Vụ 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines được trả tự do: Luật sư lý giải góc độ pháp lý

NGỌC HÀ - Ngày 23/03/2023 09:38 AM (GMT+7)

"Việc 4 nữ tiếp viên hàng không được thả tự do mà không phải bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự không có nghĩa họ vô can. Hơn nữa cơ quan điều tra hiện tại đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra, do vậy họ vẫn phải tiếp tục làm việc để làm rõ các vấn đề có liên quan trong vụ án", luật sư nói.

Trong diễn biến mới nhất của vụ việc 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines xách hơn 11 kg ma túy, ngày 22/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không. Không ít người bất ngờ trước diễn biến này và những cuộc tranh cãi về vụ việc trên mạng xã hội vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Để làm sáng tỏ vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng văn phòng Luật sư Gia đình (TP.HCM).

Luật sư cho biết, theo thông tin, cảnh sát bước đầu xác định khi 4 tiếp viên hàng không nêu trên đang lưu trú tại Pháp thì có một người Việt Nam nhờ chuyển "hàng tiêu dùng" là 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất để gửi cho người nhà. Các tiếp viên này không biết bên trong 327 tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển có cất giấu ma tuý. Do vậy, cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.

Theo quy định của pháp luật, tội vận chuyển trái phép chất ma túy có lỗi cố ý trực tiếp, nghĩa là người thực hiện hành vi phạm tội phải biết là hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi và mong muốn hậu quả xảy ra.

Bởi vậy, cơ quan điều tra có thể xử lý hình sự đối với các tiếp viên hàng không này nếu có căn cứ cho thấy những người này biết các chất ở trong các tuýp kem đánh răng trên là chất ma túy nhưng vẫn cố ý vận chuyển về Việt Nam để thu lợi bất chính.

“Trong trường hợp các nữ tiếp viên này không biết trong các tuýp kem đánh răng được vận chuyển về Việt Nam có chứa chất ma túy thì chưa thể đủ căn cứ để xử lý hình sự với họ. Việc chứng minh các nữ tiếp viên hàng không có biết đây là chất ma túy hay không thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.

Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào diễn biến hành vi, nguyên nhân, động cơ, mục đích, mức độ nhận thức, đặc điểm về nhân thân, các mối quan hệ của các nữ tiếp viên này và các tình tiết khác có liên quan để xác định chính xác bản chất sự việc”, luật sư Hùng nói.

Ngày 22/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines mang 11,48 kg ma túy.

Ngày 22/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines mang 11,48 kg ma túy.

Cũng theo luật sư Hùng: “Với nghề tiếp viên hàng không, họ đã được đào tạo bài bản, biết quy định của ngành và cam kết nhiều điều khoản, trong đó có việc tuyệt đối không được nhận hay mang giùm đồ đạc cho ai…

Theo Cục Hàng không Việt Nam, quy tắc của ngành hàng không là hành lý đi theo người, người đi đúng giấy tờ. Khi đi qua khu vực làm thủ tục an ninh, soi chiếu hành lý, hành khách tuyệt đối không mang hộ đồ của người khác, thậm chí hành lý soi chiếu của mỗi cá nhân cần tách rời, không được cho người lạ để vào khay đồ của mình…

Tôi cho rằng có thể cơ quan chức năng đã điều tra, xác minh làm rõ được người nhờ các tiếp viên vận chuyển là ai, đã bị bắt hay bị xử lý thế nào, đã làm rõ được mối quan hệ, sự thật giữa người thuê vận chuyển và người vận chuyển…nên mới trả tự do. Nếu chỉ khai đơn giản là không biết ma túy mà vận chuyển thì tôi cho rằng không dễ để cơ quan chức năng trả tự do như vậy”.

Còn về vấn đề nhiều người cho rằng hành vi đó là xách hàng lậu, ít nhất phải khép tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, luật sư Hùng lý giải thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ, được quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đây là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây nên hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể khoản 1 Điều 360 BLHS năm 2015 quy định: Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp: Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, mà không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 179 (Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp), Điều 308 (Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng) và Điều 376 (Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

“Như vậy, cơ sở để xác định các nữ tiếp viên này có bị xử lý hình sự hay không thì phải tuỳ thuộc vào việc điều tra truy tố, xác minh có thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội. Còn để xác định có vô tội hay không phải tùy thuộc vào hành vi của nhóm tiếp viên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không như tôi phân tích trên”, luật sư cho hay.

Theo thông tin, cảnh sát bước đầu xác định khi 4 tiếp viên hàng không  đang lưu trú tại Pháp, thì có một người Việt Nam nhờ chuyển hàng tiêu dùng là 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, để gửi cho người nhà.

Theo thông tin, cảnh sát bước đầu xác định khi 4 tiếp viên hàng không  đang lưu trú tại Pháp, thì có một người Việt Nam nhờ chuyển hàng tiêu dùng là 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, để gửi cho người nhà.

Theo luật sư Nguyễn Văn Đại – Công ty Luật TNHH Việt Phong, dưới góc độ pháp lý việc 4 nữ tiếp viên hàng không được trả tự do là điều hoàn toàn bình thường. Bởi căn cứ theo quy định khoản 4 điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2021) quy định: “Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ”. Như vậy, có thể trong trường hợp này việc tiến hành khởi tố đối với 4 nữa tiếp viên hàng không về hành vi vận chuyển trái pháp ma túy là chưa có đủ “căn cứ pháp lý”.

“Tuy nhiên, việc họ được thả tự do mà không phải bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự không có nghĩa họ vô can, cơ quan điều tra hiện tại đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra, do vậy họ vẫn phải tiếp tục làm việc để làm rõ các vấn đề có liên quan trong vụ án. Nếu cơ quan điều tra có đủ căn cứ để buộc tội thì họ hoàn toàn có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật đối với 4 nữ tiếp viên”.

Vụ 4 tiếp viên hàng không: Sẽ bị Cục Hàng không Việt Nam xử lý
Cục Hàng không, cũng như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sẽ có hình thức xử lý nhóm 4 tiếp viên hàng không.

Vụ tiếp viên hàng không xách ma túy

Theo NGỌC HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vụ tiếp viên hàng không xách ma túy