Góp ý cho phương án một kỳ thi quốc gia Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng – Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học – Giáo dục của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cho rằng: nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp không đúng thời điểm sẽ phá hỏng toàn bộ bậc học phổ thông.
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, việc gộp hai kỳ thì là xác đáng vì hai kỳ thi quá gần nhau gây nên một sự căng thẳng quá lớn cho học sinh và phụ huynh.
Mặt khác vì mong muốn học tiếp bậc học ĐH hoặc CĐ nên học sinh chỉ tập trung vào học mấy môn dự định thi ĐH, CĐ. Đến thời điểm công bố môn thi tốt nghiệp THPT thì học sinh không thể nào ôn tập kịp. Từ đó dẫn đến gian lận thi cử bằng cáo loại “phao”.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng: Sự cố “Đồi Ngô” ở Bắc Giang mà kỷ luật giáo viên thì chả công bằng chút nào, vì cả nước có biết bao nhiêu “rừng ngô” chứ đâu chỉ có ở Bắc Giang. Giáo viên vì thương học sinh, nhất là các học sinh giỏi một số môn sẽ thi ĐH, CĐ cho nên có tâm lý châm trước cho học sinh.
Đấy là chưa kể đến bệnh thành tích khó có thể khắc phục được trong một sớm một chiều. Tất nhiên việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT không có nghĩa là bỏ một cách đơn giản, càng không thể bỏ bằng tốt nghiệp THPT, một văn bằng đánh dấu quá trình học tập quan trọng trong đời mỗi người và là cơ sở đánh giá để bước vào đời theo những con đường khác nhau. Đây là vấn đề cần thảo luận để có một lộ trình thích hợp.
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng – Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học – Giáo dục của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam
Thưa GS, nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT chúng ta cần có phương án thay thế như thế nào để đánh giá đúng chất lượng dạy và học hiện nay?
- Theo tôi, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở xét học bạ để cấp bằng cho học sinh. Đó là học sinh phải thường xuyên kiểm tra từng môn học và có ghi học bạ. Cuối từng năm học căn cứ vào học bạ mà các thầy cô giáo quyết định cho lên lớp hay phải lưu ban. Với học sinh mọi lớp cần phải làm như vậy.
Hết lớp 12 Hội đồng nhà trường sẽ xem xét một cách công minh đối với từng học sinh để có thể yêu cầu một số học sinh cần học lại. Những học sinh còn lại sẽ được đề nghị giám đốc Sở GD ĐT cấp bằng tốt nghiệp THPT. Nhà trường không nên đánh giá giáo viên ở việc học sinh được lên lớp nhiều hay ít. Điều này để tránh bệnh thành tích.
Nếu chỉ xét học bạ để cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp, nhiều người lo ngại sẽ xảy ra tình trạng chạy điểm, chạy thành tích để đủ điều kiện chứng nhận tốt nghiệp, thưa ông?
- Khi đã có kiểm tra thường xuyên, có học bạ nghiêm chỉnh cộng thêm tinh thần trách nhiệm của từng thầy cô giáo và sự đồng tình của phụ huynh học sinh thì khó có thể xảy ra các hiện tượng tiêu cực như "chạy" thầy, "chạy" cô, "chạy" theo thành tích một cách vô lý.
Trách nhiệm của các Sở GD ĐT là theo dõi quá trình đánh giá của từng trường để có sự chấn chỉnh cần thiết. Sở phải có trách nhiệm thẩm tra danh sách các hội đồng trường gửi lên xem có đúng không. Học sinh chưa đủ điều kiện thì nhất thiết không được xét tốt nghiệp.
Bỏ thi tốt nghiệp THPT thì chất lượng giáo dục phổ thông cũng như sự phát triển của ngành giáo dục,theo ông, sẽ ảnh hưởng như thế nào?
- Nếu không tiến hành theo đề nghị trên đây của tôi thì vội vã bỏ thi sẽ phá hỏng toàn bộ bậc học phổ thông. Thầy không muốn dạy, trò không thèm học. Và khi thầy cô giảng các môn học sinh không định hướng sẽ thi ĐH, CĐ thì học sinh sẽ hoặc là bỏ học, hoặc là nói chuyện riêng, hoặc ngồi đánh cờ ca – rô với nhau.
Tất nhiên sẽ có người nói, nếu tiến hành kiểm tra nghiêm túc thường xuyên thì sẽ có không ít học sinh bị lưu ban. Trong điều kiện cơ sở vật chất, kinh tế của các trường và đời sống của đa số dân chúng hiện nay thì làm sao chấp nhận được việc để lưu ban nhiều học sinh.
Đấy lại là một chuyện hoàn toàn khác! Chúng ta cần có một chương trình sâu mà không nặng (hiện nay là rất năng những lại thấp so với nhiều nước trên thế giới). Làm sao để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, mỗi kiến thức thu được là quan trọng, hữu ích nhưng lại dễ nhớ.
Đừng bắt học sinh nhớ những thứ không đáng nhớ hoặc thường xuyên thay đổi. Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với thời đại internet thì sẽ có rất ít học sinh phải lưu ban, “ngồi nhầm lớp”
Kết quả thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ năm nay được đánh giá cao, ông nghĩ đây có phải là tín hiệu mừng cho ngành giáo dục?
- Năm nay số điểm rất cao, nhiều trường phải nâng điểm chuẩn lên cao khác thường. Thậm chí có trường mà bình quân mỗi môn đạt tới 9 điểm vẫn không trúng tuyển. Có những học sinh đạt tới 30 điểm và nếu cộng thêm điểm ưu tiên sẽ thành 31 điểm.
Không thể lấy đó coi như sự tiến bộ đột xuất của ngành giáo dục vì vẫn chương trình ấy, vẫn sách giáo khoa ấy, vẫn chất lượng cả thầy cả trò như vậy lại còn tổ chức thi cử nghiêm túc hơn các năm trước thì điểm bình quân cao hơn chỉ có thể là đề thi dễ hơn, ít cần suy luận hơn, dựa vào học vẹt nhiều hơn mà thôi.
Xin cảm ơn GS!