Dù 2 mẹ con đã có mối bất hòa từ trước và thường xuyên cãi vã nhau nhưng không ai có thể ngờ chị Đ. lại cùng quẫn để rồi kết thúc cuộc đời trong bi kịch. Đau đớn cho chính bản thân, gia đình và sự tiếc thương, hờn trách từ dân làng.
Người phụ nữ hiền lành, nhiều lần góp ý bất thành với người mẹ mắc chứng hoang tưởng
Ngày 8/12, một ngày sau khi xảy ra sự việc chị Trần Thị Đ. (SN 1982, trú tại thôn Duyên Yên, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) tẩm xăng lên người rồi ôm mẹ là bà Trần Thị M. tự thiêu, đau thương vẫn bao trùm lên cả xóm nghèo.
Ngôi nhà của bà M., nơi chị Đ. tẩm xăng rồi ôm mẹ tự thiêu (ảnh Minh Sơn).
Bà Trần Thị Măng (SN 1964, hàng xóm với bà Trần Thị M.) buồn rầu khi kể lại cho PV về cuộc đời của chị Đ.: “Cái Đ. đúng là số khổ, từ khi lọt lòng đã thiếu đi hơi ấm của cả cha mẹ. Bà M. chỉ có một người con duy nhất là Đ., đó là kết quả của mối tình của bà với một người đàn ông. Mọi người trong làng chẳng biết bố nó là ai.
Khi cái Đ. sinh ra, bà M. bỏ đi biệt tăm. Đ. lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của họ hàng và dân làng. Mãi đến sau này khi Đ. trưởng thành, bà M. mới quay trở về để nhận con và Đ. cũng vui lòng chấp nhận”.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên chị Đ. sớm phải nghỉ học để lao động kiếm kế sinh nhai. Dù là cô gái thôn quê nhưng chị được mọi người đánh giá là xinh xắn, hiền lành, được dân làng quý mến,
Đến tuổi cập kê, chị được một chàng trai cùng thôn đem lòng yêu thương. Mặc cho gia đình ngăn cản, anh vẫn quyết tâm cưới chị về làm vợ. Hai vợ chồng đến nay đã có với nhau 2 người con một trai, một gái ngoan ngoãn.
Hai vợ chồng chị Đ. sinh sống hoàn toàn bằng nông nghiệp. Để phát triển kinh tế, vợ chồng chị bàn nhau thuê một khu đất rộng ngoài bãi để trồng chuối và chăn nuôi nên một vài năm trở lại đây, đời sống cũng đã khá hơn.
Hiện trường vụ án được cơ quan công an niêm phong (ảnh Minh Sơn).
Thế nhưng, mẹ chị là bà M. lại là một bà lão có tính khí khác thường. Bà mắc chứng hoang tưởng nhiều năm nay.
“Nói ra thì cũng chẳng phải là chuyện hay ho gì, tôi với bà M. là chỗ chị em trong họ. Nhà lại sát vách nhau. Trước đây, bà ấy chẳng có nhà cửa, đất cát gì, cuộc sống thì nay đây mai đó. Khi về già bà ấy mới trở về quê hương.
Cái Đ. là phận gái lấy chồng, kinh tế khó khăn nên không giúp đỡ được gì nhiều. Bà ấy được người cháu ruột thương tình mua cho mảnh đất nhỏ vài chục mét vuông rồi xây nhà, hàng tháng còn chu cấp tiền để chi tiêu. Thỉnh thoảng bà ấy cũng ra đồng mò cua bắt ốc để có đồng ra đồng vào.
Khổ một nỗi, bà M. tính nết chẳng giống ai, bà chửi đổng khắp làng, không trừ một ai. Có hôm bà ấy còn ra cả UBND xã để chửi”, bà Măng cho hay.
Không những thế, vì chứng bệnh hoang tưởng nên khi chán chửi bà M. lại hát, có khi đến tận đêm khuya khiến mọi người trong thôn vô cùng bức xúc, khó chịu. Nhưng nghĩ tình làng nghĩa xóm, mọi người không ai gây khó khăn gì cho bà.
Thấy mẹ mình như vậy, chị Đ. rất buồn. Chị đã nhiều lần khéo léo góp ý với mẹ, nhưng bà M. bỏ ngoài tai tất cả. Chán chường, 2 mẹ con đã nhiều lần cãi nhau, xô xát nảy lửa, rồi mọi chuyện lại đâu vào đó, bà M. vẫn không thể thay đổi được tính cách cũng như hành vi của mình.
Chọn cách kết thúc mâu thuẫn gia đình trong bi kịch đầy sự tiêu cực
Những ngày gần đây, mâu thuẫn giữa 2 mẹ con bà M. lên tới đỉnh điểm, cãi nhau rất to, mọi người trong thôn đến can ngăn nhưng không có kết quả. Theo bà Măng, buổi sáng ngày 7/2, chị Đ. có ra chợ khóc nức nở, chị cảm thấy xấu hổ với dân làng vì có một người mẹ có tính cách như bà M.
Bà Măng: Sự việc xảy ra quá nhanh, chúng tôi trở tay không kịp.
Mọi người khuyên chị hãy gạt đi mà sống, hàng xóm còn chịu được thì chị không nên cả nghĩ nhiều quá. Những tưởng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng buổi sáng cùng ngày, chị Đ. sang nhà mẹ và 2 mẹ con lại cãi nhau. Người dân có nghe thấy chị Đ. nói: "Nếu mẹ cứ như thế thì con sẽ tẩm xăng để 2 mẹ con cùng chết!".
Hàng xóm thấy vậy vẫn cứ nghĩ rằng chị Đ. chỉ đe dọa để mong bà M. thay đổi. Nhưng đến hơn 10h sáng ngày 7/2, chị Đ. lại đi xe đến nhà mẹ. Thấy sự việc bất thường, dân làng kéo sang nhà bà M. thì thấy cửa nhà chốt chặt liền hô hoán nhau.
“Nhà tôi đang lúc này xây, tốp thợ bỏ cả việc chạy sang. Khi phá được cửa thì cũng là lúc cái Đ. đã tẩm xăng lên người, ôm chặt mẹ rồi châm lửa đốt. Không ai bảo ai, tất cả lao tới để cứu giúp.
Đến khi đưa được ra ngoài thì Đ. bị bỏng rất nặng chỉ còn thoi thóp thở. Bà M. cũng bị bỏng nặng nhưng không nguy kịch như Đ. Sau đó, chúng tôi đã gọi cấp cứu để đưa cả 2 mẹ con đi bệnh viện Đa khoa huyện Kim Động. Hơn 12h cùng ngày, Đ. tắt thở và được đưa trở về gia đình để lo an táng”, bà Măng bàng hoàng nhớ lại.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Thành Công – Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh, nguyên là Trưởng Công an xã cho biết, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, chính quyền cùng lực lượng Công an xã đã lập tức đến hiện trường, Nhận thấy sự việc mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên đã báo cáo Công an huyện Kim Động và Công an tỉnh Hưng Yên để các đơn vị về xác minh điều tra.
“Về tình trạng của bà M., bà này vẫn đang điều trị tại bệnh viện nhưng tiên lượng xấu, e rằng cũng khó qua khỏi”, ông Công nói thêm.
Khi PV có mặt tại hiện trường nơi xảy ra sự việc, ngôi nhà đã được cơ quan công an tiến hành niêm phong. Tất cả những vật chứng liên quan đến vụ án đã được thu giữ, công an cũng đã tiến hành lấy lời khai của các nhân chứng để phục vụ công tác điều tra.
Cái chết của chị Đ. mang đến sự tiếc thương khôn nguôi cho gia đình và làng xóm. Dân làng không ai bảo ai, đều mang hương hoa đến phúng viếng người phụ nữ bất hạnh. Chị bỏ lại 2 đứa con còn thơ dại cùng người chồng thẫn thờ chẳng nói lên lời.
Nhưng mọi người cũng hờn trách vì chị Đ. đã chọn cách giải quyết mâu thuẫn vô cùng tiêu cực, không ai đáng phải bỏ mạng trong chuyện này. Nỗi đau này khiến những người ở lại ám ảnh, khó phôi pha…