Nhằm xóa dấu vết ngay trước ngày bị cơ quan chức năng kiểm tra, bị can Trần Xuân Yến đã mang đĩa CD chứa dữ liệu bài thi gốc ra nghĩa trang tiêu hủy.
Liên quan đến vụ gian lận đề thi ở Sơn La, theo báo Người Đưa Tin, khi có thông tin Bộ GD&ĐT sẽ lên kiểm tra, Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT) lo sợ việc sửa bài thi, nâng điểm cho các thí sinh bị lộ, mặc dù kết quả quét bài thi gốc của thí sinh đã xóa trên máy tính nhưng vẫn có thể khôi phục lại được.
Ngày 18/7/2018, Yến gọi Nguyễn Thị Hồng Nga (Chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT) đến nhà Yến trao đổi và bảo Nga vào mạng tìm kiếm phần mềm để xóa toàn bộ thùng rác trong máy tính để không thể khôi phục lại ảnh bài thi gốc của thí sinh, nhưng Nga bảo sợ mất hết dữ liệu trong máy tính. Vì vậy, Yến bảo Nga sao lưu dữ liệu bài thi trong máy tính ra đĩa CD để đề phòng khi xóa bị mất hết dữ liệu thì sẽ sử dụng các đĩa này để đưa dữ liệu trở lại máy tính.
Bị can Trần Xuân Yến. Ảnh: Người Đưa Tin
Nga đã sao lưu dữ liệu bài thi trong máy tính ra 16 đĩa CD rồi sử dụng phần mềm lấy trên mạng xóa toàn bộ thùng rác trong máy tính. Sáng 19/7/2018, Nga đến phòng làm việc của Yến đưa Yến 2 hộp đựng 16 đĩa CD chứa giữ liệu trên.
Sáng 20/7/2018, khi làm việc với Tổ công tác của bộ GD&ĐT, biết được tổ công tác đã phát hiện việc sao lưu dữ liệu trong máy tính tại thời điểm ngày 4/7/2018 (do Nga đặt lại thời gian của máy tính) nên sau khi làm việc xong, do lo sợ bị xử lý, Yến đã đã mang 2 hộp đựng 16 đĩa CD ra nghĩa trang Nhân dân tỉnh Sơn La đốt, tiêu hủy.
Cơ quan An ninh điều tra đã trưng cầu Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định và kết luận bài thi trắc nghiệm của 44 thí sinh đều bị tẩy xóa. Sau khi đề nghị Bộ GD&ĐT chấm thẩm định, 44 thí sinh đều bị hạ điểm. Trong số này, người bị hạ nhiều nhất tới 26.55 điểm cho 3 môn, điểm thực tế chỉ là Toán 0 điểm, Vật Lý 0.25 điểm, Tiếng Anh 0.2 điểm. 5 thí sinh bị hạ trên 22 điểm, thí sinh có số điểm thấp nhất là 2.2 điểm cho 1 môn.
Tại cơ quan điều tra, bị can Nga khai đã thoả thuận nhận hơn một tỷ đồng để nâng điểm cho bốn thí sinh. Bị can Thuỷ khai đã nhận sửa bài thi nâng điểm cho 4 thí sinh với giá từ 150 đến 270 triệu đồng. Bị can Lò Văn Huynh (Trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng của sở) khai thoả thuận với ông Nguyễn Minh Khoa (nguyên Phó trưởng Công an huyện Mai Sơn, hiện đang là cán bộ phòng PK02 – Công an tỉnh Sơn La) tiền nâng điểm cho mỗi thí sinh là 700 triệu đồng và đã được giao trước 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên khi đối chất, phụ huynh của các thí sinh đều phủ nhận đã đưa tiền để nhờ sửa điểm. Cơ quan điều tra xác định số tiền trên là vụ lợi nên cần tịch thu theo quy định.
Trước đó, theo báo Tuổi Trẻ, vào cuối tháng 5, Công an tỉnh Sơn La đã kết thúc điều tra vụ án gian lận thi cử, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong số 8 bị can, đáng chú ý nhất là ông Trần Xuân Yến, khi bị khởi tố là Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La phụ trách việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, cũng là người có chức vụ, quyền hạn lớn nhất trong vụ án này tính đến nay.
Bảy người khác gồm ông Lò Văn Huynh (trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng của sở), bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng), bà Nguyễn Thị Hồng Nga (Chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng), bà Cầm Thị Bun Sọn (phó trưởng Phòng chính trị - tư tưởng của sở), ông Đặng Văn Thủy (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La), ông Đỗ Khắc Hưng (nguyên trung tá, Phòng an ninh chính trị nội bộ công an tỉnh), ông Đinh Hải Sơn (nguyên thiếu tá, Phòng an ninh chính trị nội bộ).
Cả 8 bị can trên bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015.