Người cứu hộ lũ ở miền Trung: Lăn xả cứu dân nhưng đến người thân của mình lại bất lực

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 21/10/2020 00:08 AM (GMT+7)

Trong khi đi cứu hộ người dân vùng lũ, chính người thân của Hùng cũng bị mắc kẹt cần giúp đỡ nhưng do bản thân ở xa nên lực bất tòng tâm.

Video: Đội cứu trợ giúp người dân ra khỏi những ngôi nhà bị ngập do lũ dâng cao

Tính trong 2 tuần vừa qua, lũ lụt lịch sử ở miền Trung đã làm 106 người chết, 27 người vẫn còn đang bị mất tích và có tới 200.000 người phải sơ tán ra khỏi nơi có nguy cơ bị mất an toàn trước diễn biến của thiên tai.

Để có thể cứu hộ, sơ tán hàng trăm nghìn người ra khỏi những nơi mất an toàn, ngoài lực lượng chức năng như quân đội, công an, còn có rất nhiều tổ chức, cá nhân huy động phương tiện, sức người, cùng đưa người dân đến nơi an toàn.

Đau xót trước những lời khẩn cầu, kêu cứu của đồng bào

Là người con miền Trung, bạn Nguyễn Mạnh Hùng (Quảng Bình) ròng rã những ngày qua cùng nhóm của mình hoạt động hết công xuất để cứu hộ, cứu nạn người dân bị nạn. Hùng chia sẻ, có lúc đi cứu hộ không kịp xem điện thoại, khi mở ra thấy có tới 600 cuộc gọi nhỡ, 340 tin nhắn qua facebook và 223 tin nhắn SMS, tất cả đều liên hệ để nhờ sự hỗ trợ.

Có những lúc Hùng nhận điện thoại mà sức cùng lực kiệt, không còn đủ phương tiện để đi cứu người khiến lòng day dứt vô cùng. Đó là cuộc gọi của 3 mẹ con ở Hàm Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) ngồi ôm nhau kêu cứu trên mái tôn trong điều kiện nước liên tục dâng cao, mưa liên tục trút xuống.

Người cứu hộ lũ ở miền Trung: Lăn xả cứu dân nhưng đến người thân của mình lại bất lực - 1

Quá trình đi cứu hộ, Hùng gặp rất nhiều trường hợp đau lòng.

“Khi đó em chỉ biết cầu xin trên trang cá nhân xem có đội cứu hộ nào gần đó đến cứu 3 mẹ con, vì tiếng gọi của họ khẩn thiết lắm. Có những lúc em còn không dám nghe điện thoại vì nghe mà không đi được thì bản thân mình lòng đau như cắt. Thậm chí có lúc điện thoại hết pin, hoặc đang đi cứu hộ sau đó ngồi xem lại tin nhắn mà cũng cảm thấy đau tim vô cùng”, Hùng chia sẻ. Lũ lên ai cũng hoảng loạn, nhưng trong quá trình đi cứu hộ, Hùng cũng gặp không ít gia đình dù nước lũ chưa lên quá cao (còn nguyên tầng lửng) nhưng họ vẫn gọi cứu hộ, như vậy sẽ làm mất cơ hội của những trường hợp nguy cấp hơn.

Trong quá trình đi cứu hộ, Hùng cũng gặp những tình cảnh vô cùng nguy hiểm mà không biết xử trí thế nào, đó là có lần lênh đênh trên mặt nước 6 tiếng đồng hồ vì bị mắc kẹt. Biển nước mênh mông lạnh thấu xương, Hùng và các bạn của mình phải lặn xuống lòng lũ dữ để gỡ dây điện mắc vào ca nô. Có những thời điểm ca nô không nổ được, 3 thành viên ngồi bất lực giữa dòng nước mặc kệ thuyền trôi tới đâu thì tới.

Người cứu hộ lũ ở miền Trung: Lăn xả cứu dân nhưng đến người thân của mình lại bất lực - 2

Hùng cho biết có những thời điểm ca nô không nổ được, 3 thành viên ngồi bất lực giữa dòng nước mặc kệ thuyền trôi tới đâu thì tới.

Có lẽ điều đáng nhớ nhất trong trận lũ lịch sử này với chàng trai trẻ đó là việc bản thân đi cứu hộ hàng trăm gia đình, nhưng không ngờ chính người thân mình khi khẩn cấp lại không được cứu giúp.

