Đại diện Bộ GT-VT đã giải thích lý do đến nay các cơ quan chưa thể đề nghị công an khởi tố vụ án hình sự trong 2 sự cố nghiêm trọng tại tuyến đường sắt trên cao.
Sáng nay (19/01), bên lề Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Bộ Giao thông Vận tải, báo chí nêu câu hỏi đối với ông Trần Xuân Sanh (Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông) về việc Cục cũng như Bộ GT-VT đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị khởi tố vụ án hình sự để xử lý trách nhiệm trong 2 sự cố xảy ra tại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hay chưa?
Ông Trần Xuân Sanh cho biết, hiện nay, cơ quan này vẫn chưa thể gửi văn bản về vấn đề trên vì chưa đủ cơ sở.
Ông Trần Xuân Sanh, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông.
Theo ông Sanh, để đánh giá trách nhiệm, trước hết phải chiếu theo hợp đồng kinh tế để có cơ sở pháp luật, xử lý đúng điều kiện hợp đồng.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được thực hiện theo hợp đồng trọn gói (hợp đồng EPC), tức là "chìa khóa trao tay".
Nhà thầu quản lý tất cả: thiết kế, xây dựng, chuyển giao. Tổng thầu EPC phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ kết quả của dự án.
Đây là dự án được tài trợ bằng nguồn vốn ODA, một nguồn vốn đặc biệt của Trung Quốc. Kèm theo đó là điều kiện: nhà thầu của Trung Quốc thực hiện.
Vì vậy, ông Sanh cho rằng, để xử lý vụ việc đúng pháp luật, phải dựa vào hợp đồng kinh tế và các tài liệu liên quan như hiệp định, thỏa thuận,... Qua đó mới có thể xem xét, xử lý vụ việc phù hợp.
Xung quanh vấn đề được báo chí quan tâm về các vụ tai nạn liên quan đến đường sắt trên cao, ông Trần Xuân Sanh khẳng định, Bộ trưởng Bộ GT-VT đã có những quyết định xử lý rất mạnh tay.
Đối với nhà thầu và tư vấn, Tổng thầu đã thay giám đốc điều hành dự án. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án cũng đã bị cách chức.
Trả lời câu hỏi về việc người dân có thể yên tâm về chất lượng công trình này, ông Sanh nhấn mạnh: "2 vụ tai nạn vừa qua thực sự là những sự cố rất đáng tiếc!"
Ông Sanh cũng cho hay, qua những sự việc này, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã có kiến nghị với lãnh đạo các cấp về việc rà soát các cơ chế, chính sách để có sự quản lý tốt hơn với các dự án có tính xã hội hóa. Hiện Bộ GT-VT đang giao cho Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông rà soát các cơ chế này.
Theo ông Sanh, lâu nay, việc quản lý chủ yếu tập trung vào các nguồn trái phiếu chính phủ, ngân sách nhà nước. Đối với các dự án xã hội hóa, quyền của nhà đầu tư đang được đề cao.
Nhà đầu tư được quyền phê duyệt dự toán, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn tư vấn. Còn cơ quan nhà nước chỉ giám sát các nhà đầu tư đó thông qua hợp đồng BOT chứ không trực tiếp, cụ thể. Thậm chí, ngay cả việc lựa chọn Ban quản lý dự án cũng là quyền của nhà đầu tư, không phải của nhà nước.
Vì vậy, ông Sanh cho rằng, sắp tới phải làm thế nào để quản lý sâu hơn. Muốn vậy phải thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Sanh dẫn lời Bộ trưởng Bộ GT-VT: "Phải coi việc quản lý các dự án bằng vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách nhà nước cũng giống như dự án xã hội hóa".
Vì theo ông Cục trưởng, dự án xã hội hóa sau khi hoàn vốn cũng từ nguồn thu phí đường bộ do người dân, doanh nghiệp - chủ phương tiện đóng góp.
Như đã đưa tin, hồi đầu tháng 11/2014, chiếc cần cẩu thi công dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông đang cẩu sắt bất ngờ làm rơi thanh sắt xuống đất khiến 1 người đi đường tử vong tại chỗ, 2 người bị thương đưa đi cấp cứu.
Đến cuối tháng 12/2014, cách đó một quãng không xa cũng trên tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông đang được thi công đã xảy ra sự cố trong quá trình đổ bê tông xà mũ trụ H7, hệ thống sàn, đà giáo và bê tông xà mũ H7 bị sụt xuống đường đè bẹp một chiếc taxi.
Rất may không có người chết nhưng sự cố được đánh giá là rất nghiêm trọng. Nhiều lãnh đạo, cán bộ ngành giao thông liên quan đến dự án đã bị kỷ luật nặng.