Bước đầu đối tượng Chử Thị Mỹ Lệ đã thừa nhận 2 lần bơm chất độc (thuốc diệt chuột) 1 lần ở nhà trước khi cháu nhập viện và 1 lần khi cháu đang cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Thái Bình vào sữa cho cháu uống.
Tiết lộ lời thú nhận của bà nội là Phó Khoa sản đầu độc cháu 11 tháng
Ngày 4/8, Công an TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình đang tạm giữ hình sự bà Chử Thị Mỹ Lệ để điều tra việc cháu nội của bà là Lê Trần Dương M. (sinh ngày 16/9/2019, bị bại não bẩm sinh) uống phải chất độc, hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Bà Lệ đang là bác sĩ Phó trưởng khoa tại bệnh viện huyện Vũ Thư.
Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, bước đầu đối tượng Chử Thị Mỹ Lệ khai nhận đã 2 lần bơm chất độc, cụ thể là thuốc diệt chuột dạng nước vào sữa cho cháu M. uống.
Cán bộ Phòng LĐ-TB-XH thành phố Thái Bình làm việc với xã Tân Bình về vụ việc cháu bé bị đầu độc - Ảnh: Hoàng Long
Lần đầu tiên là khi ở nhà khiến cháu M. phải nhập viện. Khi cháu bé đang cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Thái Bình, bà nội tiếp tục bơm chất độc lần 2 vào sữa cho cháu uống. Sau 2 lần hạ độc cháu ruột, bà Lệ vẫn còn thuốc diệt chuột dạng nước cất giữ ở nhà.
Việc cháu M. 7 tháng tuổi có dấu hiệu bất thường, phải đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong quá trình cấp cứu, điều trị và làm xét nghiệm cho cháu M. bác sỹ điều trị phát hiện trong mẫu xét nghiệm của bệnh nhân có chất độc. Bệnh viện lập tức báo cho Công an quận Đống Đa (TP.Hà Nội) đến để phối hợp tiến hành điều tra xác minh vụ việc.
Tiếp nhận hồ sơ vụ việc, tối ngày 1/8, Công an Thành phố Thái Bình đã di lý đối tượng Chử Thị Mỹ Lệ về Thái Bình và tiến hành khám xét nhà ở của đối tượng này tại thôn Tú Linh, xã Tân Bình (TP.Thái Bình).
Trong quá trình khám xét, cơ quan công an đã thu giữ 1 lọ thuốc chuột dạng nước đang sử dụng dang dở mà đối tượng khai trước đó đã dùng để đầu độc cháu bé.
>> Xem thêm: Nữ Phó Khoa sản bệnh viện huyện đầu độc cháu nội 11 tháng tuổi
Chủ tịch Đà Nẵng kêu gọi các tỉnh, thành "chi viện" nhân lực y tế chống dịch COVID-19
Ngày 4/8, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND một số tỉnh, TP về việc kêu gọi hỗ trợ nhân lực y tế giúp Đà Nẵng phòng, chống và điều trị COVID-19.
Chủ tịch thành phố Đà Nẵng cho biết: Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Đà Nẵng đang diễn biến phức tạp. Tính đến sáng ngày 3/8, đã công bố 121 ca mắc COVID-19 và dự kiến sẽ còn tăng trong những ngày tới. Các trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân mắc COVID-19 cũng đã được truy vết, phát hiện, tập trung cách ly, xét nghiệm với số lượng ngày càng nhiều, trong đó đã phát hiện nhiều ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đưa vào điều trị tại các sơ sở y tế.
Binh chủng hoá học tiến hành phun khử khuẩn dập dịch COVID-19 trên diện rộng ở một số khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Ảnh: Nguyễn Thành
Ông Thơ cho biết: Những ngày qua, Bộ Y tế và các bệnh viện đầu ngành của cả nước (Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế) và các tổ chức, cá nhân đã sát cánh, hỗ trợ nhân lực, phương tiện cùng TP Đà Nẵng triển khai mạnh mẽ mọi biện pháp phòng, chống, xét nghiệm và điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó bao gồm việc thiết lập nhiều khu cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến.
Tuy nhiên, nhân lực ngành y tế Đà Nẵng đang ở vào thời điểm rất khó khăn. Đặc biệt, đội ngũ y, bác sỹ, kỹ thuật viên y tế đang công tác tại các bệnh viện lớn và các cơ sở y tế của TP đã bị phong tỏa, đang trong tình trạng cách ly toàn bộ hoặc cách ly một phần nên không đủ nhân lực để điều phối, sử dụng phục vụ điều trị bệnh nhân nói chung và bệnh nhân mắc COVID-19 nói riêng, nhất là tại các bệnh viện dã chiến chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Trong bối cảnh nêu trên, nhằm giúp TP Đà Nẵng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế với phương châm dồn lực dập dịch ở Đà Nẵng, góp phần vào hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cả nước, UBND TP Đà Nẵng rất mong nhận được sự hỗ trợ điều phối đội ngũ y, bác sỹ, kỹ thuật viên y tế từ các tỉnh, TP bạn xung phong, tình nguyện đến TP Đà Nẵng cùng quyết tâm khống chế dịch bệnh đợt này.
UBND TP Đà Nẵng rất mong lãnh đạo các tỉnh, thành phố bạn thống nhất chủ trương và giao cho Sở Y tế làm đầu mối để Sở Y tế TP Đà Nẵng làm việc, có văn bản đề nghị cụ thể về mặt chuyên môn; đồng thời bố trí lịch trình và chuẩn bị các điều kiện đón tiếp.
Giá vàng trong nước hôm nay 4/8
Ghi nhận ở thị trường trong nước đầu buổi sáng hôm nay, giá vàng SJC tại công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết cho thị trường TP HCM với giá 56,83-57,98 triệu đồng/lượng, tăng 30 nghìn đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra so với đầu phiên sáng hôm qua.
Giá vàng SJC trên hệ thống Phú Quý đang đứng tại 56,90-57,80 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giữ nguyên chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng gần nhất.
Trên hệ thống Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC ở mức 56,92-57,80 triệu đồng/lượng, tăng 170 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng bán ra so với sớm qua. Trong khi đó, giá vàng rồng Thăng Long của thương hiệu này giảm 80 nghìn đồng/lượng chiều mua vào, 130 nghìn đồng/lượng bán ra so với sáng hôm trước và đang giao dịch ở 54,11-55,06 triệu đồng/lượng.
Còn giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở 56,90-57,80 triệu đồng/lượng, tăng 200 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 100 nghìn đồng/lượng bán ra so với cùng thời điểm ngày 3/8.
Mưa dông, lốc xoáy làm hư hỏng hàng trăm căn nhà ở miền Tây
Ngày 4/8, tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho biết, tính đến sáng cùng ngày, mưa lớn, kèm theo lốc xoáy đã gây thiệt hại 87 căn nhà của người dân trên địa bàn.
Thiệt hại chủ yếu xảy ra ở các huyện Hồng Dân, Phước Long và Vĩnh Lợi. Trong 87 căn, có 20 căn bị sập và 67 căn bị tốc mái, ước thiệt hại gần 1,2 tỷ đồng. Mưa lớn, lốc xoáy cũng làm nhiều cây xanh, hoa màu đổ ngã, gây ngập úng nhiều nơi trong tỉnh.
Lốc xoáy làm sập nhà dân ở Bạc Liêu.
Ngay sau khi xảy ra ảnh hưởng bởi thiên tai, các địa phương đang khẩn trương chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có nhà sập, tốc mái huy động lực lượng giúp người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Đồng thời, khẩn trương thống kê chi tiết số lượng nhà bị thiệt hại, mức độ thiệt hại do lốc xoáy gây ra trên địa bàn, báo cáo về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để kịp thời hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, ghi nhận từ ngày 1 - 4/8/2020, các đợt mưa xuất hiện trên địa bàn với lượng mưa đo được từ 112,0mm - 171,5mm, làm mực nước trên các kênh rạch vùng chuyên lúa phía Bắc QLA dâng cao 50-60cm.
Trong khi đó, tại Sóc Trăng, ghi nhận đến chiều 3/8, dông lốc đã làm sập và tốc mái 77 căn nhà. Triều cường dâng cao gặp mưa lớn kéo dài khiến 40m đường bê tông ở xã Song Phụng (huyện Long Phú) bị sạt lở xuống sông. Ngoài ra, trong 6 căn nhà ở ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng bị ảnh hưởng sạt lở, có 3 căn phải di dời vì vị trí sạt lở lấn sâu vào đất liền khoảng 10m và độ sâu của chỗ sạt lở khoảng 3 - 4m.