“Đó là ngày 19/10, khi em đang đi cứu hộ, ở nhà (xã Châu Hóa, Tuyên Hóa) có ba mẹ và 2 em. Thế nhưng nước lũ lên quá nhanh, chỉ khoảng 30 phút nữa là sẽ chạm đến nóc nhà. Cả gia đình chới với giữa dòng nước mà bản thân ở xa, lực bất tòng tâm, lúc đó em có cầu cứu mọi nơi nhưng không được. 

Người cứu hộ lũ ở miền Trung: Lăn xả cứu dân nhưng đến người thân của mình lại bất lực - 3

Khi đang đi cứu hộ dân thì chính người thân Hùng bị mắc kẹt trên nóc nhà mà Hùng đành lực bất tòng tâm.

Thật sự gia đình em đã quá may mắn bởi sau khi nước lên cao đột ngột được một lúc thì chững lại và rút dần. Nếu tốc độ lũ cứ lên cao như lúc đầu thì không biết chuyện gì đã xảy ra”, Hùng nói. 

Dù biết là khó khăn, nguy hiểm nhưng khi bản thân còn sức lực, Hùng không ngần ngại lao vào hiểm nguy để sẵn sàng cứu người. Ngày 20/10, khi ở huyện Lệ Thủy nhiều đoạn từ thiện đến tiếp cận, Hùng cùng các thành viên trong đội đã di chuyển vào huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch để tiếp tục hành trình giúp người dân.

Lựa chọn người cứu hộ phải có kinh nghiệm, bằng cấp

Đêm 19/10, anh Nguyễn Sơn - Chủ tịch CLB xuồng hơi (ca nô hơi) khu vực phía Bắc - cũng đã di chuyển đến miền Trung, ngay sau đó anh cùng các thành viên nhanh chóng đến các khu dân cư bị cô lập để hỗ trợ người dân.

Anh Sơn cho biết đây là lần thứ 3 anh vào miền Trung cứu hộ lũ lụt và mang theo khoảng 20 chiếc ca nô hơi đi. Trong đó có 10 chiếc ở Lệ Thủy - Quảng Bình; 2 chiếc ở Quảng Trị; còn lại là hoạt động ở Hà Tĩnh. “Từ khi vào đây đến nay tôi không nhớ đã cứu hộ được bao nhiêu người, nhưng đối tượng ưu tiên là phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người già”, anh Sơn cho hay.

Anh Sơn mang thuyền hơi từ Hà Nội vào hỗ trợ người dân miền Trung vì đây là loại thuyền chống chìm, chống lật, chống vang và có thể đi được các ngõ ngách nhỏ, thậm chí vào tận phòng của nhà dân nên rất thuận lợi cho việc cứu hộ.

Người cứu hộ lũ ở miền Trung: Lăn xả cứu dân nhưng đến người thân của mình lại bất lực - 4

Đoàn cứu hộ ca nô hơi đang ở vùng lũ Lệ Thủy, Quảng Bình.

Dù đi cứu hộ người khác nhưng anh Sơn quan niệm rằng bản thân mình phải đảm bảo an toàn trước mới cứu được người khác. Hơn nữa với vùng lũ không ai nói trước được điều gì nên lựa chọn thành viên tham gia phải vô cùng kỹ lưỡng.

“Các thành viên tham gia cứu hộ lần này đều được tập huấn thường xuyên, có kinh nghiệm sông nước và có bằng thuyền trưởng hoặc cao tốc hạng 2”, anh Sơn nói.

Đợt đi cứu hộ lần này, anh Sơn cho biết sẽ ở lại miền Trung cho đến khi kiểm soát được tình hình mới quay về vì rất có thể sau đợt này sẽ có thêm cơn bão nữa, vừa cứu hộ anh vừa nắm bắt tình hình thời tiết để tính tiếp.

Thâu đêm gói bánh chưng, vượt cả trăm cây số mang ca nô đến hỗ trợ đồng bào miền Trung
Qua những hành động đẹp, những chiếc bánh chưng được gói thâu đêm… người dân cả nước đã gửi gắm tình cảm tới đồng bào miền Trung ruột thịt.
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mưa lũ lịch sử ở miền Trung