Vì sao hoàng hậu một số nước châu Âu trước đây phải sinh con trước đám đông?

Ngày 14/02/2021 18:31 PM (GMT+7)

"Vượt cạn" là một trải nghiệm khủng khiếp và đầy rủi ro cho các bà mẹ và những đứa con của họ trong thời đại trước y học hiện đại. Suốt hàng thế kỷ, nhiều hoàng hậu và phụ nữ hoàng gia ở một số nước châu Âu phải sinh con trước sự chứng kiến trực tiếp của đám đông - một trải nghiệm khiến nhiều người thà chết còn hơn phải trải qua.

Vì sao hoàng hậu một số nước châu Âu trước đây phải sinh con trước đám đông? - 1

Hoàng hậu một số nước châu Âu từng phải sinh con công khai trước sự chứng kiến trực tiếp của nhiều người. Ảnh minh họa: History

Những câu chuyện về hoàng gia luôn là chủ đề được quan tâm, nhất là khi liên quan tới những quy tắc hoặc luật lệ mà ngày nay không còn tồn tại như chuyện hoàng hậu phải sinh con trước ánh mắt tò mò của đám đông, chuyện tiếp đón phái đoàn hàng trăm người của hoàng gia khiến nhiều quý tộc "khiếp vía" hay bí mật tồn vong của hoàng gia thời Trung cổ. 

Loạt bài dài kỳ lần này sẽ đem tới cho độc giả những câu chuyện thú vị mà ít người biết về hoàng gia. Mời quý vị cùng đón đọc. 

Vào ngày 1/11/1661, Maria Theresa, hoàng hậu của vua nước Pháp Louis XIV, sinh con. Ngay khi các cơn co thắt của hoàng hậu bắt đầu, các căn phòng vốn yên tĩnh trong cung điện, nơi hoàng hậu đã ở lại trong nhiều ngày để chờ sinh, bắt đầu chật kín người, bao gồm các công chúa, công tước và nữ bá tước.

Sự ra đời của một đứa trẻ hoàng gia trong một số giai đoạn được coi là rất quan trọng, tới mức cần nhiều người chứng kiến trực tiếp quá trình sinh nở. Các hoàng hậu thường phải sinh con trước sự chứng kiến của đám đông, điều chỉ khiến họ chỉ thêm phần sợ hãi và đau khổ. Nhưng sự góp mặt của quần thần ở thời khắc đó là để đảm bảo đứa trẻ hoàng gia không bị đánh tráo (từ sống thành chết, từ gái thành trai).

Bên ngoài cung điện, bầu không khí giống như lễ hội chiếm ưu thế. "các diễn viên và nhạc công Tây Ban Nha nhảy ba lê bên dưới các cửa sổ hoàng cung. Tiếng đàn ghi ta và đàn Castanet đặc trưng của Tây Ban Nha cất lên sẽ gợi cho hoàng hậu Maria Theresa về quê nhà Tây Ban Nha", tác giả Antonia Fraser viết trong cuốn sách Love and Louis XIV (tạm dịch: Tình yêu và vua Louis XIV).

"Người ta hy vọng rằng những âm thanh thân thuộc này có thể khiến hoàng hậu cảm thấy thoải mái hơn sau khi bà liên tục khóc lóc và thốt ra một câu bằng tiếng Tây Ban Nha: 'Ta không muốn sinh con nữa. Hãy để ta chết đi'", Fraser viết.

Nỗi sợ của vợ vua Louis XIV không phải không có cơ sở. "Vượt cạn" là một trải nghiệm khủng khiếp và đầy rủi ro cho các bà mẹ và những đứa con của họ trong thời đại trước y học hiện đại. Nhiễm trùng khi sinh con là điều thường xuyên xảy ra. Giai đoạn này, cứ 3 trẻ sơ sinh thì có một trẻ chết trước một tuổi. Hoàng hậu Maria Theresa đã phải chịu áp lực rất lớn để sinh người nối dõi cho vua Louis XIV.

Sau 12 tiếng đau đớn, hoàng hậu nước Pháp cuối cùng cũng sinh hạ một bé trai khỏe mạnh, người được đặt tên là Louis de France. Quần thần ở các phòng bên trong ra dấu báo hiệu giới tính của đứa trẻ cho những người ở phòng ngoài bằng cách tung mũ lên không trung nếu là con trai và khoanh tay nếu là con gái. Vua Louis XIV hét lớn về phía cửa sổ cho các thần dân đang đứng chờ tin bên dưới rằng: "Hoàng hậu đã sinh một bé trai".

