Ước mơ đơn sơ của cụ ông gần trăm tuổi bán vé số

Ngày 23/10/2015 13:15 PM (GMT+7)

"Tôi chỉ mong có được một chiếc xe lăn ba bánh để đi bán vé số kiếm sống qua ngày chứ đôi chân giờ yếu quá, không thể đi xa như trước được nữa", ông Út ngậm ngùi chia sẻ.

Hằng ngày, trên các tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quang Định, Phạm Văn Đồng... qua các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, hình ảnh cụ một cụ già tay chống gậy, cầm cuốn sổ kẹp xấp vé số lê từng bước nặng nề đã trở nên quen thuộc với mọi người dân trong khu vực. Đó là cụ Hoàng Văn Út, 93 tuổi, ngụ tại Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp, TP HCM.

Chị Minh (30 tuổi, ngụ Lê Quang Định), cho hay: "Cụ đi bán cả mùa mưa lẫn mùa nắng. Trước giờ tôi không chơi vé số, nhưng nghĩ đến gia cảnh đáng thương, bần hàn, tuổi già mà còn lận đận nên hôm nào cũng mua ủng hộ vài tờ”.

Ước mơ đơn sơ của cụ ông gần trăm tuổi bán vé số - 1

Cụ Út trên đường đi bán vé số.

Giữa cái nắng chang chang, cụ ông gầy gò di chuyển khó khăn, tấm vai gầy mồ hôi nhễ nhại, một tay cụ cầm xấp vé số, tay kia cầm gậy (loại có ba chân) chống đi từng bước một.

Cụ Út cho biết trước kia cụ lấy vợ sớm, gia đình đuề huề hạnh phúc nhưng không may vợ mất sớm. Mấy năm sau, cơn ác mộng không buông tha cụ khi hai đứa con gái bị bạo bệnh cũng bỏ đi biệt tích.

Sau một thời gian dài, cụ nén đau thương để tiếp tục sống. Một mình trong căn nhà tối tăm, lạnh lẽo, cụ tái giá với người vợ sau và dọn về sống cùng với vợ cùng con riêng của vợ. Thế nhưng, đến khi bà mất, những đứa con không cùng dòng máu này xem cụ là gánh nặng nên thường hay la mắng, quát tháo.

Ước mơ đơn sơ của cụ ông gần trăm tuổi bán vé số - 2

Sau một ngày lao động vất vả, cụ Út phải dùng xe đạp vịn tay dắt về để khỏi ngã.

Cháu gái cụ, chị Ngọc Cúc (58 tuổi, ngụ hẻm 491 Lê Quang Định, quận Gò Vấp) cho hay: "Khi nghe hoàn cảnh chú mình sống không thoải mái trong gia đình không huyết thống, chị bèn đón cụ về ở chung. Tuy nghèo nhưng gia đình vẫn tìm cách lo cho cụ, khuyên cụ già rồi không nên đi lại vất vả. Vậy mà cụ vẫn muốn đi bán. Biết không thể cản, nên mọi người trong nhà đành theo ý”.

Đứng trước căn nhà tồi tàn, xiêu vẹo ấy, chúng tôi không dám tin đây là nơi sinh sống của đại gia đình ba thế hệ. Trong không gian chật chội, các đồ dùng sinh hoạt được bài trí bề bộn, trời nắng thì ánh sáng xuyên vào các lỗ thủng trên mái nhà. Mùa mưa thì dột, ẩm ướt nên khung cảnh nhếch nhác. Những hôm mưa nhiều, nước lùa vào nhà, các động vật như rắn, chuột, gián chui lên chăn mền làm cả gia đình vô cùng sợ hãi.

Ước mơ đơn sơ của cụ ông gần trăm tuổi bán vé số - 3

Cụ Út trong căn nhà xập xệ, nơi mình đang nương nhờ.

Thấy cụ tuổi già sức yếu, đi lại khó khăn, các cháu trong nhà ai cũng thương cụ, bảo cụ ở nhà, nhưng cụ quyết tâm và vui vẻ với công việc của mình. Cụ cho biết: "Cháu tôi nghèo, miếng ăn còn khó khăn, tôi không muốn làm gánh nặng cho tụi nó, với lại đi bộ coi như tập thể dục cho dẻo dai’’.

Có lần đi bán, vì không cẩn thận cụ bị té gãy tay, gãy xương đòn, gãy luôn ba sườn phải nhập viện. Cụ không có hộ khẩu nên không mua được bảo hiểm. Những lần cụ đau ốm gia đình chạy vạy vay mượn khắp nơi để lo cho cụ. 

"Tháng trước có một người phụ nữ thấy tôi tuổi cao, mắt kém, tâm trí không còn minh mẫn nên lợi dụng mua vé số, người này lấy cả vài chục tờ mà đưa chỉ mười nghìn đồng. Tôi cũng không thấy rõ nữa, đến khi về nhà thiếu hụt mấy trăm ngàn nên mới nhớ lại”, cụ Út kể.

Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, vì cuộc sống thiếu thốn nên phải lận đận mưu sinh nhưng cụ vẫn luôn yêu đời, còn sức lao động là cụ mãn nguyện. “Tôi thích chiếc xe  lăn có cái vòng đẩy phía trước lắm, chiếc xe đó nhẹ mà di chuyển sẽ không mệt nữa, nhưng chỉ là thích thôi, tại không có điều kiện mà!. Mỗi lần qua của hàng bán xe, tôi hay dừng lại ngắm thật lâu, rồi mới đi bán tiếp’’.  

Trần Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự