Vụ 22 quân nhân bị vùi lấp: Nhói lòng trước những gia cảnh éo le, dự định còn dang dở

Ngày 21/10/2020 16:00 PM (GMT+7)

Sự ra đi của 22 chiến sĩ trong lúc thực hiện nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra tại Quảng Trị khiến người dân không khỏi bàng hoàng và xót thương.

Như đã thông tin trước đó, rạng sáng 18/10, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khiến 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp.

Hiện, thi thể của 22 chiến sĩ đều đã được tìm thấy, và sẽ được tổ chức lễ truy điệu vào trưa ngày 22/10 tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Quảng Trị (đường Trường Chinh, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị).

Chứng kiến sự ra đi của các chiến sĩ, cán bộ giữa thời bình như vậy, nhiều người không thể cầm được nước mắt, nhất là khi được nghe kể về hoàn cảnh gia đình cũng như những lời hứa hẹn mãi chẳng thể hoàn thành của họ.

Mong tới đợt nghỉ phép sau để về sửa nhà cho bố mẹ

Trung úy Lê Hương Trà (36 tuổi), quê ở thôn Thanh Chương, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Trung úy có hai con nhỏ, một cháu 10 tuổi, cháu còn lại 2 tuổi. Vợ đồng chí Trà hiện đang là giáo viên trường mầm non ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Bố mẹ của đồng chí Lê Hương Trà là ông Lê Văn Thủy (60 tuổi), bà Phan Thị Hạnh (62 tuổi) đau đớn và nằm gục khi hay tin thi thể con đươc tìm thấy. Căn nhà nhỏ được xây dựng từ hơn 30 năm trước đã cũ nát, bị dột nước lênh láng của gia đình chiến sĩ Trà giờ trở nên ảm đạm hơn, và nhuốm màu tang thương.

Vụ 22 quân nhân bị vùi lấp: Nhói lòng trước những gia cảnh éo le, dự định còn dang dở - 1

Mọi người tới thăm hỏi và động viên gia đình Trung úy Lê Hương Trà.

Được biết, Trà là con cả trong gia đình có 3 người con, là trụ cột và niềm hy vọng duy nhất của gia đình. Người thân đều cho biết, anh là người ngoan hiền, chịu thương chịu khó. Thương gia đình và muốn lo cho các em ăn học, anh nhất quyết nghỉ học và đi bộ đội. Sau 2 năm nỗ lực hết mình, anh được biên chế vào bộ đội chuyên nghiệp.

“Cách đây hơn 1 tháng, cháu Trà về giỗ ông nội thấy ngôi nhà của bố mẹ bị mưa dột, Trà hứa đợt nghỉ phép sau sẽ góp tiền về sửa sang lại ngôi nhà. Khi biết tin cháu đã mất, ai cũng đau xót”, ông Lê Hồng Long (60 tuổi) bùi ngùi kể với phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật.

Về chịu tang mẹ vợ, thăm nhà và… ra đi mãi mãi

Thiếu tá Nguyễn Cao Cường (47 tuổi) là một “người con” nữa của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) hy sinh trong vụ sạt lở đất ở Quảng Trị. Chiến sĩ Cường là anh trai đầu trong gia đình có 5 anh chị em. Anh có với vợ 2 người con còn nhỏ, một con gái học lớp 8, và con trai mới học lớp 6.

Vì đặc thù công việc, Thiếu tá Cường ít khi được về nhà. Do vậy, mọi công việc ở nhà đều do mình vợ anh là chị Nguyễn Thị Hoa – một giáo viên tiểu học lo lắng chu toàn. Vậy nhưng, sự ra đi của anh đã khiến người vợ mạnh mẽ, tảo tần ấy ngã quỵ, đau đớn đến cùng cực.

Vụ 22 quân nhân bị vùi lấp: Nhói lòng trước những gia cảnh éo le, dự định còn dang dở - 2C

hị Hoa, vợ anh Cường ngất xỉu trước cú sốc mất chồng.

Nửa tháng trước, anh Cường còn xin phép về quê để chịu tang mẹ vợ, sau đó ghé qua nhà thăm vợ con rồi đi ngay. Chẳng ngờ, đó lại lần cuối anh được gặp gia đình của mình.

"Hoàn cảnh xót xa lắm. Mới nửa tháng trước mẹ chị ấy mất. Chị ấy đang chăm bố tai biến nằm một chỗ nhiều năm nay rồi. Hôm 17/10, anh trai chị ấy bị bệnh rồi mất. Thì hôm sau lại nhận tin chồng mất. Khăn tang anh trai chưa kịp đeo thì nay phải chịu tang chồng. Xót xa lắm", Pháp luật & Bạn đọc dẫn lời một người thân trong gia đình Thiếu tá Cường cho hay.

Mong sớm hoàn thành nghĩa vụ để đưa mẹ đi chữa bệnh

Chiến sĩ Cao Văn Thắng (20 tuổi), quê ở thôn 7, xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh là một trong số 22 quân nhân đã nằm lại Quảng Trị. Anh là nạn nhân thứ 4 được lực lượng chức năng tìm thấy từ hiện trường vụ sạt lở đất.

Cao Văn Thắng là con út trong gia đình có 5 anh chị em, thuộc vào những hộ nghèo khó nhất vùng, báo Hà Tĩnh phản ánh. Bố mẹ anh là ông Cao Văn Sơn (56 tuổi) và bà Nguyễn Thị Vân (54 tuổi) đều già cả và ốm yếu. Đặc biệt, bà Vân bị khuyết tật vận động nặng, sức khỏe suy yếu nhiều năm nay.

Khi nhận được tin dữ về con trai, bố mẹ anh vô cùng bàng hoàng, chỉ còn biết nằm trong căn nhà lụp xụp làm bằng đất, tre đan tạm bợ. Nước lũ dâng cao mấp mé sân, những mảng vữa trát trên tấm tre đan của tường nhà anh Thắng bị lở và bong tróc từng mảng.

Vụ 22 quân nhân bị vùi lấp: Nhói lòng trước những gia cảnh éo le, dự định còn dang dở - 3

Bố mẹ chiến sĩ Thắng đau đớn gục ngã trước sự ra đi của con.

Theo chia sẻ từ người thân với Người Đưa Tin Pháp Luật, chiến sĩ Thắng nhập ngũ vào Sư đoàn 337 từ đầu năm 2019, đóng quân trên địa bàn miền núi huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, tham gia xây dựng kinh tế, quốc phòng và giúp đỡ bà con nhân dân 5 xã biên giới vùng sâu, vùng xa.

“Chỉ còn mấy tháng nữa là cháu Thắng hoàn thành nghĩa vụ với đất nước. Ngày nhập ngũ nó hứa với bố mẹ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ tiếp tục đi học đàn để ổn định rồi lập nghiệp.  Mới đây nó điện về bảo lúc nào xuất ngủ sẽ về đưa mẹ đi Hà Nội chữa bệnh. Giờ nó mất, vợ chồng tôi sẽ không biết sống sao nữa”, bố anh Thắng đau xót nói.

Trong khi đó, trên báo Pháp luật TP.HCM, chị Cao Thị Hằng – chị gái chiến sĩ Thắng ngậm ngùi cho biết: “Trước lúc lên đường nhập ngũ, em đã động viên bố, mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe. Em hứa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về em sẽ tìm việc làm, kiếm tiền sửa nhà cho bố mẹ, đưa mẹ đi chữa bệnh, và đưa bố đi chữa bệnh tim, vậy mà em...”.

Đợi ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, về tìm việc, giúp bố mẹ nuôi em ăn học

Nguyễn Quang Sơn (20 tuổi, quê ở Đô Lương, Nghệ An) là một chiến sĩ trẻ tuổi nữa hy sinh trong đợt mưa lũ lịch sử khiến nhiều khu vực ở miền Trung ngập nặng. Hoàn cảnh gia đình của chiến sĩ Sơn hết sức khó khăn.

Vụ 22 quân nhân bị vùi lấp: Nhói lòng trước những gia cảnh éo le, dự định còn dang dở - 4

Bà Phúc suy yếu nằm trên giường gọi con, cần có bác sĩ túc trực chăm sóc.

Vào tháng 2/2019, khi vừa học hết cấp 3, anh xin đi nghĩa vụ quân sự và vào nhận nhiệm vụ tại Sư đoàn 337 Quân khu 4 đóng tại xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Chỉ còn vài tháng nữa, anh sẽ hết nghĩa vụ quân sự. Nguyện vọng của anh là quay về quê học nghề kiếm việc làm để phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học.

Vậy mà, chiến sĩ Sơn giờ đã mãi mãi ra đi trong trận lở núi hôm 18/10, bỏ lại ước mơ còn dang dở. Biết tin xấu về con trai, bà Nguyễn Thị Phúc (42 tuổi), mẹ của Sơn bị ngất nhiều lần, khi tỉnh lại liên tục khóc gọi Sơn: "Con ơi, con về với mẹ đi, con bỏ mẹ mà đi vậy". Chứng kiến cảnh ấy, mọi người đều không cầm được nước mắt và xót xa trong lòng.

Chia sẻ về trường hợp gia đình chiến sĩ Sơn, lãnh đạo xã Thái Sơn (Đô Lương, Nghệ An) nói: “Bà Phúc sức khỏe vốn rất yếu và có tiền sử bị bệnh tim nên khi nghe tin dữ của con thì không chịu được cú sốc mà ngất lên ngất xuống. Bác sĩ phải luôn túc trực tại nhà để chăm sóc y tế.

Ai cũng xót xa cho hoàn cảnh gia đình. Bố mẹ làm nông, thỉnh thoảng đi làm thợ xây. Sau cú sốc này, mọi người lo sợ bà Phúc không gượng dậy được nữa".

Sự thật về tin mẹ ôm con dưới bùn trong vụ sạt lở tại Quảng Trị tràn lan trên Facebook
Hình ảnh "mẹ ôm con dưới bùn" tại Quảng Trị thu hút hàng trăm lượt chia sẻ trên Facebook do tài khoản L.N đăng tải là sai sự thật.
Theo Đinh Kim
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h