Vụ máy bay rơi: Bố bị thương, con trai ra đời sớm

Ngày 11/07/2014 09:54 AM (GMT+7)

Sau những mất mát, hy sinh từ vụ tai nạn máy bay tại huyện Thạch Thất (Hà Nội), giờ đây Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Viện Bỏng Quốc gia là hai địa điểm chứa đầy cảm xúc.

Một trong ba chiến sỹ bị thương nằm tại Viện Bỏng đã có con trai chào đời sớm tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đó là niềm an ủi phần nào những mất mát mà gia đình, thân nhân các anh đang gánh chịu.

Vụ máy bay rơi: Bố bị thương, con trai ra đời sớm - 1

Anh Bính luôn đứng ngoài hành lang Khoa Hồi sức cấp cứu (Viện Bỏng Quốc gia)  ngóng về phía buồng bệnh nơi em trai nằm.  Ảnh: t.h

Nhiều người xin hiến da cứu chiến sỹ bị bỏng

Chiều 10/7, anh Nguyễn Văn Bính, anh trai của chiến sỹ Nguyễn Văn Tuấn – một trong 3 chiến sỹ may mắn còn sống sau tai nạn máy bay hôm 7/7 - có phần phấn khởi hơn về tình hình sức khỏe của em trai mình và 2 chiến sỹ Đinh Văn Dương, Nguyễn Hoàng Anh. Theo anh Bính, từ ngày 9/7, người thân và các đoàn thăm hỏi đều không được vào khu vực điều trị của 3 chiến sỹ. Khoảng cách cách ly cũng được giới hạn ở mức độ cao hơn, không ai còn được vào khu vực ngoài phòng kính trừ bác sỹ, y tá, điều dưỡng trực tiếp chữa trị. Việc này là để lọc khí và đảm bảo tốt hơn về điều kiện chống nhiễm khuẩn cho các chiến sỹ. Không được trực tiếp nhìn thấy người thân của mình nhưng đại diện của cả 3 gia đình đã được các bác sỹ thông báo chuẩn bị tinh thần hiến da để ghép cho các các chiến sỹ đang điều trị. Anh Bính nói: “Dù không biết cụ thể thế nào nhưng tôi nghĩ, sức khỏe các em có dấu hiệu khá hơn thì bác sỹ mới thông báo như vậy!”

Theo anh Bính, đã có rất nhiều người trong gia đình xung phong hiến da cho Tuấn. Anh Bính nghẹn ngào: “Gia đình tôi cũng đã may mắn hơn 18 gia đình khác, giờ có phải làm gì thì bản thân tôi và cả đại gia đình sẽ cố gắng hết mình. Chỉ mong em mau lành”. Anh Bính tâm sự, suốt mấy ngày nay hầu như anh và những người thân của cả 3 chiến sỹ đều không thể chợp mắt. Vừa thấy may mắn vì người thân vẫn còn sống, vừa lo lắng về tình hình sức khỏe của các chiến sỹ, vừa đau đớn nghĩ tới 18 người đã hy sinh trong vụ tai nạn.

Cả 3 gia đình của các chiến sỹ bị thương đều được Viện Bỏng Quốc gia sắp xếp chỗ ở nhưng họ chỉ loanh quanh ở hành lang bệnh viện, ánh mắt hướng về phòng bệnh, mong chờ thông tin và những điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Các gia đình cũng đã biết thời gian truy điệu cho 18 đồng đội của con em mình nên đã đề xuất nguyện vọng được đến viếng những chiến sỹ ấy.

Vợ một chiến sỹ sinh con sớm

Vụ máy bay rơi: Bố bị thương, con trai ra đời sớm - 2

Khoa Hồi sức cấp cứu những ngày này luôn tiếp rất nhiều đoàn đến hỏi thăm sức khỏe của 3 chiến sỹ trong vụ tai nạn.

Một sự kiện trùng hợp khác khiến những người biết được thông tin này đều mang những cảm xúc khó tả. Sáng 9/7, chị Nguyễn Thị Hải, vợ Trung úy Đinh Văn Dương (một trong 3 chiến sĩ bị thương), đã hạ sinh một bé trai, nặng 2,8 kg, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tiếng khóc chào đời của cháu nhỏ đã mang đến niềm vui, sự động viên vô cùng lớn lao cho gia đình và các bác sĩ. Trước đó, các bác sĩ đã hội chẩn và đưa ra quyết định, chị Hải phải mổ sớm 1 tuần so với dự kiến bởi chị đang trong giai đoạn tâm lý bị xáo trộn nên có thể nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi. Giải pháp mổ đẻ sớm nhằm đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con đã được thực hiện thành công. Vợ chồng Trung úy Đinh Văn Dương kết hôn năm 2009 và đã có một cô con gái 4 tuổi. Hiện chị Hải đang làm việc tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 108.

Con trai chào đời trong hoàn cảnh bố đang nằm trên giường bệnh mà lằn ranh giữa sinh – tử thật mỏng manh, có lẽ là nguồn động viên lớn lao nhất cho chị Hải và người thân lúc này. Ai cũng mong rằng, từ niềm vui này, chị sẽ vượt qua được những khó khăn khi chồng mình đang nằm điều trị trong Viện Bỏng.

Hai chiến sỹ đã phải phẫu thuật cắt chi

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành Y sẽ huy động mọi phương tiện, thuốc men và nhân lực tốt nhất để điều trị cho các chiến sỹ bị thương. Một hội đồng các chuyên gia đầu ngành cũng đã tiến hành hội chẩn về tình hình sức khỏe của các chiến sỹ.

Kết luận hội chẩn là tình trạng các nạn nhân trong vụ tai nạn rất nặng, cần đảm bảo thông khí tốt, do đó cần chủ động mở khí quản, sử dụng ống sjoberg số 8; Tích cực nuôi dưỡng bệnh nhân bằng đường tĩnh mạch, kết hợp đường tiêu hóa. Nội soi khí phế quản để chẩn đoán và gắp bỏ mảnh hoại tử đường hô hấp (nếu có); Tiến hành sớm lọc máu liên tục cho 3 nạn nhân; Tăng cường lợi niệu thải độc trên cơ sở bù dịch, cân bằng điện giải; Sử dụng kháng sinh mạnh, phối hợp kháng sinh nhóm ít độc với thận.

Về ngoại khoa, cuộc hội chẩn cũng kết luận phải cắt bỏ hoại tử bỏng sớm, chủ động cắt cụt chi đã bị hoại tử, không còn khả năng bảo tồn...

Về kiểm soát khuẩn, tuân thủ nghiêm ngặt chế độ kiểm soát khuẩn bệnh viện. Đảm bảo vô trùng buồng bệnh mức cao, hạn chế bội nhiễm sau khi mở khí quản và phẫu thuật.

Viện Bỏng Quốc gia đã thực hiện các kết luận của buổi hội chẩn là lọc máu liên tục, cắt bỏ hoại tử bỏng, sử dụng kháng sinh mạnh theo ý kiến hội chẩn, nuôi dưỡng tích cực, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt cho 3 nạn nhân.

Theo thông tin chúng tôi nhận được từ người thân của các chiến sỹ nói trên, chiều 9/7, hai chiến sỹ Đinh Văn Dương và chiến sỹ Nguyễn Hoàng Anh đã phải cắt chi do hoại tử quá nặng.

Việc xác định ADN của 18 chiến sĩ hy sinh trong vụ máy bay rơi ở Hòa Lạc được Viện Pháp y Quân đội hoàn thành kết quả vào chiều 10/7. Lễ truy điệu và lễ viếng tập thể 18 chiến sĩ sẽ diễn ra từ 7h – 11h hôm nay (ngày 11/7). Sau lễ truy điệu, thi hài các chiến sĩ sẽ được đưa về địa phương. Tang lễ được tổ chức tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) do Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng chủ trì.

Theo Hoàng Phương – Quang Thành
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trực thăng rơi ở Hà Nội