Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa chấp thuận thử nghiệm vaccine chống vi rút Zika đầu tiên trên người.
Vaccine GLS–5700 sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên 40 người khỏe mạnh và nếu thành công, đây sẽ là bước tiến quan trọng trong việc hướng đến chủng ngừa cho loài người chống lại vi rút Zika. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu do vi rút Zika gây ra từ tháng 2.
J. Joseph Kim, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hãng Dược phẩm Inovio, đơn vị phát triển vaccine cùng Tập đoàn Hàn Quốc GeneOne Life Sciences, cho biết “Chúng tôi rất vui mừng đã đạt được sự chấp thuận để bắt đầu thử nghiệm vaccine chống Zika trên cơ thể người đầu tiên. Chúng tôi dự định sẽ thử nghiệm lần một vào tuần tới và kỳ vọng báo cáo kết quả dự kiến giai đoạn một sẽ có vào cuối năm nay”.
GLS–5700 hoạt động bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể để tự bảo vệ mình chống lại Zika. Mảnh tổng hợp DNA của vi rút được tiêm vào da khiến các tế bào T của hệ miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại vi rút.
Tin tức về thử nghiệm vaccine được đưa ra hai tháng sau khi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh (CDC) xác nhận có mối liên hệ giữa sự lây nhiễm và dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Thử nghiệm lâm sàng văcxin Zika trên người sắp được thực hiện, ảnh: Luiscar74/Shutterstock.com
Ông Kim cho biết “Tính đến tháng 5 năm 2016, 58 quốc gia và vùng lãnh thổ đã báo cáo tình trạng lây truyền vi rút Zika do muỗi, tỷ lệ lây nhiễm vi rút và các căn bệnh gây ra bởi vi rút ngày càng mở rộng”.
Phải khẳng định rõ rằng, GLS–5700 đã đạt được bước tiến thử nghiệm trên người, nhưng không đảm bảo được rằng nó sẽ là chủng ngừa an toàn cho người chống lại vi rút Zika. Vaccine này đã được thử nghiệm thành công trên mô hình động vật nhỏ và lớn, tuy nhiên thử nghiệm lâm sàng ở người có thể mất một vài năm để chứng minh sự an toàn. Và thử nghiệm này không đảm bảo sẽ có kết quả tích cực cuối cùng cũng như các giai đoạn thử nghiệm tiếp theo.
May mắn thay, GLS–5700 không phải là loại vaccine duy nhất đang được phát triển. Một công ty Ấn Độ mang tên Bharat Biotech cũng đang nghiên cứu phát triển vi rút Zika trên động vật. Công ty dược phẩm Pháp Sanofi SA cũng dự kiến bắt đầu thử nghiệm trên người một trong những loại thuốc của mình vào cuối năm nay.
Tại Mỹ, Viện Quốc gia về Dị ứng và các căn bệnh truyền nhiễm (NIAID) cho biết, họ đang hy vọng trong thời gian ngắn sẽ nhận được sự chấp thuận của FDA để thử nghiệm loại vaccine riêng biệt do họ phát triển. Và nếu như vậy, có thể chúng ta sẽ có hai loại vaccine được thử nghiệm trên người trong vòng một vài tuần tới.
Đầu tháng này, các nhà khoa học từ Trung tâm Y tế trường đại học Texas đã công bố phát hiện của họ về cách một protein mang tên interferon-induced protein 3 có thể giúp làm giảm khả năng lây nhiễm của Zika đến các tế bào não bộ.
Thử nghiệm vaccine trên người luôn phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn và những rào cản , nhưng chúng ta vẫn cần phải hy vọng vì đây là phương thức chống vi rút hiệu quả và an toàn nhất.