Theo Luật sư Đặng Văn Cường, việc đăng tải clip “xin vía học giỏi từ Kumanthong” của chủ kênh Youtuber Thơ Nguyễn có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng LS Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, để lý giải cho câu hỏi tại sao hành vi của Youtuber Thơ Nguyễn lại bị lên án mạnh như vậy, ta cần phải phân biệt thế nào là tự do tín ngưỡng và mê tín dị đoan?
Clip "xin vía học giỏi từ Kumanthong" của Thơ Nguyễn có vi phạm pháp luật?
Tự do tín ngưỡng là quyền của mỗi công dân. Tuy nhiên tự do tín ngưỡng và mê tín dị đoan là hai khái niệm khác nhau. Thực chất của tín ngưỡng và tôn giáo là đều tin vào những điều không có thực, nhưng bản chất của tín ngưỡng và tôn giáo là không có dị đoan. Tôn giáo và tín ngưỡng đều xây dựng trên những điều "thần bí, huyền hoặc", vấn đề là "thần bí, huyền hoặc" đến đâu thì được xem là mê tín, dị đoan?
Clip "xin vía học giỏi" từ búp bê Kumanthong của Youtuber Thơ Nguyễn đang bị chỉ trích dữ dội từ dư luận. Ảnh cắt từ clip.
Còn về Kumanthong, theo nghĩa gốc thì đây được hiểu là một loại thần giám hộ huyền bí theo tín ngưỡng dân gian Thái Lan. Người ta tin rằng, nó mang lại sự may mắn và phát tài cho gia chủ sở hữu nó nếu được thờ phụng chu đáo. Thế nhưng hiện nay tại Việt Nam, thì Kumathong tồn tại dưới hình thức là 01 loại búp bê có nguồn gốc từ Thái Lan và được nuôi như con người.
Với tư cách là người của công chúng và là người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với trẻ em thì những Youtuber có nghĩa vụ phải tuyên truyền, lan truyền những thông tin, hành vi, lối sống tích cực, tránh xa những tin tức "độc hại", chưa rõ ràng, còn nhiều tranh cãi.
Hành vi của Youtuber Thơ Nguyễn khi chia sẻ đoạn video ngầm nhắc đến việc nuôi Kumanthong, chơi bùa ngải khiến cho nhiều phụ huynh lo lắng, không hài lòng. Hành vi truyền tải nội dung trong video của Thơ Nguyễn có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan, có thể gây ảnh hưởng xấu đến các khán giả nhỏ tuổi theo dõi kênh của mình.
Luật sư Cường dẫn giải, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 nghiêm cấm hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Mê tín dị đoan là hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục và vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ mà các hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tăng cường kiểm soát nội dung đăng tải
Theo Luật sư Cường, hiện nay mạng xã hội, mạng internet đang phát triển nhanh chóng, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những nội dung phản cảm, không phù hợp với văn hóa, đạo đức xã hội, thậm chí là cổ súy cho những hành vi mê tín dị đoan.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, chủ kênh Youtuber Thơ Nguyễn đăng clip có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan. Ảnh: Tuệ Nguyên.
Điều đáng buồn là những nội dung đó lại được rất nhiều người quan tâm, nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ tâm lý sùng tín cùng với nhận thức và ý thức pháp luật của nhiều người còn kém, dẫn đến nhiều người dễ mê tín và lan truyền thông tin sai sự thật.
Trường hợp của Youtuber Thơ Nguyễn chỉ là một trong rất nhiều kênh sản xuất nội dung phản cảm bị phát hiện và lên án, bởi đây là kênh youtube dành cho các em nhỏ nên hành vi có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan lại càng trở nên nguy hiểm hơn.
Tỷ lệ người dùng mạng xã hội hiện nay chủ yếu là giới trẻ, trong đó có phần nhiều là trẻ em, đây là đối tượng rất dễ bị các thông tin trên mạng tác động tâm lý và ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách.
Do đó, cơ quan chức năng và cần phải có những biện pháp mạnh hơn nữa để kiểm soát nội dung thông tin đăng tải trên mạng và xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật để giúp cho mạng xã hội trở nên lành mạnh, tích cực hơn đối với cộng đồng.
"Các bậc phụ huynh cũng cần phải quan tâm, có sự hướng dẫn, kiểm soát những kênh thông tin, trang mạng xã hội mà trẻ em sử dụng, ngăn chặn những trang có thông tin độc hại, có tính chất phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục, trái đạo đức xã hội hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Người dùng mạng xã hội khi phát hiện những kênh thông tin độc hại nên chủ động báo cáo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý", LS Đặng Văn Cường nhấn mạnh.