Sau khi đại dịch COVID-19 hoành hành tại các trung tâm kinh tế trọng điểm, nhiều người mất việc, bị giảm lương, hoặc kinh doanh thua lỗ... muốn bỏ phố về quê tìm cơ hội và quyết tâm làm mới cuộc sống của mình.
Sự xuất hiện của dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng trên phương diện kinh tế mà còn tác động sâu sắc đến lối sống tinh thần của một bộ phận người dân, khiến không ít người bị tù túng và gặp các vấn đề về tâm lý.
Với những ai "nhanh chân" rời khỏi thành phố trước dịch, nhiều người trong số họ cảm thấy may mắn khi được tận hưởng không khí trong lành của hương đồng gió nội, không phải chịu cảnh sống trong một gia đình mà các thành viên buộc phải cách ly lẫn nhau.
Đối với những ai đã chứng kiến hơn 100 ngày thăng trầm vì dịch của TP.HCM, càng thấm thía nỗi mất mát được đong đếm bằng những bản tin công bố người tử vong mỗi ngày. Không khó để nhìn thấy số liệu các ca nhiễm mới hay các con số chi tiết nói về sự thiệt hại kinh tế. Nhưng nằm ngoài những điều ấy là sự “xói mòn” trong tinh thần không thể thống kê được của mọi tầng lớp, độ tuổi trong xã hội.
Nhìn về phía các thành phố, áp lực dân số và việc làm tại đây rất lớn. Người lao động phải vùi đầu nơi công sở liên tục nhiều năm trời mới có được cuộc sống tạm ổn, đa số còn lại thì chật vật và quay cuồng mỗi ngày mà vẫn chỉ đủ cho các sinh hoạt phí hàng ngày.
Đối mặt với sự khắc nghiệt đó, trong khoảng 5-10 năm trở lại đây, lựa chọn về quê tham gia vào hoạt động du lịch, làm nông nghiệp, sống tự cung tự cấp, tối giản đã trở thành xu hướng. Và xu hướng này lan tỏa mạnh mẽ hơn sau đại dịch, khi mà nhiều người ở thành phố thất nghiệp, còn người nông dân vẫn sống khỏe với mảnh đất vườn rau.
Thông thường mọi người đều lựa chọn những khu vực thổ nhưỡng tốt, dễ trồng trọt, khí hậu mát mẻ nhưng không quá chen chúc về mật độ dân số. Trong đó phải kể đến các huyện như Bảo Lộc, Di Linh tỉnh Lâm Đồng hay thị xã Buôn Hồ, một số huyện của khác của tỉnh Đak Lak. Khu vực phía bắc có một số khu vực như Mộc Châu (Sơn La), Phú Thọ, Cao Bằng hay các tỉnh miền Tây màu mỡ.
Ảnh Facebook: Đặng Tạo
Minh Nhật - một chàng trai quyết tâm rời xa phố thị, về quê làm nông dí dỏm chia sẻ: “Làm nông nghe có vẻ cực lắm nhưng đúng là…cực thật. Mấy năm đầu vật lộn với một đống cây trồng, các loại phân bón rồi sâu bệnh. Cứ phải bỏ tiền ra đầu tư mà chưa thu lại được gì cũng nản lắm. Nhưng khi hoa trổ bông, cây ra trái thì mình sướng đến nỗi không ngủ được. 10 năm làm ngân hàng, ngày nào cũng tiếp xúc với tiền mà giờ nhìn mấy trái bơ trên cây còn hạnh phúc nhiều lần hơn thế”.
Lên thành phố học và xin được một công việc ổn định nhưng Minh Nhật vẫn lựa chọn về quê làm vườn, vay mượn từ bố mẹ cộng với số tiền anh tích góp được, mua một mảnh đất nhỏ để bắt đầu hành trình cuộc sống mới. Vì anh nhận ra: “Mình thèm ăn cơm với mẹ, chừng ấy trải nghiệm tại thành phố cũng bõ công một thời học hành chăm chỉ".
Không chỉ người trẻ, mà những người lớn tuổi hơn, độc thân hoặc có gia đình từ mọi tầng lớp tri thức, kỹ sư, nhân viên văn phòng… đều lựa chọn xu hướng này để tránh xa áp lực nơi công sở.
Sản phẩm từ vườn của một bạn trẻ. Ảnh Facebook: Lan Anh Nguyen
Đặc thù của nông nghiệp cũng có rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn tiêu thụ, sự lên xuống giá cả khó lường nhưng theo những người đã “bỏ phố về rừng” thì: “Công việc nào cũng có sự rủi ro, nếu làm nông dễ như vậy thì há chẳng phải ai cũng đổ xô làm rồi sao?”, hay "Bạn không nhất thiết về quê là phải làm nông, có thể làm những công việc khác phù hợp với triết lý sống của mình. Chỉ cần được gần gũi với thiên nhiên, khí hậu trong lành mát mẻ cũng đã là một sự thay đổi lớn rồi".
Chung quy lại, thu nhập ở vùng quê có thể không so sánh được với mức lương của nhiều ngành nghề tại thành phố nhưng mức sống ổn định đã bớt đi phần nào gánh nặng đời thường. Cuộc sống thảnh thơi, chủ động và có nhiều trải nghiệm mới mẻ, dành được nhiều thời gian cho con cái, gia đình.
