Chuyên gia pháp lý cho rằng từ những hình ảnh trích xuất từ camera cho thấy có cơ sở để xem xét chuyển tội danh của "dì ghẻ" Nguyễn Võ Quỳnh Trang sang Tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự 2015.
Đánh đập suốt 4 tiếng
Ngày 1/1/2022, cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP HCM đã trích xuất camera tại căn hộ nơi bé N.T.V.A (8 tuổi) sinh sống để điều tra vụ án bạo hành trẻ em.
Theo đó, trích xuất camera cho thấy, trong ngày bé V.A được phát hiện tử vong (22/12), từ 14h đến 18h, bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang đã dùng cây gỗ to đánh mạnh rất nhiều lần những nơi trên cơ thể cháu gái như mông, lưng, đầu, trán.
Trong ngày bé V.A được phát hiện tử vong, từ 14h đến 18h, “dì ghẻ” Trang đã dùng cây gỗ to dài cả mét đánh mạnh rất nhiều lần những nơi trên cơ thể cháu gái như mông, lưng, đầu, trán. Ảnh: CACC
Sau đó, Trang lấy chân đạp mạnh vào cháu bé.
Sau đó Trang tiếp tục bắt bé V.A ngồi vào ghế học, nhưng khi bé đang ngồi ghế, Trang dùng chân đạp khiến bé bị ngã.
Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, Trang gọi điện cho Thái về nhà sơ cứu, cùng bảo vệ chung cư đưa bé vào bệnh viện cấp cứu, sau đó bé V.A tử vong.
Tại cơ quan điều tra, Thái cũng đã thừa nhận đã nhiều lần chứng kiến con gái mình bị "dì ghẻ" Trang dùng roi, cây đánh. Có lần Thái cũng cầm cây và đánh con gái nhiều cái.
Có cơ sở để chuyển đổi tội danh của "dì ghẻ"
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, với kết quả từ việc khôi phục camera an ninh căn hộ chung cư nơi xảy ra sự việc cho thấy hành vi này của Trang có dấu hiệu rất rõ ràng của Tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 với lỗi cố ý gián tiếp.
Với những thông tin từ hình ảnh camera đã được khôi phục, cơ quan điều tra có thể chuyển tội danh để khởi tố sang Tội giết người theo khoản 1, Điều 123 với người phụ nữ này.
Theo ông Cường, với hành vi sử dụng cây gỗ to đánh nhiều lần vào những vùng trọng yếu trên cơ thể cháu bé, đối tượng này bắt buộc phải nhận thức được rằng hành vi đó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cháu bé nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra. Đây là hành vi rất điển hình của lỗi cố ý gián tiếp trong tội giết người.
Hành vi rất tàn nhẫn này diễn ra một thời gian dài, liên tục đến 4 giờ đồng hồ khiến cháu bé kiệt sức và thương tích nghiêm trọng nên đã tử vong.
Hành vi cho thấy mục đích gây thương tích, thậm chí có thể tước đoạt tính mạng của cháu bé chứ không phải là mục đích để dạy học hay giáo dục như đối tượng khai nhận trước đó.
Kết quả giám định pháp y cho thấy cháu bé tử vong do phù phổi cấp, trên cơ thể nhiều tổn thương bầm tụ máu, gãy nhiều xương sườn, khu vực phần đầu có vết thương, tụ máu, phù não.
Hậu quả những thương tích này rõ ràng là do hành vi đánh đập tàn nhẫn của đối tượng gây ra.
Với những chứng cứ mới thu thập, kích thước của chiếc gậy gỗ sử dụng làm hung khí đánh cháu bé và vị trí trước gậy gỗ đánh vào là tình tiết quan trọng để xác định hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả do hành vi gây ra.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, gậy gỗ được xác định là hung khí nguy hiểm, là vật cứng, chắc, có khả năng gây ra sát thương nghiêm trọng, thậm chí tức đoạt tính mạng con người nên việc sử dụng khung khí nguy hiểm này để đánh người dẫn đến nạn nhân tử vong thì có thể xử lý về tội giết người.
Về mặt lý luận thì Tội giết người quy định tại Điều 123 được cấu thành bởi hành vi nguy hiểm của đối tượng gây án, xâm phạm đến tính mạng con người.
Hành vi có thể tước đoạt tính mạng nạn nhân với lỗi cố ý (mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra). Lỗi cố ý chia làm 2 loại là "cố ý trực tiếp" và "cố ý gián tiếp".
Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi mà nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muổn hậu quả xảy ra.
Còn với lỗi cố ý gián tiếp là khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra.
Như vậy, với hành vi dùng gậy gỗ đánh liên tục, nhiều lần vào vùng trọng yếu trên cơ thể của cháu bé, đối tượng này hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi của mình có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân.
Có thể đối tượng không mong muốn trước đoạt tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi đánh đập bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra và thực tế cháu bé đã tử vong.
Bởi vậy đây là lỗi cố ý gián tiếp, thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của Tội giết người theo Điều 123. Nếu bị chuyển tội danh sang Tội giết người, Trang sẽ phải phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Trường hợp Trang bị chuyển tội danh, cha của cháu bé cũng có thể bị xem xét xử lý về Tội giết người với vai trò đồng phạm.