Dù sở hữu đôi bàn chân khiến Hàm Phong đế mê mẩn nhưng Từ Hi Thái hậu luôn coi đó là khuyết điểm của mình và tận lực giấu giếm.
Từ Hi Thái hậu từng là người cai trị nhà Thanh nhưng cũng bị coi là tội đồ khiến triều đại này bị hủy diệt. Cho đến nay, thân phận của bà vẫn còn là điều bí ẩn. Người ta tranh cãi việc Từ Hi là người Mãn hay người Hán và cả 2 phe đều đưa ra những bằng chứng thuyết phục. Tuy nhiên, có một điều không thể chối cãi đó là đôi chân của Từ Hi rất to, không giống với đôi chân của những cô gái người Hán đã bị bó chân từ nhỏ.
Đôi chân khiến Hàm Phong đế mê mẩn
Chúng ta đều biết Từ Hi sau này trở thành một nữ nhân quyền thế nhưng trước đó tại sao bà lại được Hàm Phong đế sủng ái? Từ Hi đã có thứ mà một phụ nữ bình thường không có: Đôi chân to. Lúc đó, Từ Hi không bó chân nên bàn chân của bà phát triển tự nhiên. Trong khi hầu hết phụ nữ đều có đôi chân 3 tấc thì bàn chân to của Từ Hi tự nhiên khiến Hàm Phong đế mê mẩn.
Phụ nữ người Hán xưa phải bó chân để có được "kim liên tam thốn" (gót sen ba tấc). Ngay từ khi còn nhỏ, chân các bé gái đã bị quấn vải để không thể lớn lên. Việc này sẽ được thực hiện cho đến khi bàn chân của người phụ nữ phát triển hoàn toàn.
Bó chân có thể nói là một trong những hủ tục của phong kiến Trung Quốc. Nó làm gãy xương bàn chân và khiến người phụ nữ chịu vô vàn đau đớn. Khi lớn lên, do xương bàn chân bị gãy, việc đi lại của người phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, sang đến thời nhà Thanh, hủ tục này đã bị nghiêm cấm. Người Mãn Châu là một dân tộc du mục, lớn lên trên lưng ngựa, truyền thống khác với người Hán. Do đó, phụ nữ Mãn Châu không thể bó chân như phụ nữ Hán. Khi người Mãn tiến vào Trung Nguyên, để thay đổi tục lệ bó chân này, họ đã ra lệnh cấm.
Khuyết điểm luôn giấu giếm
Mặc dù sở hữu đôi bàn chân khiến vua yêu nhưng Từ Hi Thái hậu lại tự ti và coi đây là khuyết điểm. Dù sao ở thời phong kiến, hình tượng những cô gái có gót sen 3 tấc đã ăn sâu vào tiềm thức bao thế hệ. Người Mãn có ra lệnh cấm thì người Hán vẫn coi gót sen mới là quy chuẩn của cái đẹp. Dần dần, chính phụ nữ người Mãn cũng chịu ảnh hưởng bởi quan niệm thẩm mỹ này và họ thấy tự ti về đôi bàn chân to của mình.
Lúc bấy giờ, người Mãn đã sáng tạo ra một loại giày cao gót có tên "giày hoa bồn để" nhằm giải quyết vấn đề. Đây là loại giày có phần đế được thiết kế như bồn hoa nên mới có tên gọi "giày hoa bồn". Phần đế có thể cao từ 5-10 cm nên rất khó sử dụng. Có những đôi giày cao tới 14-16 cm, thậm chí là 25 cm, vượt trội so với chiều cao phổ biến của giày cao gót thời bây giờ.
Ngoài tôn chiều cao, loại giày hoa này còn giúp các phi tần nhà Thanh giấu đi đôi chân to của họ. Và tất nhiên, Từ Hi Thái hậu sở hữu một bộ sưu tập những đôi giày hoa bồn vô cùng sang trọng, tinh xảo. Giày của bà luôn được làm từ chất liệu quý, thêu hoa tinh xảo và kết đính trân châu, bảo ngọc, khác xa với giày của những phi tần khác. Điều này nhằm thể hiện lối sống xa hoa, vương giả bậc nhất của Lão Phật Gia đương thời.
Trong những lần chụp ảnh, Từ Hi Thái hậu đều giấu chân và chỉ khoe ra đôi giày hoa quý giá. Từ vô số bức ảnh của bà, thật khó để tìm được một khoảnh khắc lộ chân. Theo quan niệm thời bấy giờ, ngoài việc thích chân nhỏ, người ta còn kiêng để lộ chân to. Vào thời nhà Minh, sau sự kiện Mã Hoàng Hậu của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương bị lộ bàn chân to ra ngoài, thuật ngữ “lộ mã cước” (lộ bàn chân ngựa) xuất hiện. Chính vì vậy, những phụ nữ có bàn chân to từ ấy luôn cố giấu giếm để không bị “lộ mã cước” và Từ Hi Thái hậu cũng không ngoại lệ.