Thông thường, chúng ta tưởng rằng chỉ khi không đảm bảo đủ điều kiện sinh sống về vật chất, quá bế tắc nợ nần mới phải tìm đường rút lui về quê để kiếm sống. Thực tế, có nhiều người không thiếu thốn vật chất, thậm chí có đủ cả danh tiếng, quyền lực... sau rất nhiều trải nghiệm cũng lựa chọn "thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đầu".
Tại bài viết giới thiệu của nhóm "Bỏ phố về rừng" với hơn 120.000 thành viên, người quản trị nhóm viết: “Group này vốn được lập ra bởi những người thực sự buông bỏ. Buông bỏ cả về vật chất, danh vọng, nỗi sợ, sự lo âu. Mục đích của trang là tạo không gian chia sẻ kinh nghiệm, động lực, tương trợ nhau trong việc thiết lập cuộc sống đơn giản và văn minh".
Niềm vui từ những điều giản dị. Ảnh Facebook: Hoàng Phan
Để trả lời cho câu hỏi tại sao lại về quê khi mà ở thành phố cố gắng một chút cũng “của ăn của để”, thành viên có nickname Thang Nguyen lý giải:
“Một năm tròn kể từ ngày rời Sài Gòn hoa lệ. Thời gian trôi qua nhanh thật, cảm tưởng mình mới xa đấy, một tháng thôi. Lòng hàm ơn Sài Gòn đã bao bọc, nuôi nấng và dạy dỗ mình qua 20 năm trường học lẫn trường đời. Vài người bạn hỏi mình động lực nào bỏ nơi hào nhoáng, nhộp nhịp để trở về miền tây đầy nắng gió, vất vả. Hỏi mình được gì và mất gì khi quyết định như vậy? Mình chỉ cười hỏi bạn khoai nướng, gà nướng, rượu nồng có ngon không. Thoang thoảng mùi xuyến chi bay qua, lửa bập bùng giữa cái lạnh 20, 21 độ C, bạn không hỏi nữa mà gật gù cạn hết ly, khà một cái dài như ông cụ non ấy. Đấy mình thấy được chứ chẳng mất gì".
Ảnh Facebook: Trần Văn Tuân
Có người lấy tài sản, tiện ích, những trải nghiệm đắt giá để làm mục tiêu, nhưng một số khác đặt sự bình thản trong tâm hồn làm mục đích sống. Khi sự bon chen không thể làm con người hạnh phúc thì việc về quê, chọn nơi yên tĩnh để sống thanh thản là điều sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra.
Nhưng không phải ai bỏ phố về quê cũng đạt được điều mình mong muốn. Đã có rất nhiều người bỏ cuộc vì không thể sống thiếu sự nhộn nhịp của đô thị, họ nhớ phố Tây, nhớ hàng quán xuyên đêm và những buổi nhậu liên miên, la cà cùng đồng nghiệp.
Ảnh Facebook: Nguyễn Hoài Nam
Nhiều ông bố bà mẹ vội vàng đưa con mình ra khỏi cuộc sống thành phố mà chưa kịp chuẩn bị hành trang cho các bé khiến nhiều em không thể hòa nhập được với môi trường sống mới. Về lâu dài, một số trẻ gặp nhiều vấn đề tâm lý vì chưa kịp tiếp thu ở trường mới nên điểm kém, nhiều hoạt động vui chơi giải trí cũng thay đổi, không còn bạn bè cũ khiến trẻ bị căng thẳng.
Đó là khi không xác định rõ mục tiêu mà đã vội vàng “trốn chạy” thực tại. Về quê lập nghiệp có thể là xu hướng, thậm chí là khao khát nhưng không phải ai cũng phù hợp. Để có thể vứt bỏ được những lối sống quen thuộc là sự quyết tâm, kiên nhẫn và một kế hoạch chuẩn bị rõ ràng cả về sức lực, tinh thần lẫn tài chính.
Có nhiều ý kiến khẳng định việc bỏ phố về quê chỉ dành cho những ai đã có sẵn đất đai ở quê, có bố mẹ hỗ trợ hoặc dành cho người già dưỡng lão, người có tiền muốn sống an nhàn thảnh thơi.
Làm nông nghiệp trong bối cảnh hiện tại đòi hỏi sự am hiểu về khoa học kĩ thuật, giống cây, các loại sâu bệnh... Phải biết kết hợp trồng trọt, chăn nuôi thông minh, nhạy bén trong việc nắm bắt cơ hội tạo đầu ra cho nông sản. Đối mặt với hàng loạt khó khăn từ việc biến đổi khí hậu, bảo quản sản phẩm cho đến việc bị thương lái ép giá khi chưa có kinh nghiệm. Tưởng về quê nuôi cá trồng rau an nhàn, hóa ra lại là lúc phải đối mặt với những áp lực khác theo kiểu "ở quê".
Tất cả những điều này cũng cần thời gian dài để trải nghiệm, đánh giá và học hỏi. Đó là cả một con đường gian nan chứ không hề "màu hồng" như nhiều người vẫn nghĩ. Nhưng "đường dài mới biết ngựa hay", khó với người này có thể lại là thử thách thú vị với người khác. Đất lành chim đậu, ở nơi nào mà người sống tại đó cảm thấy vui vẻ, muốn trở về đó mỗi ngày, thì đó là đáp án phù hợp với họ. Bạn luôn còn cơ hội để lựa chọn làm những điều mình mong muốn để không phải nuối tiếc bất cứ điều gì.