Vụ '12 công nhân mắc kẹt vì sập hầm' lên sóng truyền hình

Ngày 27/07/2015 17:05 PM (GMT+7)

Gần 4 ngày sống trong bóng đêm, đói khát, lạnh lẽo, nước ngầm dâng lên ngày càng cao, những tưởng họ sẽ không qua khỏi, nhưng cuối cùng họ được giải cứu an toàn.

Tập 7 của chương trình "Khoảnh khắc sinh tử" với chủ đề "82 giờ sống trong lòng đất" vừa lên sóng truyền hình HTV7 vào lúc 11h30 trưa qua. Nội dung của tập này kể lại thảm họa 12 công nhân bị kẹt lại trong vụ sập hầm Đạ Dâng (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) vào cuối năm 2014.

Gần 4 ngày sống trong bóng đêm, đói khát, lạnh lẽo, nước ngầm dâng lên ngày càng cao, những tưởng họ sẽ không qua khỏi. Nhưng bằng sự nỗ lực, kiên trì, sức mạnh ý chí của những người bị nạn, bằng sự tận tâm, trách nhiệm, nhân ái của các lực lượng cứu hộ, đặc biệt là Lữ đoàn Công binh 293, toàn bộ 12 nạn nhân đã được giải cứu an toàn.

Giây phút một trong những người bị nạn gặp lại người thân và thốt lên: "Anh ơi!" rồi ngất xỉu, những người chứng kiến không ai có thể cầm được nước mắt.

Vụ 12 công nhân mắc kẹt vì sập hầm lên sóng truyền hình - 1

Vào tháng 12/2014, vụ tai nạn sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng khiến 12 công nhân mắc kẹt từng rất được dư luận quan tâm.

Người ta gọi Đà Lạt là xứ mộng mơ, là thiên đường của tình yêu. Đó là những cảnh quan tuyệt đẹp. Không gian nơi này luôn dành cho tình yêu và sự thơ mộng từ hơn 100 năm nay. Thế nhưng cách Đà Lạt khoảng 10 km đường chim bay, một câu chuyện bi tráng, sinh tử đã từng diễn ra.

Nhằm đáp ứng cho nhu cầu về điện ở khu vực Tây Nguyên, sau nhiều lần khảo sát và lên kế hoạch. Năm 2009, đường hầm xả nước thuộc công trình thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã chính thức khởi công. Tuy nhiên, do địa hình quá xấu nên sau 5 năm thi công, công trình thủy điện này chỉ đào được 618 m. Sau một thời gian tạm ngừng, sáng ngày 16/12/2014, công trình bắt đầu tiếp tục thì thảm họa đã xảy ra.

Vào thời điểm trên, một nhóm gồm 12 công nhân tiến vào hầm để vệ sinh và chuẩn bị cho việc tái xây dựng. Do bỏ hoang đã lâu nên nhiều vị trí trên trần hang bị nước ngâm thẩm thấu vào bên trong. Mặc dù vậy, nhóm công nhân vẫn tiếp tục làm việc mà không hề biết rằng một tai họa đang chuẩn bị ập xuống đầu mình.

Những nhát cuốc đã làm cho nền trần yếu dần và chưa đầy một phút sau, một đoạn đường hầm bị đổ sập. Trong lúc hoảng loạn để bảo toàn mạng sống, 12 công nhân tháo chạy về phía cuối đường hầm. Hàng trăm tấn đất đá đổ xuống ngăn chặt lối ra, biến đoạn cuối đường hầm dài khoảng 100 mét, cao khoảng 5 mét, rộng 4 mét, nằm cách mặt đất khoảng 70 mét thành một nhà tù giam giữ 12 công nhân.

Vụ 12 công nhân mắc kẹt vì sập hầm lên sóng truyền hình - 2

Chương trình "Khoảnh khắc sinh tử" vừa tái hiện lại thảm họa này trên sóng HTV7.

