Rất nhiều bãi giữ xe mọc lên nhưng vẫn không đủ nhu cầu cho người dân, trung tâm cấp cứu dành cả trụ sở để trông xe vẫn không tiếp hết.
Khoảnh khắc bước sang năm mới 2020, hàng nghìn người đổ về khu vực Hồ Gươm háo hức đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. So với năm trước, số lượng người đổ về bờ Hồ tăng gấp nhiều lần, nhiều người cho rằng vì năm nay đợt nghỉ Tết dương lịch có 1 ngày, lại sát Tết Âm lịch nên người dân các tỉnh không về quê. Vì thế, số lượng người đổ dồn về bờ Hồ đông hơn mọi năm.
Các bãi giữ xe có bán kính gần 1km quanh Bờ Hồ đều hết chỗ
Lượng người quá đông đồng nghĩa với việc các điểm gửi xe lâm vào tình trạng quá tải, cùng với đó là việc chặt chém người dân khi đến đây để chứng kiến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Khoảng 21h30 phút, tất cả các điểm gửi xe có bán kính 500 mét tính từ bờ Hồ đều đã hết chỗ, giá vé thời điểm đó được thu với khoảng 40-50 nghìn đồng. Đến khoảng 22 giờ, khu vực để xe cách bờ Hồ khoảng 1000 mét như phố Lý Thường Kiệt, phố Phan Châu Trinh cũng đã rơi vào tình trạng hết chỗ. Nhiều điểm gửi xe lên tới 70.000 đồng/lượt, ô tô từ 150.000 đến 170.000 đồng/lượt nhưng vẫn không có chỗ để.
Phố Lý Thường Kiệt các điểm trông xe tận dụng cả bãi đất đang thi công để làm chỗ gửi xe
Nhiều người quá chán nản nên đã chấp nhận ra về vì không gửi được xe, thậm chí có trường hợp đi bộ gần 2km, ra tận khu vực Trần Hưng Đạo để gửi xe.
Ngoài những điểm gửi xe, hoặc các vỉa hè được tận dụng, tại nhiều cơ quan nhà nước, thậm chí là cơ quan đặc thù cũng tranh thủ từng mét đất để nhận xe vào gửi. Tại Thành đoàn Hà Nội, một nhóm người ngồi ngay cửa ra vào nhận hàng trăm xe vào gửi, đáng chú ý là những chiếc vé xe chỉ là những tờ giấy A4 cắt đôi, ghi biển số bằng bút dạ và không hề có chữ ký, dấu xác nhận.
Bãi gửi xe tại Thành đoàn Hà Nội tận dụng giữ xe. Vé chỉ là tờ giấy trắng viết biển số. (?!)
Một địa điểm đặc thù hơn đó là Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cũng được tận dụng tối đa từ vỉa hè vào tận cửa phòng khám. Các khu vực vốn dĩ là nơi để các xe cấp cứu 115 nay cũng trở thành điểm trông xe bất đắc dĩ. Có những xe đi làm nhiệm vụ về, không có chỗ vào nên chấp nhận quay đầu sang để ở vệ đường phía đối diện.
Tại đây, những nhân viên mặc áo nhân viên y tế cũng hối hả ra mời xe vào gửi và ghi vé, thu tiền với giá 30-40.000 đồng/xe. Tuy nhiên, do việc bố trí không hợp lý nên không lấy được xe ra cho khác nên đôi lúc xảy ra việc cãi cự.
Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội giữ xe từ trong ra ngoài
Nhiều người cho biết, việc tranh thủ vỉa hè làm chỗ gửi xe còn tạm chấp nhận được vì nhu cầu của người dân trong những ngày này rất lớn. Còn việc tận dụng cả trung tâm cấp cứu để làm chỗ gửi xe, thu tiền là không chấp nhận được vì đây là nơi đặc thù còn phải tiếp nhận, điều phối, cũng như lấy trang thiết bị, dụng cụ đi cấp cứu mỗi khi cần.
Xe cứu thương phải để ở vỉa hè đối diện
Theo quy đinh hiện hành, việc khai thác điểm đỗ, gửi xe hiện nay đều được UBND Thành phố Hà Nội quy định rất rõ ràng về giá cũng như các địa điểm được trông giữ. Bởi vậy, những điểm giữ xe tự phát không chỉ thu tiền trái quy định, mà còn “quên” cả nghĩ vụ nộp thuế cho nhà nước trong khi chỉ qua 1 buổi tối có thể thu về hàng chục triệu đồng.