Thời gian gần đây, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ùn ùn đổ về các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối và bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh gây ra tình trạng quá tải, bệnh nhi phải nằm ghép, nằm ngoài hành lang,...
Sốt xuất huyết đã xuất hiện tại 53 tỉnh, thành phố trong cả nước với gần 45.000 người mắc, trong đó có ít nhất 28 trường hợp tử vong. Dịch bệnh này vẫn đang tăng nhanh tại nhiều địa phương. Mỗi tuần phát hiện khoảng 1.000 ca mắc.
Tăng cường thêm giường cho bệnh nhân sốt xuất huyết
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết lên “đỉnh dịch”, bệnh nhân từ các tỉnh ùn ùn đổ về các bệnh viện chuyên khoa. Một số bệnh viện ở TP.HCM như BV Nhi Đồng 1, Nhi đồng 2... phải ra nhiều phương án để chữa trị cho bệnh nhân.
Tại Khoa Sốt xuất huyết bệnh viện Nhi Đồng 1 luôn trong tình trạng quá tải
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, số ca sốt xuất huyết tăng cao khủng khiếp, bên cạnh đó là lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng cũng tăng cao không kém. Hơn 10 năm qua, chưa bao giờ bệnh viện ghi nhận lượng bệnh nhân nội trú lến tới 2.100 ca/ngày như hiện nay.
Những ngày đầu tháng 9, bệnh viện chỉ tiếp nhận 5.000 bệnh nhi/ngày. Sang những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10, trung bình có đến 6.200 bệnh nhi/ngày. Trước tình trạng bệnh nhi mắc bệnh càng gia tăng nhanh, bệnh viện đã có phương án kê thêm 150 giường bệnh và tận dụng cả hành lang các khoa để trẻ có chỗ nằm điều trị nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ lượng bệnh nhi nhập viện. Trong tổng số bệnh nhi đến bệnh viện khám và điều trị, có đến 65% ca bệnh chuyển lên từ các tỉnh.
TS – BS Nguyễn Thanh Hùng (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết, tình trạng trạng quá tải xảy ra trên toàn bộ hệ thống. Không chỉ một mình bệnh viện ở TP.HCM quá tải, các bệnh viện lớn ở dưới tỉnh cũng đang quá trải.
Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các bác sĩ cho biết: “Cả bệnh viện đang dồn toàn lực cho khoa nhiễm. Thông thường chỉ có 2 bác sĩ trực cấp cứu, nay tăng thành 3. Ở các tỉnh bệnh nhân cứ kéo lên, bệnh viện phải nhận chứ chẳng nhẽ chuyển họ ngược trở lại”.
Binh nhi phải nằm ngoài hành lang để điều trị sốt xuất huyết.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, sốt xuất huyết tại TP.HCM đang lan rộng và đã có mặt ở 239 phường xã. Đã có 5 ca tử vong.
Các chuyên gia y tế dự đoán sốt xuất huyết sẽ còn tăng đến hết tháng 11. Nếu người dân và ngành y tế không quyết liệt thì dịch bệnh còn có khả năng dịch sẽ kéo dài sang năm 2016.
Xử phạt nếu phát hiện việc lơ là phòng chống dịch
Hiện đã áp dụng hình thức xử phạt hành chính đối với những tập thể cá nhân vi phạm công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM. Việc xử phạt này theo quy trình rất chặt chẽ và việc xử phạt là rất cần thiết bởi điều này sẽ góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh.
Bên cạnh việc phồng chống tích cực thì lại có một số người dân chưa chấp hành.
Thời gian qua, một số địa phương trên địa bàn TP.HCM như quận Bình Thạnh, quận Tân Phú đã áp dụng hình thức xử phạt này và tạo được hiệu ứng rất tích cực.
Vào ngày 27/9, tổ kiểm tra phòng chống dịch bệnh quận Bình Thạnh đã phát hiện 8 vật dụng phế thải có loăng quăng tại một số hộ dân trên địa bàn phường 28. Tổ đã lập biên bản giám sát, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính 750 nghìn đồng/hộ đối với chủ quán cà phê và một bãi xe có hành vi xả thải, vật dụng có khả năng lây lan bệnh dịch.
Nhiều công trình xây dựng bỏ trống tạo điều kiện cho dịch bệnh tăng nhanh
UBND quận Bình Thạnh cho biết quy trình của việc xử phạt rất chặt chẽ. Các đoàn kiểm tra phối hợp với phường sẽ tiến hành thường xuyên kiểm tra các hộ dân trên địa bàn mình quản lý. Nếu phát hiện sai phạm trong công tác phòng chống dịch thì đoàn sẽ lập biên bản nhắc nhở. Sau đó nếu còn tái phạm sẽ ra quyết định xử phạt hành chính.
Bên cạnh những mặt tích cực thì ý thức người dân chính là rào cản rất lớn trong phồng chống dịch, không chỉ tại TP.HCM mà trong cả nước. Việc xử lí gặp rất nhiều khó khăn do không gặp được chủ nhà hoặc chủ thầu, nhân viên trạm y tế yêu cầu hút nước nhưng các chủ thầu không hợp tác, chưa xử phạt được. Ý thức của một số người dân tại các khu nhà trọ chưa cao, không chủ động phòng bệnh cho người thân, gia đình và cộng đồng.