Vì sao hoàng hậu một số nước châu Âu trước đây phải sinh con trước đám đông? - 2

Với nhiều phụ nữ hoàng gia, việc sinh đẻ là một áp lực cực kỳ lớn. Ảnh minh họa: Tripendy

Với nhiều phụ nữ hoàng gia, áp lực sinh hạ người thừa kế bắt đầu ngay sau khi lễ cưới kết thúc. Theo Randi Hutter Epstein, tác giả cuốn Get Me Out: A History of Childbirth from the Garden of Eden to the Sperm Bank (tạm dịch: Hãy giải thoát cho tôi: Lịch sử việc sinh con từ vườn địa đàng tới ngân hàng tinh trùng), hoàng hậu Catherine de’ Medici của nước Pháp ở thế kỷ 16 đã tuyệt vọng khi mang thai tới mức phải tới các thầy lang để chữa trị.

Sau khi mang thai, các bà mẹ hoàng gia tương lai luôn bị giám sát chặt chẽ. Có lẽ, không có ca sinh nở nào được mong đợi như trường hợp của hoàng hậu Marie Antoinette khi bà sinh con đầu lòng năm 1778. Dù mẹ của bà, hoàng hậu Marie-Therese, đã bỏ tục lệ sinh đẻ công khai của hoàng gia ở Áo nhưng tại Versailles, Pháp, mọi thứ vẫn được giữ nguyên.

Sáng sớm ngày 19/12/1778, một hồi chuông rung lên, báo hiệu hoàng hậu bắt đầu quá trình sinh nở. Versailles nhanh chóng chìm vào hỗn loạn, khi "những người tò mò muốn chứng kiến cảnh hoàng hậu sinh nở đổ dồn tới nơi ở của bà, tác giả Fraser viết trong cuốn Marie Antoinette: The Journey (tạm dịch: Marie Antoinette: Một hành trình).

Đám đông tò mò "chủ yếu tập trung ở các phòng bên ngoài như khu trưng bày, nhưng không ít người đã lẻn được vào bên trong khu vực hoàng hậu "vượt cạn". Một số người xem là thành viên hoàng tộc thậm chí còn leo lên mái nhà để có tầm nhìn tốt hơn.

Sau 12 tiếng, hoàng hậu Marie-Antoinette sinh một bé gái, đặt tên là Marie-Therese, theo tên của bà ngoại. Dù đứa trẻ không phải là con trai như hoàng tộc mong muốn, nơi ở của hoàng hậu vẫn ồn ào và huyên náo tới mức hoàng hậu lên cơn co giật và ngất xỉu.

 "Áp lực từ việc nhiều người tập trung, sức nóng, sự ngột ngạt trong các căn phòng khi cửa sổ đều bị bịt kín trong nhiều tháng để chống lại cái lạnh của mùa đông... tất cả những thứ đó là quá nhiều cho cuộc vượt cạn 12 tiếng", tác giả Fraser viết.

Mất vài phút, mọi người mới nhận ra hoàng hậu đã bất tỉnh. Cuối cùng, những tấm ván bịt các cửa sổ bị xé toạc, mang đến luồng không khí trong lành từ bên ngoài. Hoàng hậu dần tỉnh lại.

Trong 18 ngày tiếp theo, hoàng hậu Marie-Antoinette không được rời khỏi giường nửa bước. Khi giới tính con được xác định, Marie Antoinette có thể dành nhiều thời gian hơn cho con. "Nếu là con trai, con sẽ là thuộc về đất nước này. Còn là con gái, con sẽ là con của ta, nhận được sự chăm sóc từ ta, chia sẻ niềm vui và làm vơi đi những nỗi buồn của ta", hoàng hậu nói với con gái.

Hoàng hậu Catherine, vợ của vua Peter III và sau này là Catherine Đại đế của Nga, thậm chí, còn không có được sự an ủi từ đứa con để bù đắp cho trải nghiệm sinh nở khủng khiếp của mình. Năm 1754, Catherine bị "giam lỏng" nhiều tuần trong 2 căn phòng nhỏ ở Cung điện Mùa hè, "biệt lập, không có ai bầu bạn", tác giả Robert K. Massie, viết trong cuốn Catherine Đại đế.

