Xã hội văn minh ngày nay, cả ở Việt Nam và trên thế giới, LGBT cần được đối xử đàng hoàng và tôn trọng đúng mực.
Chiều qua, trung tâm ICS - Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới) đã lên tiếng phản đối chương trình “Táo quân 2018” vì “LGBT luôn là đối tượng bị chương trình mang ra làm trò cười, đưa thông tin sai lệch, thậm chí xúc phạm với ngôn từ tệ hại”.
Không chỉ Táo Quân với nhân vật Cô Đẩu “cái loại phụ nữ chỉ có một nửa” mà hàng loạt hài kịch khác LGBT cũng được xem là “món khoái khẩu” của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Chẳng những phía Bắc mà trong Nam cũng đầy rẫy những vai giả gái hoặc giễu nhại LBGT nhằm chọc cười.
Hơn chục năm qua, khi mà đề tài LGBT ngày càng bình thường trong xã hội thì những vở diễn mượn LGBT để mua vui bằng cả những màn khoe thân xác hay khiếm khuyết của họ càng dầy đặc hơn.
Mỗi người đều có giới tính thật của mình và thái độ kỳ thị và xa lánh, bêu riếu họ nên lùi xa vào dĩ vãng ( Ảnh minh họa)
Gần hai thập niên qua, LGBT đang được nhìn bằng con mắt khác, rộng lượng và thông cảm hơn. Trên thực tế họ không có tội tình gì và được pháp luật công nhận như những giới tính khác. Năm 2015, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”
Riêng với cá nhân tôi, họ không thể bị phân biệt đối xử và phải được đối xử như những con người bình thường. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình có giới tính của mình, họ có giới tính của họ và bình đẳng như nhau. Thái độ kỳ thị và xa lánh, bêu riếu họ nên lùi xa vào dĩ vãng. Xã hội văn minh ngày nay, cả ở VN và trên thế giới, LGBT cần được đối xử đàng hoàng và tôn trọng đúng mực.
Tôi không quá khắt khe để đòi hỏi nhưng đem LGBT ra và moi móc những vấn đề riêng tư của cộng đồng LGBT chỉ để tiết mục dễ cười thì có lẽ nên dừng. Ở đâu đó, trong một không gian hẹp hay bạn bè trò chuyện với nhau những đề tài tương tự tưởng như vô hại nhưng khi lên sóng quốc gia hay khu vực, tính chất hoàn toàn khác và dễ làm tổn thương LGBT.
Không chỉ LGBT, nhiều khiếm khuyết bẩm sinh và thiệt thòi vốn có của phụ nữ cũng luôn là “gia vị” ưa chuộng của các danh hài. Những từ khán giả nghe thấy trong Táo Quân 2018 như “Con cave già phẫu thuật hỏng” “Đuông dừa”, "buồn nôn", "béo lú"... dường như chỉ là “hạt cát” trong biển từ đùa cợt về nữ giới mà chúng ta nghe nhan nhản hàng ngày.
Có thể Táo Quân hay nhiều tiểu phẩm hài khác không có ý xúc phạm hoặc mua vui trên “nỗi đau thầm kín” của nữ giới. Nhưng cứ lặp đi lặp lại và đôi khi tung hứng quá trớn, lạm dụng ấy thành ra phản cảm.
Chẳng phụ nữ nào muốn quá béo hoặc mau già, đại đa số rất sợ từ “thịt mỡ” hoặc “con cave già”. Ngay cả chúng ta, những người đàn ông thường vỗ ngực không coi trọng bề ngoài giờ cũng rất ngại đụng chạm vào những điều tế nhị ấy.
Có lẽ nhiều danh hài cũng chẳng thích điều ấy vận vào mình. Cực chẳng đã, tránh chẳng được, nhiều người mới phải chung sống với nỗi sợ thời đại ấy. Vì vậy chọc ngoáy, xoáy sâu vào ái ngại rồi ai cũng gặp phải để làm gì. “Mua vui một vài trống canh” rồi tổn thương cứ ở lại với người khác mãi liệu có vui mãi được chăng?
Tôi thích những dòng này của ICS và hy vọng đó cũng là điều mà cả phim lẫn hài dần buông bỏ. ICS viết “Chúng tôi đồng ý cuộc sống luôn cần sự hài hước và tiếng cười, chương trình giải trí trên truyền hình là cần thiết; nhưng chúng tôi không cho rằng miệt thị người khác, làm tổn thương cộng đồng yếu thế là sự hài hước và nhân văn”. Tôi còn tin xã hội nhân văn hơn khi tất cả cộng đồng đều tôn trọng lẫn nhau và ngày càng nhiều hơn tiếng cười đúng mực.