Để vượt qua được cú sốc tuổi học đường, trước hết phải cần tinh thần và thái độ cầu thị của nhà trường, kết hợp cùng với gia đình giúp đỡ học sinh.
Những ngày gần đây dư luận rất quan tâm đến sự việc học sinh lớp 1 trường tiểu học Quang Trung (Ngô Quyền, Hải Phòng) bị phê bình, đứng ngoài trời nắng vì đi học sớm 15 phút. Sau khi sự việc xảy ra, UBND thành phố Hải Phòng đã có kết luận ban đầu về sự việc, đồng thời yêu cầu thực hiện một số giải pháp để không tái diễn tình trạng tương tự.
Sáng ngày 24/5, mẹ của học sinh phải đứng ngoài cổng trường trời nắng đã tiếp tục chia sẻ về vấn đề này. Theo người mẹ này, mục đích đăng tải câu chuyện cũng chỉ mong nhà trường có chỗ cho những cháu đi học sớm có chỗ trú nắng, trú mưa.
“Mẹ con tôi xin cộng đồng mạng đừng chia sẻ việc này và xin chấm dứt ở đây để mẹ con cháu bình yên sống qua ngày”, người mẹ chia sẻ trên trang cá nhân.
Với tất cả những ai đã từng làm cha, làm mẹ đều luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất với con, em mình. Bởi sau những sự việc như vậy, chắc chắn sẽ để lại những hệ lụy về tư tưởng, tâm lý, thậm chí là sinh hoạt cuộc sống hàng ngày.
Những sự việc tiêu cực xảy ra trong lứa tuổi học đường sẽ ảnh hưởng tâm lý trẻ rất lớn.
Cách đây khoảng 2 năm về trước, cũng tại thành phố Hải Phòng đã xảy ra sự việc cô giáo trường Tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) bắt học sinh của mình phải uống nước giẻ lau bảng. Tại thời điểm đó, sự việc này đã gây chấn động dư luận. 2 năm đã trôi qua, gia đình cho biết cháu P.P.A. (học sinh bị uống nước giẻ lau bảng) đã sinh hoạt và học tập bình thường, nhưng để có được điều đó lại là quá trình không hề đơn giản.
Bà Nguyễn Thị Lan (bà cháu P.A.) cho biết, bản thân bà rất chia sẻ với những gì người mẹ và cháu bé bị phê bình, đứng ngoài trời nắng vì đi học sớm tại trường Quang Trung. Bởi khi gặp phải sự cố như vậy, để vượt qua được không phải chuyện dễ dàng.
“Người mẹ cũng rất dũng cảm khi nói lên sự thật. Nếu không nói sẽ không có sự thay đổi, nhưng khi đã nói ra thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Tôi cũng từng trải qua giai đoạn như vậy nên rất hiểu và thông cảm”, bà Lan chia sẻ.
Quay trở lại câu chuyện của cháu gái mình, bà Lan cho biết thời gian đầu khi mới xảy ra sự việc cháu bà vô cùng hoảng loạn, lo sợ…thậm chí cháu còn đòi chuyển trường đi nơi khác. Thế nhưng, nhờ sự động viên của gia đình và ban giám hiệu, dần dần cháu P.A. đã nguôi ngoai và trở lại lớp học.
“Phải nói thật rằng cháu không thể quên được những chuyện như vậy. Thậm chí, càng lớn cháu càng nhớ từng chi tiết. Nhưng sự quan tâm của thầy cô, gia đình kịp thời sẽ là điểm mấu chốt để cháu vượt qua và tiếp tục đến trường”, bà Lan nói.
Suốt những ngày tháng mới xảy ra sự việc, bà Lan hàng ngày, hàng giờ luôn ở bên động viên, tỉ tê tâm sự và kể những câu chuyện vui cho cháu nghe. Có thời điểm bà Lan khuyên cháu hạn chế đi ra ngoài đường để mọi người không xì xào, nhắc lại chuyện cũ.
“Mỗi lần có người nhắc lại chuyện cũ cháu tôi lại buồn ra mặt. Cháu về nhà lầm lũi không nói gì. Khi đó tôi lại động viên cháu rằng phải cố gắng vượt qua, phải cố gắng học tập tốt sau này mới có việc làm tử tế”, bà Lan nói.
Cuối cùng, bà Lan cho rằng mọi chuyện nên bình tĩnh nhìn từ mọi phía. Điều quan trọng nhất là thái độ cầu thị từ phía nhà trường, cô giáo. Nếu nhà trường và cô giáo nhận ra cái sai, biết sửa sai và quan tâm đến học sinh nhiều hơn thì có thể tha thứ, hướng mọi thứ đến những điều tốt đẹp hơn.
Bà Lan chia sẻ kinh nghiệm với bà mẹ để vượt qua “cú sốc”:
- Cần kết hợp với nhà trường để có sự quan tâm đến học sinh nhiều hơn;
- Trong gia đình nên quan tâm, chia sẻ với con nhiều hơn;
- Đề nghị nhà trường quan triệt tới các giáo viên, học sinh không nhắc lại chuyện cũ, đặc biệt là trước mặt học sinh bị tổn thương;
- Thời điểm hiện tại không nên cho trẻ ra ngoài, vì nhiều người sẽ bàn tán, gây ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý của trẻ.