Ngay sau khi Catherine sinh hạ cậu bé Paul trên một chiếc nệm nhỏ và cứng, nữ hoàng Elizabeth đã đuổi người thừa kế mới đi. Vua Peter III, người có vấn đề về tâm thần, cũng tuân theo mệnh lệnh của nữ hoàng.

Hoàng hậu Catherine nằm co ro trên sàn hơn 3 giờ mà không được uống nước. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi bà đỡ quay trở lại. Cuối cùng, Catherine cũng được trở lại giường nhưng bị bỏ rơi tại đó suốt nhiều tháng liền. Không được gặp con dù chỉ một lần, hoàng hậu Catherine nung nấu ý định trả thù và sau đó trở thành Catherine Đại đế trị vì nước Nga.

Mặc dù tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và mẹ ở mức cao với mọi tầng lớp, gia đình hoàng gia vẫn được tiếp cận với sự chăm sóc y tế tốt hơn nhiều so với dân thường. Hộ sinh chuyên nghiệp xuất hiện ở Pháp từ thế kỷ 17 và các gia đình hoàng gia đều thuê những nữ hộ sinh lành nghề nhất trong thời đại của họ.

Gia đình hoàng gia cũng được tiếp cận với công cụ mới đầy hữu ích: kẹp sản khoa, được phát minh vào thế kỷ 17 bởi Chamberlen, một gia tộc nữ hộ sinh ở Pháp, nổi tiếng trong việc giải cứu trẻ sơ sinh mắc kẹt trong đường sinh (birth canal) của người mẹ.

Hugh, một thành viên của gia tộc Chamberlen, đóng vai trò độc nhất trong mỗi lần sinh nở của hoàng gia ở thế kỷ 17, theo tác giả Epstein. Năm 1688, Mary Beatrice, người theo Công giáo (Catholic) và là vợ vua James II của nước Anh, lâm bồn khi thai nhi mới được 6 tháng.  Những người theo đạo Tin lành (Protestant) ở Anh, đặc biệt là Mary và Anne - 2 người con của vua James II với người vợ đầu, không vui vẻ khi thấy vua cha kết hôn với Beatrice. Họ càng lo sợ khi hoàng hậu mới sẽ sinh con trai, soán ngôi kế vị của họ.

Để đảm bảo mọi chuyện minh bạch, vua James II đã cho nhiều người tới chứng kiến việc sinh nở của hoàng hậu. Hugh, người được triệu tập để đỡ đẻ, đã đến muộn. May mắn, đứa bé vẫn chào đời và được đặt tên là James vì là con trai. Tuy không trực tiếp đỡ đẻ nhưng Hugh vẫn được tin tưởng để xác nhận tính xác thực của đứa trẻ hoàng gia. "Tôi chắc chắn không có việc đứa trẻ bị đánh tráo", Hugh tuyên bố.

Nhưng những người theo đạo Tin lành, bao gồm cả Anne và Mary, đã từ chối chấp nhận đứa trẻ sinh non và cho rằng nó đã bị tráo đổi. Tin đồn này được lan rộng và là một trong những lý do chính khiến vua James II bị lật đổ vào năm đó.

Khi thế kỷ 19 bắt đầu, những tiến bộ trong y học đã dần dần khiến việc sinh nở trở nên bớt đáng sợ hơn và tỷ lệ sống sót cao hơn. Năm 1853, hoàng hậu Victoria đã khiến nhiều người sửng sốt khi bà sử dụng chloroform, một loại chất gây mê, để làm giảm cơn đau khi sinh hoàng tử Leopold. Dù nhiều truyền thống cổ xưa vẫn còn tồn tại trong một số gia đình hoàng gia nhưng việc sinh nở công khai trước nhiều người hiện nay đã không còn.

Loại quả tuổi thơ ai cũng từng ăn một lần của nhiều trẻ em Việt mang ra nước ngoài bày bán trong siêu thị, giá đắt ngất ngây
Quả xương rồng lê gai có vị ngọt và nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nên ở nước ngoài, người ta xem đây là một loại trái cây có giá trị cao.

Tin tức 24h

Theo Nguyễn Thái
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h