Từ ngày con gái có gia đình mới, bà Đăm đã thay con chăm sóc cháu ngoại. Nhiều năm qua, nguồn thực phẩm chính của hai bà cháu chỉ là vài luống rau trước nhà, xoay xở bán lấy tiền mua gạo.
Bà Lương Thị Đăm (SN 1944) hiện đang sống cùng cháu ngoại là bé Nguyễn Tuấn Hưng (13 tuổi) tại căn nhà vách đất cũ kỹ nằm sâu trong thôn Hẩu (xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn). Bố Hưng mất lúc em còn trong bụng mẹ. Đến khi em được 5 tuổi, mẹ cũng lập gia đình mới, em ở với bà ngoại đến nay đã được 7 năm.
Xót cảnh bà ngoại già lo cho đứa cháu mồ côi
Chúng tôi đến thăm nhà bà Đăm vào một ngày mưa tháng 8, khi ấy hai bà cháu đang lúi húi hái rau ngoài vườn. Nhìn thấy có người đến thăm, bà Đăm bước chậm rãi vào sân, nở một nụ cười hiền hậu. Trong khi đó, Hưng bẽn lẽn nép sau lưng bà ngoại, tay ôm rổ rau vừa hái dở.
Chỉ vào luống rau trước nhà, bà Đăm cho biết mỗi ngày, hai bà cháu đều hái rau để đem ra chợ bán, kiếm vài chục ngàn để mua gạo, mắm muối. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Đăm cũng chẳng biết làm cách nào khác để có thêm thu nhập.
“Hai bà cháu tôi có cơm ăn cơm, có cháo thì ăn cháo. Chủ yếu là tôi ăn rau tự trồng, nấu cơm lên là có cái ăn rồi. Lúc nào người ta cho gói mì hay ít đồ ăn thì cũng gọi là đổi bữa. Gạo thì 15 ngày tôi mua một lần, thịt thì phải cả tháng mới dám mua, mà tôi mua chịu khi nào bán rau có tiền thì trả”, bà Đăm nghẹn lời.
Theo bà Đăm, mẹ của Hưng hiện đã có gia đình mới nhưng cũng thường lui tới thăm hai bà cháu. Dù vậy với mức lương ít ỏi từ công việc làm thuê ở xưởng gỗ, chị Táng (42 tuổi) cũng chẳng thể phụ giúp gì được nhiều. Tháng nào dành dụm được ít, chị Táng cũng gửi để bà Đăm cho lo chuyện học hành của Hưng.
Riêng căn nhà vách đất lợp ngói nơi hai bà cháu ở đã được xây hơn 40 năm, tường và mái bị vỡ nhiều chỗ, những hôm mưa dột là hai bà cháu không có chỗ nằm ngủ. “Mỗi khi có bão đến là bà sợ nhà đổ lắm. Hai bà cháu phải chạy chứ, chạy sang ngủ nhờ nhà hàng xóm cũng được vì nhà bà cũ lắm rồi”, bà Đăm tâm sự.
Cứ như vậy suốt 7 năm qua, cuộc sống của hai bà cháu chỉ xoay quanh vườn rau nhỏ. Quần áo và đồ dùng sinh hoạt trong nhà đều là bà Đăm đi nhặt nhạnh hay có người cho mang về dùng. Bé Hưng năm nay học lớp 7, vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên được nhà trường hỗ trợ nhiều từ học phí đến sách vở, đồ dùng học tập.
Nhìn đứa cháu trai gầy còm, từ nhỏ đã thiếu bàn tay chăm sóc của cả cha lẫn mẹ, bà Đăm xúc động nói: "Thằng bé tội nghiệp lắm, nó hiền khô, lúc nào cũng hiếu thảo với bà. Sau này bà chỉ mong nó học giỏi, ráng làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Chỉ cần nó sống đẹp, tử tế là bà mừng lắm rồi".
“Con thương bà lắm, con chỉ sợ một ngày bà không còn nữa..."
Ở tuổi 13, so với bạn bè cùng trang lứa, Hưng có vẻ nhút nhát, kiệm lời hơn, suốt 7 năm qua, cuộc sống của cậu bé sau mỗi buổi tan trường là bên người bà già yếu. Với Hưng, bà Đăm chẳng khác gì người bố, người mẹ thứ 2, lo lắng, chăm sóc cho em từng bữa ăn, giấc ngủ.
Lúc mẹ Hưng mang thai được 4 tháng, bố em đã mất vì sự cố trong lúc làm việc. Em lớn lên mà chưa một lần được cảm nhận tình thương từ bố. Hưng chỉ biết đến bố qua tấm hình cũ để lại và lời kể của bà, của mẹ. Mỗi lần nhắc đến bố em lại òa khóc nức nở, khiến ai thấy cũng nghẹn ngào.
“Con cũng ước có bố như các bạn khác nhưng không được. Lúc thấy bạn bè có bố có mẹ đến đón thì con đi ra chỗ khác thôi… Con ở với bà, con thương bà nhiều lắm vì bà phải trồng rau để nuôi con. Con sợ một ngày bà mất đi, không còn ai ở cùng con nữa", Hưng nghẹn ngào đưa tay quệt nước mắt.
Dù bố đã không còn, mẹ lại có tổ ấm mới nhưng chưa bao giờ Hưng thầm trách mẹ. Đứa trẻ 13 tuổi chỉ biết mỗi ngày cố gắng một chút, lớn thật nhanh, học thật giỏi để đỡ đần cho bà, người mà em yêu quý và kính trọng nhất trên đời.
"Con sẽ cố gắng học thật giỏi, sau này làm bác sĩ để chữa bệnh cho bà. Con cũng ước nhà mình không còn dột nữa, để con và bà không còn bị ướt mưa, có chỗ ngủ đàng hoàng", Hưng thỏ thẻ.
Sống trong cảnh thiếu thốn mọi bề nhưng chưa bao giờ Hưng nản chí, nhiều năm liền em đều đạt Học sinh giỏi. Đó chính là món quà quý giá nhất mà Hưng muốn dành tặng cho bà, người đã hết lòng yêu thương, chăm sóc cho em.
Trong căn nhà xập xệ, hai bà cháu ngồi lại với nhau, bữa cơm chiều hôm nay của 2 bà cháu ngon hơn mọi khi nhờ sự yêu thương, san sẻ của những tấm lòng từ thiện. Ở cái tuổi xế chiều, bà Đăm cũng chẳng còn mong ước gì cao xa, bà chỉ mong có đủ cơm ngày 3 bữa để 2 bà cháu tiếp tục cuộc sống, để bà Đăm được nhìn thấy Hưng ngày một trưởng thành hơn...
Mong rằng chuỗi ngày phía trước, những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với 2 bà cháu, Hưng vẫn được đến trường, nuôi hi vọng vào giấc mơ làm bác sĩ.