Ngay sau khi phát hiện ra sự việc, lực lượng tại chỗ đã tập trung đào bới cửa hầm để cứu hộ những đồng nghiệp gặp nạn. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của của các công nhân tại chỗ đã không đạt được kết quả bởi lượng đất đá bị đổ sập quá lớn. Song song với việc cứu nạn tại chỗ, thông tin về vụ sụp hầm cũng được báo cáo lên lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp.

Đến lúc này, câu hỏi được đặt ra là những người bị kẹt trong hầm còn sống hay đã chết, sức khỏe hiện giờ của họ ra sao? Mọi cố gắng liên lạc với những người mắc kẹt phía trong đều thất bại. Tuy nhiên theo phán đoán của những người làm việc tại đây, nước trong hầm đang dâng do trong hầm có nhiều mạch nước ngầm, nhiệt độ giảm, tính mạng của những người công nhân bên trong đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Hơn 10 giờ đã trôi qua, nếu những người bị nạn còn sống thì hai thứ thiết yếu cần phải có cho họ lúc này là Oxy và thức ăn. Để kịp thời cung cấp những thứ thiết yếu này, nhiều mũi khoan trực diện đã được thực hiện. Mọi chuyện vỡ òa khi mũi đầu tiên đến đích. Thông qua mũi khoan, thông tin từ phía trong chuyển ra, mọi người vẫn còn sống. Ngay lập tức, sữa, cháo được chuyển vào giúp những người bên trong duy trì sự sống.

Tuy mọi người vẫn còn sống nhưng làm cách nào để đưa những người này ra khỏi hầm vẫn còn là một câu hỏi hóc búa cần phải tìm ra giải đáp một cách nhanh chóng. Hơn 24 giờ đã trôi qua với nhiều nỗ lực song kết quả vẫn chưa có tiến triển. Lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục công việc.

Nhiều đoàn công tác thuộc Bộ, Chính phủ trong đó có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến tận nơi để chỉ đạo cứu hộ: “Có nghe rõ không? Tôi là Hải – Phó Thủ tướng đây. Anh em ở trong đấy có khỏe không, có ai bị ốm không? Anh em yên tâm các lực lượng trong này đang làm hết sức, làm nhanh nhất để có thể cứu được anh em nhé.”

Vụ 12 công nhân mắc kẹt vì sập hầm lên sóng truyền hình - 3

Hình ảnh lực lượng cứu hộ khoan hầm nỗ lực giải cứu 12 công nhân đang mắc kẹt

Sau khi nghiên cứu địa hình, nhiều phương án cứu hộ đã được đưa ra. Cuối cùng một phương án đã được thống nhất cao. Một hướng khoan thẳng từ trên xuống, lỗ khoan rộng khoảng 30 cm có nhiệm vụ tiếp tế lương thực, quần áo ấm cho những người gặp nạn.

Mũi khoan thứ hai đi dọc từ bên phải hầm có nhiệm vụ giải cứu cho các nạn nhân. Tuy nhiên do điệu kiện địa hình phức tạp, nhiều đá tảng nên mũi khoan từ phía trên xuống liên tục bị gãy gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ. Trong khi đó, tình hình bên trong hầm rất bi đát, nước ngầm tiếp tục làm cho mực nước ngầm dâng cao mặc dù hệ thống máy khoan bên ngoài hoạt động hết công suất.

Hơn 62 giờ đồng hồ đã trôi qua thế nhưng công tác cứu hộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bên ngoài, người thân của nạn nhân đã chờ đợi trong tuyệt vọng. Trong khi đó, tại địa điểm cách nơi xảy ra tai nạn hàng trăm cây số, một đơn vị thuộc Lữ đoàn Công binh 293, nhận được lệnh phải tiến hành giải cứu nạn nhân trong thời gian sớm nhất. Một cuộc họp nhanh phải tiến hành trong vội vã.

