Để phòng và chống dịch sốt xuất huyết, các hoạt động của phong trào chống sốt xuất huyết được phát triển rầm rộ tại các địa phương. Thế nhưng, số ca nhiễm bệnh vẫn tăng liên tục, chưa có dấu hiệu giảm. Vậy, đâu là nguyên nhân?
Đụng đâu cũng thấy bọ gậy
Mới đây, PGS.TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế TP HCM. Ông Phu cho biết, việc thực hiện chống sốt xuất huyết bằng cách tuyên truyền bằng tờ rơi, băng rôn giờ đây đã không còn hiệu quả. Thay vào đó, cần có chiến dịch mới là chiến dịch loại bỏ vật phế thải.
Ông Phu cũng có buổi kiểm tra ổ dịch sốt xuất huyết ở phường Phú Thạnh (quận Tân Phú). Phường này được ghi nhận có nhiều ổ dịch sốt xuất huyết. Trạm y tế phường cho biết, trong 9 tháng đầu năm, ghi nhận 49 ca sốt xuất huyết, tăng gần 40% so với cùng kì năm trước.
Số lượng người mắc sốt xuất huyết nhiều nhất là công nhân đang làm việc và ở tại bốn công trình thi công tại khu phố 1 và khu phố 4, các công trình này có rất nhiều vật dụng phế thải chứa nước, nhiều bọ gậy.
Y tá đang tiêm thuốc cho một bệnh nhân bị sốt xuất huyết
Đặc biệt, các công trình xây dựng này có quy mô khá lớn, hệ thống thoát nước hở dưới tầng hầm, ứ đọng nhiều rác thải. Đây chính là môi trường lý tưởng cho bọ gậy sinh sôi nảy nở, rất nguy hiểm.
Đối với các công trình xây dựng, việc xử lý về việc diệt bọ gậy là rất khó khăn. Bởi, các công trình thường được rào kín vì sợ xảy ra tai nạn lao động. Do đó, nếu trường hợp dịch xảy ra, việc kiểm tra, khắc phục hậu quả môi trường về bệnh ở các địa điểm này cũng rất khó khăn hoặc chậm trễ.
Qua kiểm tra, ngoài các công trình xây dựng, tại các hộ dân, nhiều vật dụng có chứa bọ gậy. Ông Phu cho biết, việc phòng và chống dịch, điều quan trọng nhất là ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường sống. Qua thực tế, còn nhiều người vẫn còn khá thờ ơ, chủ quan với việc này.
Cán bộ y tế buộc chủ đầu tư các công trình đang thi công phải cam kết, ký hợp đồng phun thuốc diệt muỗi định kỳ hàng tháng có giám sát theo quy định. Những công trình xây dựng để dịch sốt xuất huyết lây lan từ 2 lần trở lên sẽ bị xử lý nghiêm.
PGS.TS Phan Trọng Lân (Viện trưởng Pasteur TP HCM) cho biết, từ trước đến nay, người dân vẫn nghĩ, bọ gậy sinh sống ở những nơi chứa nước sạch, nước mưa chứ không có ở sông suối, kênh rạch là không chính xác. Theo điều tra dịch tễ, bọ gậy xuất hiện nhiều ở các vật dụng chứa nước ngoài trời, không đậy kín nắp hoặc chỉ che đậy sơ sài.
Ông đưa ra lời khuyên, người dân nên thường xuyên thay nước lu, bình bông, chén nước cúng… Đặc biệt, người dân nên úp những vật dụng phế thải có thể chứa nước mưa.
Dọn vệ sinh còn mang tính phong trào
Hiện tại, sốt xuất huyết ở Đà Nẵng đang tăng nhanh chóng. Đến cuối tuần qua, toàn TP đã ghi nhận 277 trường hợp. Trong đó, quận Liên Chiểu ghi nhận 81 trường hợp, quận Sơn Trà 43 trường hợp, quận Hải Châu 39 trường hợp… Tuần qua, quận có số người phát hiện bị sốt xuất huyết nhiều nhất lần lượt là Sơn Trà 15 trường hợp, Liên Chiểu 14 trường hợp…
Để phòng và chống dịch sốt xuất huyết, các hoạt động phong trào chống sốt xuất huyết được phát triển rầm rộ tại các địa phương. Thế nhưng, số ca nhiễm bệnh vẫn tăng liên tục, chưa có dấu hiệu giảm.
Số người bị sốt xuất huyết ngày càng tăng
Bác sĩ Lê Thị Minh Nguyệt (Giám đốc Trung tâm y tế quận Sơn Trà ) cho biết, ngay chủ nhật vừa rồi đã cho ra quân thực hiện tổng vệ sinh trên địa bàn. Phong trào được hưởng ứng rầm rộ, nhiều người dân dọn vệ sinh.
Thế nhưng, chỉ hai hôm sau, bà đi kiểm tra thì mọi chuyện vẫn trở về như cũ. Bà phát hiện, có rất nhiều vật dụng chứa nước và là môi trường thuận lợi cho bọ gậy phát triển. Bà cho rằng, phong trào chống dịch hiện tại vẫn còn đặt nặng về mặt hình thức. Đây là một trong những lý do khiến sốt xuất huyết chưa hề có dấu hiệu giảm.
Một địa điểm đáng chú ý là phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) từng được xử lý dịch đến hai lần. Thế nhưng, trong lần kiểm tra mới đây, đoàn vẫn phát hiện rất nhiều vật dụng chứa nước có bọ gậy.
Theo ghi nhận, nhiều quận huyện trên địa bàn TP HCM vẫn còn các khu đất trống. Những khu đất này có nhiều bụi rậm là môi trường thích hợp cho muỗi ẩn náu. Ngoài ra, ở đây cũng xuất hiện nhiều vật dụng chứa nước để bọ gậy sinh sôi nảy nở.
Không chỉ thế, nhiều khu dân cư lại có cống rãnh chảy qua. Ở những khu vực này, người dân không thể tiêu diệt được bọ gậy.