy cụ Khốt cứ giữ cái tư duy cũ, mệt lắm anh ạ!”. Mợ tôi chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ quay mặt đi sịt mũi.

Nhiều người đặc biệt là giới trẻ, tiếp xúc với những luồng tư tưởng mới nên sẽ thường cho là mình tiến bộ, cấp tiến. Họ hô hào nhau bỏ Tết cho “đỡ mệt” hoặc phù hợp với việc hội nhập quốc tế vì mỗi lần Tết, các công việc liên quan với nước ngoài đều bị đình trệ và đó là một trong những lý do khiến nền kinh tế tụt hậu.

Tấm gương các nước Nhật, Hàn bỏ không ăn Tết âm lịch được đưa ra để minh chứng cho việc “bắt kịp thời đại, loại bỏ cái tư duy “âm lịch””. Nhưng họ không biết rằng ở các nước như Nhật, Hàn người ta không tổ chức Tết linh đình kéo dài như trước nhưng họ vẫn duy trì nó. Người lao động vẫn được nghỉ một ngày. Các gia đình vẫn tổ chức Tết truyền thống trong gia đình. Nhiều người vẫn xin nghỉ phép để được đoàn tụ cùng người thân trong thời khắc giao thừa thiêng liêng. Giá trị truyền thống là không bỏ được.

Hay nếu nói việc ăn Tết khiến ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thì lại càng bao biện. Hãy nhìn Trung Quốc ngay cạnh, họ có rất nhiều kỳ nghỉ dài như nghỉ Tết một tuần, nghỉ quốc khánh, nghỉ Trung Thu… vậy mà họ vẫn trong tốp đầu các nền kinh tế.

Đã đành mỗi lần Tết là một đận vất vả lo toan, nhưng để rồi ta có những khoảnh khắc ngồi thư thái bên người thân, nhấp hớp rượu nồng ngắm hoa đào khoe sắc, bù cho những ngày thường tất bật, gia đình chỉ gặp nhau vội vã trong bữa cơm tối rồi ai về phòng nấy dán mắt vào cái máy tính hay màn hình TV.

Những người trẻ sẽ có cái thú vui rong ruổi, tìm hiểu khám phá đây đó, có lúc nào chợt nghĩ đến ông bà già đang lủi thủi trong gian nhà quạnh vắng, u uẩn khói hương “âm lịch” mà thèm tiếng cười nói cháu con trong những ngày đầu xuân. Chả nhẽ nỗi ích kỷ cá nhân chiếm hết phần của lòng trắc ẩn.

Từ ngày xa quê hương, chưa năm nào là tôi không trở về đón Tết cùng gia đình để được đắm mình vào cái không khí se lạnh, thoảng mùi hương trầm và lá mùi già phảng phất. Để được mẹ sai vặt làm việc này việc kia, hay đưa bố đi sắm cành đào và ngắm phố phường náo nức. Để được nhìn bố mẹ già chắp tay thành kính bên mâm lễ giao thừa với hương nến lung linh,thấy ấm lòng vì gia đình vẫn đang đủ đầy đoàn tụ...

Hạnh phúc đó đủ bù lại cho những ngày vất vả. Và tôi biết mỗi Xuân qua, cơ hội đó sẽ càng ít lại khi tuổi tác bố mẹ đã nhiều. Tôi không đủ ích kỷ để tước bỏ niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đó của người thân mình. Nhưng có lẽ năm nay tôi sẽ phải hy sinh cái hạnh phúc đó để sang đón giao thừa với cậu mợ. Dù sao bên cạnh bố mẹ tôi vẫn còn các con cháu.

                                                                                                                             

Đi du lịch ngày Tết: Những chuyến đi ích kỷ, bỏ mặc người thân?
Chuyến đi hưởng thụ ngày Tết có thể đồng nghĩa với việc mình vui nhưng đem sự cô đơn, thiếu vắng lên những người thân trong gia đình.
Gia Hoàng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h