Vụ 12 công nhân mắc kẹt vì sập hầm lên sóng truyền hình - 4

Dư luận cả nước từng rất quan tâm vụ tai nạn nghiêm trọng này.

“Khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi đồng thời triển khai cùng lúc, đồng bộ với tất cả các đơn vị, cơ quan trong triển khai thực hiện. Vị trí của Lữ đoàn đến nơi cứu hộ khoảng hơn 200 cây số. Thời gian chúng tôi chuẩn bị chỉ có 50 phút và thời gian cơ động là hết 5 tiếng. Như thế trong vòng 6 tiếng đồng hồ chúng tôi phải có mặt tại vị trí”, Đại tá Trịnh Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 293 chia sẻ.

Trong cuộc họp chớp nhoáng, lệnh hành quân đã được đưa ra, các đơn vị trực chỉ nơi xảy ra thảm họa trong đêm. Sau gần một đêm hành quân, sáng ngày 19/12, hơn 100 chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 293 có mặt tại hiện trường. Sau khi quan sát thực địa, bằng các phán đoán khoa học, một phương án giải cứu được đưa ra, các chiến sĩ thực hiện phương pháp đào hầm trong cát. Phương pháp này có phần nguy hiểm cho các chiến sĩ. Tuy nhiên nó sẽ rút ngắn được thời gian tiếp cận nạn nhân. Trong lúc các nạn nhân trong cơn tuyệt vọng thì một người bất ngờ phát hiện ra tiếng động, tất cả lao ra vì biết rằng mình đã được cứu. Mọi chuyện vỡ òa, 12 công nhận được đưa ra trong niềm vui vô tận của mọi người.

Đại tá Trịnh Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 293 kể lại: “Tại sao chúng tôi xác định phương pháp này? Vì đất ở đây là đất sụt lở cho nên độ nén, độ dính kết không liền nhau thì phải dùng biện pháp chống trước rồi mới đào sau. Khi đào hình nón xuống, những đất đá to bao giờ cũng lăn xuống dốc, phần trên này chỉ còn đất đai nhỏ rời rạc thôi, có thể moi ra được nên không cần dùng đến thuốc nổ”

Vụ 12 công nhân mắc kẹt vì sập hầm lên sóng truyền hình - 5

Những nạn nhân từng được đưa ra khỏi hiện trường vụ tai nạn.

Chị Đặng Thị Hồng Ngọc – nạn nhân sập hầm Đạ Dâng nhớ lại khoảnh khắc thoát nạn: “Mình đã cố bò qua những chỗ chỉ một người qua được và mấy anh Công binh khó có thể giúp đỡ. Khi thấy ông xã thì mình rất vui mừng và cất lên được tiếng ‘Anh ơi!’ và sau đó ngất xỉu không biết gì hết.” Trong khi đó, một nạn nhân khác trong vụ sập hầm, anh Nguyễn Văn Quang vẫn không khỏi bàng hoàng kể lại: “Nếu ngày hôm đó mà không ra được thì chỉ còn nước chết”.

Vụ 12 công nhân mắc kẹt vì sập hầm lên sóng truyền hình - 6

Hình ảnh thật vụ tai nạn xảy ra hồi tháng 12/2014.

Như vậy, bằng những nỗ lực của lực lượng cứu hộ mà đặc biệt là Lữ đoàn Công binh 293, cuối cùng các nạn nhân cũng được đưa ra ngoài an toàn sau 82 giờ sống trong lòng đất. 21 giờ ngày 19/12, nạn nhân cuối cùng đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Cho đến giờ phút này, nhiều người vẫn không tin rằng mình có thể sống sót một cách kỳ diệu như vậy. Sau hơn một tuần điều trị, các nạn nhân lần lượt xuất viện và trở về với cuộc sống thường nhật. Song sự sống sót của họ sẽ là một dấu son trong ký ức của những người tham gia cứu hộ ở Thủy điện Đạ Dâng.

Hà Nhuận Nam
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vụ tai nạn hi hữu