Công an quận Tân Bình, TP HCM cho biết sẽ chuyển hồ sơ vụ 5 triệu yen sang tòa án phán quyết nhưng TAND quận Tân Bình khẳng định không thuộc thẩm quyền của mình
Ngày 4-5, Công an quận Tân Bình, TP HCM cho biết sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ vụ 5 triệu yen sang TAND cùng cấp để giải quyết.
Các bên cùng củng cố hồ sơ
Theo đại diện Công an quận Tân Bình, cơ quan này chỉ tiếp nhận thông tin ban đầu như lấy lời khai, giấy tờ chứng minh của những bên liên quan, sau đó sẽ chuyển sang tòa án giải quyết. “Chúng tôi đã chuyển toàn bộ số tiền niêm phong cho ngân hàng để nhờ phía Nhật Bản quy đổi thành tiền Việt nhằm tránh tình trạng mục và mất tỉ giá. Sau khi xác định được chủ nhân, chúng tôi sẽ yêu cầu người nhận tiền làm thẻ ngân hàng và số tiền được chuyển thẳng vào đó” - vị này nói.
Những ngày qua, bà Phạm Thị Ngọt (ngụ huyện Hóc Môn, người tự nhận số tiền 5 triệu yen là của chồng mình) vẫn cố gắng tìm những chứng cứ để chứng minh chồng mình là chủ nhân số tiền trên. Bà Ngọt cho biết đã liên hệ một số luật sư để hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý. Trong khi đó, ông Afolayan Caleb (chồng bà Ngọt) đang làm giấy ủy quyền cho bà, đồng thời liên hệ một số người bạn dạy học ở Nhật Bản để chứng minh mình từng sinh sống, lao động ở đó. Về việc dư luận thắc mắc vì sao đến gần giờ “G” mới xuất hiện, bà Ngọt lý giải rằng ngày 3-4, bà đã nộp đơn đến Công an quận Tân Bình nhưng họ không động tĩnh gì. Chẳng hiểu sao đến khi cận ngày, Công an quận Tân Bình mới thông báo cho chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (ngụ quận Tân Bình, người nhặt được 5 triệu yen). “Tất cả là do công an thông tin chậm để rồi dư luận hiểu sai về tôi” - bà Ngọt bức xúc.
Bà Phạm Thị Ngọt đang tìm bằng chứng để minh oan cho mìnhẢnh: Lê Phong
Cũng theo bà Ngọt, trong lần gặp chị Hồng và công an, bà đều có quay video clip. “Nếu công an và chị Hồng nói sai sự thật, tôi sẽ công bố đoạn video clip này. Nhưng trước mắt, tôi không làm to chuyện, cố gắng tìm bằng chứng để minh oan cho mình” - bà Ngọt khẳng định.
Trong khi đó, chị Hồng cho biết chưa nhận được một thông báo nào bằng văn bản từ cơ quan chức năng. “Một số luật sư muốn đứng ra tư vấn, hỗ trợ miễn phí giúp tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn đang mù tịt thông tin từ cơ quan chức năng mà chỉ theo dõi vụ việc qua báo chí” - chị Hồng nói.
Chưa thuộc thẩm quyền tòa án
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, quan điểm cho rằng vụ việc này cần phải giao Sở Tài chính xử lý là sai. “Năm triệu yen là tài sản vô chủ, được chị Hồng thu mua chứ không phải tài sản chôn vùi, chìm đắm. Vì vậy, cơ quan có trách nhiệm sẽ là Công an quận Tân Bình” - luật sư Hậu nêu quan điểm. Đồng tình, luật sư Nguyễn Anh Minh, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng công an mới có nghiệp vụ điều tra, thu thập bằng chứng. “Giao cho các cơ quan khác thì khó lấy được thông tin” - luật sư Minh nhận định.
Ông Nguyễn Văn Trí, Chánh án TAND quận Tân Bình, cho biết đến thời điểm hiện tại, cơ quan này chưa nhận bất kỳ hồ sơ, tài liệu hay chứng cứ liên quan đến vụ việc trên, ngoại trừ một công văn của Công an quận Tân Bình. Công văn này cho rằng do diễn biến sự việc phát sinh tranh chấp nên Công an quận Tân Bình sẽ chuyển hồ sơ sang tòa án để giải quyết. Theo ông Trí, đối với vụ việc trên, tòa án chưa phải là cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các quy định của pháp luật đã nêu rõ tòa án chỉ vào cuộc khi sự việc có tranh chấp. Tuy nhiên, vụ việc này vẫn chưa xác minh cụ thể các đối tượng trong phạm vi tranh chấp (ai là người tranh chấp, tranh chấp với ai). Thực tế, chị Hồng chỉ là người nhặt được số tiền và giao nộp cho cơ quan chức năng. Công an quận Tân Bình đã thu giữ và gửi khoản tiền trên cho Kho bạc Nhà nước để bảo quản. Đặt trường hợp có người đến nhận lại nhưng cơ quan công an thấy không có đủ căn cứ, cơ sở nên không bàn giao tài sản thì đương sự có quyền kiện hay không? Như vậy, vụ việc này chỉ xác định người có quyền khởi kiện nhưng không xác định rõ người bị kiện. Mặt khác, đến thời điểm hiện tại, bà Ngọt chưa có bằng chứng thuyết phục để yêu cầu xin lại số tiền. Nếu số tiền này là của chồng bà Ngọt thì ông ta phải viết đơn xin nhận lại hoặc làm giấy ủy quyền cho bà Ngọt đứng ra xin nhận lại tài sản. Chưa hết, giả sử số tiền này không rõ nguồn gốc, đưa về Việt Nam theo con đường bất hợp pháp thì sẽ bị tịch thu, thậm chí xử lý hình sự. “Nếu hồ sơ được TAND quận Tân Bình chuyển qua, chúng tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo của TAND TP” - ông Trí nói.
Luật sư Hồ Ngọc Diệp, Đoàn luật sư TP HCM: Nhiều vấn đề cần đặt ra Về nguyên tắc, tòa án chỉ thụ lý vụ việc dân sự khi đương sự có đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Nguyên tắc này đã được minh định tại điều 5 Bộ Luật Tố tụng Dân sự như sau: Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Xuất phát từ quyền tự định đoạt của đương sự như đã nêu trên nên trong mọi trường hợp, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý trước vụ việc theo quy định của pháp luật (trong trường hợp này là Công an quận Tân Bình) không thể tự mình trực tiếp chuyển sự việc để yêu cầu tòa án giải quyết mà đương sự phải có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu trực tiếp gửi đến tòa án theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong trường hợp này, Công an quận Tân Bình chỉ có thể đề nghị một trong các bên đương sự, nếu không tự thỏa thuận được về việc xử lý số tiền, làm đơn khởi kiện để tòa án giải quyết. Một vấn đề khác cũng cần được đặt ra là trong trường hợp này, ai sẽ là người đứng đơn khởi kiện? Nếu bà Ngọt khởi kiện thì bị đơn là ai vì chị Hồng đã giao 5 triệu yen cho cơ quan công an xử lý, hiện không phải là người chiếm hữu tài sản. Vì vậy, để bảo đảm cho các bên đương sự thực hiện được quyền khởi kiện của mình, Công an quận Tân Bình nên giao lại số tiền trên cho chị Hồng. Nếu chị Hồng và bà Ngọt không thương lượng được thì sẽ khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết. |