Vụ bà nội đầu độc cháu: Có thể bà nội bị stress nhưng cũng không bao biện được tội lỗi

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 05/08/2020 16:30 PM (GMT+7)

Liên quan đến vụ đầu độc cháu bằng thuốc chuột ở Thái Bình, luật sư Thơm cho rằng bà nội có thể sẽ phải đối diện mức án 20 năm tù.

Dù có thế nào cũng không thể biện minh cho tội lỗi của mình

Mới đây, vụ việc bà Chử Thị Mỹ Lệ (SN 1969) hiện đang là Phó Khoa sản (Bệnh viện Vũ Thư, Thái Bình) đầu độc cháu nội của mình vừa bị công an bắt khẩn cấp đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Tại cơ quan công an, Chử Thị Mỹ Lệ khai nhận đã 2 lần bơm thuốc diệt chuột vào sữa rồi cho cháu nội uống với hy vọng giải thoát cho cháu. Được biết lần 1 đối tượng cho cháu uống ở nhà trước khi cháu nhập viện, lần 2 là khi cháu đang cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Thái Bình. Phần thuốc thừa, bà Lệ khai đang cất giữ ở nhà. 

Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Trọng An – nguyên Cục phó Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) khẳng định, dù mục đích của bà nội là gì đi chăng nữa thì đây là hành vi đã phạm vào tội “Giết người” được pháp luật quy định.

Qua những thông tin từ báo chí, ông An cho rằng rất có thể do cháu bé bị bệnh tật (bại não, hở hàm ếch), bố mẹ lại thường xuyên đi làm xa nên đây là gánh nặng cho người chăm sóc, mà trực tiếp là bà nội.

Vụ bà nội đầu độc cháu: Có thể bà nội bị stress nhưng cũng không bao biện được tội lỗi - 1

Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Cục phó Cục trẻ em.

“Nhìn cháu bệnh tật, nghĩ về tương lai đứa bé có thể đã khiến người bà bị ám ảnh, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, dẫn đến bị stress và cuối cùng là rối nhiễm tâm trí nên người bà nội đã nghĩ ra cách để giải thoát cho cháu mình. Trong trường hợp giả thiết trên là đúng thì cũng không thể biện minh cho tội lỗi mà người bà đã gây ra”, ông An nhận định.

Theo ông An, kết luận cuối cùng của sự việc vẫn phải đợi cơ quan cảnh sát điều tra công bố. Khi điều tra, cơ quan công an sẽ có biện pháp nghiệp vụ, xem xét mọi khía cạnh để đánh giá một các khách quan nhất.

“Qua sự việc này, tôi cũng khuyên những người phụ nữ khi mang thai hãy khám sàng lọc trước sinh kỹ lưỡng để loại bỏ dị tật cho trẻ, tránh gánh nặng sau này.

Ngoài ra cũng cần nhìn nhận khách quan cả phía bố mẹ cháu bé bị đầu độc, bởi con chưa được 1 tuổi lại bị nhiều bệnh tật, tổn thương nhưng bố mẹ lại để lại cho bà chăm sóc rồi đi làm ăn xa trong một thời gian dài. Đây là giai đoạn trẻ cần sự chăm sóc rất nhiều của bố mẹ. Tất cả mọi thứ cộng hưởng lại có thể khiến bà bị sang chấn, stress, dẫn đến rối nhiễm tâm lý và có nhưng hành động không thể lường trước được”, ông An phân tích.

Vụ bà nội đầu độc cháu: Có thể bà nội bị stress nhưng cũng không bao biện được tội lỗi - 2

Chân dung bà nội đầu độc cháu ở Thái Bình.

Có thể đối diện mức án 20 năm tù

Về vấn đề pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) nhận định: “Rất có thể vì thấy cháu nội từ khi sinh ra không bình thường do sinh non, bị bệnh bại não, hở hàm ếch, thường xuyên ốm yếu nên đã tìm cách sát hại cháu để giải thoát những gánh nặng cho gia đình về trách nhiệm nuôi dưỡng và chăm sóc cháu sau này.

Để thực hiện hành vi phạm tội, nghi phạm đã mua thuốc thuốc diệt chuột, pha vào sữa cho cháu ăn để nhằm mục đích cho cháu tử vong. Rất may, do được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên tính mạng cháu bé được đảm bảo. Cho đến thời điểm hiện tại, tính mạng cháu bé vẫn đang nguy kịch và tiếp tục được điều trị tích cực tại bệnh viện”.

Theo vị luật sư này, mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được sống đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. “Cháu bé sinh ra đã bị thiệt thòi khi không hoàn thiện về thể chất và tinh thần. Đáng lẽ ra, với lương tâm trách nhiệm của người bác sỹ, và là bà nội của cháu bé thì nghi phạm phải hết sức thương yêu, chăm sóc và chữa trị cho cháu nội nhưng đáng tiếc, nghi phạm lại đang tâm sát hại cháu”, luật sư Thơm chia sẻ.

Theo kết quả giám định chất độc thuốc diệt chuột trong cơ thể cháu bé nếu có khả năng nguy hiểm đến tính mạng thì nghi phạm sẽ phải đối mặt với tội danh Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự.

Trường hợp cháu bé không bị tử vong do được cấp cứu kịp thời thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (hoàn thành về hành vi nhưng chưa đạt về hậu quả) với khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Vụ Phó Khoa sản đầu độc cháu nội 11 tháng tuổi: Sức khỏe cháu bé hiện giờ ra sao?
Sau một thời gian dài điều trị, bằng sự nỗ lực của các bác sĩ, rất may mắn cháu bé đã qua cơn nguy kịch.
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự