Không ít người – hiện sinh sống tại các toà chung cư, chung cư mini bày tỏ sự quan ngại về an toàn trong phòng cháy chữa cháy.
Rạng sáng nay (13/9), lực lượng chức năng đã dập tắt đám cháy ở chung cư mini nằm sâu trong ngõ 29/70 phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội). Theo ghi nhận ban đầu đã có 40 người thương vong, cơ quan chức năng đang khẩn trương khắc phục hậu quả cũng như làm rõ vụ việc.
Và khi vụ cháy được báo đài đưa tin, hàng nghìn người dân thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung không khỏi xót xa, cùng cầu nguyện phép màu xảy ra đối với cư dân tại chung cư mini. Bên cạnh đó không ít người – hiện sinh sống tại các toà chung cư, chung cư mini bày tỏ sự quan ngại về an toàn trong phòng cháy chữa cháy.
Chị Ngọc Loan (30 tuổi) – sống tại toà chung cư nằm trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) bày tỏ: “Ngủ dậy, mình vào vài tờ báo đọc tin thức như thói quen thường ngày. Mình lướt thấy tin vụ cháy ở chung cư mini, lúc đó chưa có con số thương vong cụ thể nhưng vẫn thấy xót xa. Mình cầu nguyện không ai bị thương nhưng nãy lướt Facebook có người bảo 40 người thương vong, trong đó có trẻ con mà quặt thắt.
Sắp đến Tết của các con rồi, vậy mà lại xảy ra sự việc đau lòng đến thế. Hiện cơ quan chức năng chưa công bố nguyên nhân nhưng vì lý do gì đi nữa vẫn thật không thể tin nổi”.
Sau vụ việc này, chị Ngọc Loan chợt nhận ra chung cư – nơi gia đình chị sinh sống hơn 1 năm qua chưa hề có một buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy, giúp cư dân biết cách thoát nạn khi gặp nạn, sử dụng bình chữa cháy. Vì thế chị hi vọng công an phường kết hợp với các đội phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thường xuyên đến các chung cư, chung cư mini diễn tập phòng cháy chữa cháy.
“Mình biết việc diễn tập phòng cháy chữa cháy không hề đơn giản: mất một số tiền, cần người dân hợp tác. Song tháng nào cư dân cũng đóng phí cho ban quản lý và chúng mình luôn sẵn sàng tham gia vì hoạt động chung, tính mạng con người”, chị Ngọc Loan nói.
Sau vụ việc này, chị Ngọc Loan chợt nhận ra chung cư – nơi gia đình chị sinh sống hơn 1 năm qua chưa hề có một buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy, giúp cư dân biết cách thoát nạn khi gặp nạn.
Cùng quan điểm với chị Ngọc Loan, anh Vũ Hậu (35 tuổi) – cư dân của toà chung cư tại Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều người cho rằng các toà chung cư tại Việt Nam đều tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy, sống ở đó cứ yên tâm không có vấn đề hoả hoạn xảy ra hoặc có hoả hoạn cũng không lo thương vong về người.
Đó chỉ là lý thuyết, còn thực tế khi có cháy lớn ắt hẳn sẽ có thiệt hại về người và của. Vì thế tôi mong rằng các cơ quan chức năng, ban ngành cần “nghiêm khắc” rà soát, yêu cầu cao đối với các toà chung cư dù ở thành phố lớn hay tỉnh thành”.
Cũng theo anh Vũ Hậu, chung cư chỗ anh ở có diễn tập phòng cháy chữa cháy cho người dân được “trải nghiệm” theo từng đợt. Nhưng anh tự nhận thấy việc đó chưa hiệu quả 100% do cư dân tham gia hời hợt, luôn cho rằng “cháy sẽ không xảy ra tại chung cư mình ở” hoặc có người quan niệm “gia đình ở tầng cao, cháy khó có thể lan tới”.
“Chính sự thờ ơ của cư dân sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của chính mình và những người thân. Tôi từng nói với một người bạn rằng không phải ngọn lửa lan tới nhà mình mới lo giữ tính mạng. Sau đó tôi chỉ cho họ thấy bằng chứng chính là vụ cháy toà chưng cư Carina trong Sài Gòn khiến bao người tử vong”, người đàn ông nói.
Anh Vũ Hậu cho biết dù nơi anh ở là chung cư cao cấp song vẫn có cư dân sẵn sàng đốt vàng mã, hút thuốc… gây ra báo động cháy giả. Vì thế anh hi vọng người dân cần chung tay bảo vệ nơi ở cùng tính mạng của chính mình cũng như hàng xóm. Ngoài ra anh mong ban quản lý chung cư thắt chặt vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Trong khi đó, chị Hà (32 tuổi, Đống Đa) chia sẻ chị từng đến các khu chung cư min và thấy thật sự ám ảnh. “Đó là khu nhà cao tầng, chủ yếu nằm trong ngách, ngõ sâu hun hút và bao quanh là các căn nhà 4-5 tầng, không có lối thoát hiểm, không báo cháy… Tôi từng nghĩ chỉ cần chấp điện gây cháy nổ là người dân không có lối thoát. Xin thành tâm chia sẻ với gia đình nạn nhân, mong cư dân nơi đó bình an, tai qua nạn khỏi”.
Chị Hà cũng bày tỏ quan điểm không chỉ các quán karaoke đảm bảo về an toàn trong phòng cháy chữa cháy mà các chung cư mini trên địa bàn thành phố cùng phải đảm bảo khi xây dựng. Toà nào thi công đúng sẽ được đưa vào sử dụng, còn lại phải chờ đến khi làm đúng quy định.
"Tôi cũng thiết nghĩ các hộ dân sinh sống tại chung cư, chung cư mini cần trang bị bình chữa cháy, mặt nạ chống khói... Khi ấy hoả hoạn xảy ra, chúng ta có biết cách bảo vệ tính mạng của mình", chị Hà nói.
Các kỹ năng thoát hiểm khi cháy chung cư mà cư dân cần nắm rõTìm cách dập đám cháy Khi gặp sự cố hỏa hoạn tại chung cư, việc đầu tiên là bạn nên bình tĩnh và tìm cách dập lửa (vì khi phát hiện đám cháy thường có phạm vi nhỏ). Bạn có thể dùng các bình Co2 chữa cháy nhỏ, bình cát hoặc các vật dụng như chăn, nước ngay khu vực cháy có khả năng dập tắt lửa. Trong trường hợp, vị trí xảy ra cháy khó tiếp cận hoặc đám cháy lan quá nhanh không kiểm soát được bạn nên tìm cách thoát thân. Tìm cách thông báo cho những người, hộ dân xung quanh, cùng tầng ngay bằng cách bấm chuông báo cháy, hô hoán,…Sau đó thật nhanh gọi 114 để nhận được hỗ trợ từ đội phòng cháy chữa cháy. Xác định hướng thoát hiểm Nếu ngọn lửa không xuất phát từ phòng, tầng của bạn thì cần xác định rõ vị trí đám cháy và luồng khói để đưa ra kế hoạch thoát hiểm nhanh nhất cho bản thân và gia đình. Khi xác định được đám cháy xuất phát từ tầng trên thì bạn cần chạy xuống phía dưới. Ngược lại, nếu đám cháy xuất phát ở tầng dưới bạn nên chạy lên tầng thượng. Tuy nhiên, trong trường hợp cửa lên tầng thượng tòa nhà bạn ở bị khóa thì bạn không được chạy lên vì có thể bạn sẽ mắc kẹt ở cầu thang. Tuyệt đối không sử dụng thang máy Khi xảy ra hỏa hoạn, bạn tuyệt đối không được sử dụng thang máy để làm lối thoát hiểm. Vì khi xảy ra hỏa hoạn, nguồn điện có thể đã bị ngắt, khi bạn vào thang máy sẽ dễ bị kẹt trong thang. Trong trưởng hợp này, tốt nhất bạn nên sử dụng cầu thang bộ, đi theo biến báo “EXIT” – lối ra để thoát hiểm. Đồng thời bạn nên thông báo cho hàng xóm ở các căn hộ xung quanh, tầng đó để họ biết đang cháy. Kiểm tra cửa trước khi mở Trong trường hợp, nếu bạn phải mở cửa hãy kiểm tra cửa trước khi mở, bằng cách sờ vào cửa. Nếu nhiệt độ trên cửa quá nóng tuyệt đối không được mở cửa. Khi mở cửa nên tránh mặt, và né người sang một bên đề phòng bị lửa tạt và tránh các tổn thương do chênh lệch áp suất. Dùng chăn ướt quấn quanh người Nếu phải băng qua lửa thì bạn hãy dùng chăn, áo thấm nước ướt trùm lên người. Bò hoặc đi khom người di chuyển tại các vùng có nhiều khói. Nếu có điều kiện, hãy dùng khăn thấm nước để bịt lên mũi, để giúp hạn chế hít phải khí độc. Không nhảy qua cửa sổ Nếu căn hộ bạn ở nằm ở tầng 1 và có vật đỡ phía dưới, bạn có thể xem xét phương án nhảy qua cửa sổ. Các trường hợp khác, tuyệt đối không được nhảy dù bạn có đang hoảng loạn đến đâu. Khi nhảy qua cửa sổ ở tầng cao, chắc chắn sẽ xảy ra tai nạn đáng tiếc. Tìm kiếm chỗ thoáng Đối với trường hợp lửa cháy ở khu vực ngoài hành lang làm cho bạn không có lối thoát ra được, cách duy nhất lúc này là bạn hãy di chuyển đến nơi có không gian rộng hơn, thoáng khí chẳng hạn như ban công. Nhớ đóng kín cửa ban công, chèn khăn ướt để ngăn khói tràn ra. Tìm chỗ ẩn nấp tránh khói Để tránh bị sặc khói, bạn có thể tự tạo ra một chỗ ẩn nấp ngăn khói tràn vào miệng bằng cách dùng một tấm nệm đã làm ướt, đặt nghiêng một góc 45 độ vào thành ban công, sau đó ngồi dưới khoảng trống mà đệm tạo ra. Nếu khói tràn qua cửa ban công sẽ trượt theo tấm nệm và bay lên trên. Làm thang tự chế để tìm cách trèo xuống Nếu nhà không có sẵn thang dây dự phòng, bạn hãy dùng chăn, ga, rèm cửa, quần áo có sẵn trong nhà, buộc chặt lại với nhau thành một sợi dây chắc chắn và cẩn trọng bám vào dây để đu xuống bên dưới. |