Ngày 16/10, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch sốt xuất huyết ở Campuchia trong 10 tháng đầu năm 2015 đã tăng 350% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, Cục Y tế Dự phòng Việt Nam dẫn thông tin từ Trung tâm Phòng chống sốt rét, Bộ Y tế Campuchia vào tuần trước cho biết, 10 tháng đầu năm 2015, nước này đã ghi nhận 7.799 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 350 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng, nhưng tỷ lệ tử vong do bệnh này lại giảm từ 0.7 % xuống còn 0.3%. Nguyên nhân là do người dân Campuchia có nhận thức tốt về phòng chống bệnh sốt xuất huyết sau khi được truyền thông tại cộng đồng và nhà trường, quản lý và điều trị ca bệnh tại các bệnh viện công đã được cải thiện làm cho người dân yên tâm tới khám và điều trị.
Theo nhận định của ông Ly Sovann, Cục trưởng Cục Phòng chống bệnh truyền nhiễm Campuchia, sự gia tăng mạnh số trường hợp mắc sốt xuất huyết tại nước này là do chu kỳ của vi rút sốt xuất huyết. Sự biến đổi này xuất hiện cứ hai hoặc ba năm một lần. Ông cũng cho biết mặc dù số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng nhưng chưa đến mức phải cảnh bảo tình trạng khẩn cấp.
Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng tại Campuchia
Cũng theo báo cáo, 80% trường hợp mắc là người dân sống tại thủ đô Phnom Penh và một số tỉnh, thành phố khác (Banteay Meanchey, Kandal, Kompong Cham, Kompong Speu, Kompong Thom, Prey Veng và Siem Reap).
Bộ Y tế Campuchia đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết trong đó đặc biệt chú trọng đến hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng.
Cũng liên quan đến dịch bệnh này, tại Việt Nam tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2015, cả nước ghi nhận gần 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 53 tỉnh, thành phố và đã có gần 30 trường hợp tử vong.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, liên quan đến nhiệt độ và nước trong các dụng cụ chứa nước, liên quan đến tập quán trữ nước của người dân.
Từ tháng 4 đến tháng 10, nhiệt độ dao động từ 25-30 độ C, thuận lợi cho muỗi phát triển cao nhất và cũng là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Ở miền Bắc, khi thời tiết lạnh sẽ hết dịch, còn ở miền Nam qua mùa mưa thì cũng sẽ giảm sau 1, 2 tháng.