Người tiêu dùng (NTD) ở khoảng 20 quốc gia khu vực châu Âu đang “nổi điên” sau khi vụ “treo thịt bò, bán thịt ngựa” vỡ lở.
Những dư âm của năm mới 2013 còn chưa kịp phôi phai trong lòng mỗi người dân khu vực châu Âu và sự kỳ vọng cũng như thể hiện quyết tâm của các chính trị gia khu vực này, năm nay sẽ ổn định kinh tế, quyết tâm làm cơn bão nợ công tan dần.
Nhưng như một cú tát mạnh vào lòng tin của NTD khu vực khi sự cố thịt bò và thịt ngựa lẫn lộn, bán tràn lan trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
Điều tệ hại đó được phát giác và nhanh chóng lan rộng tới gần 20 quốc gia trong khu vực. Thậm chí, Nam Phi – một nước “xa lắc” với châu Âu cũng đang cảnh tỉnh cơ quan chức năng vào cuộc, cẩn trọng với vấn đề thịt bò và thịt ngựa của châu Âu, bảo vệ NTD của mình.
Người dân nhiều nước châu Âu coi ngựa là con vật thân thiết và không ăn thịt. Họ không thể tin mình đã bị lừa ăn thịt ngựa trong khi nhà sản xuất nói đó là thịt bò
Sự việc các doanh nghiệp ở cả Anh, Pháp, Luxembourg, Bỉ, Đức, Hà Lan, Romania… là “nghi án” dính lứu tới sự cố treo thịt bò nhưng bán thịt ngựa diễn ra trong điều kiện, cộng đồng NTD thế giới đang chuẩn bị những bước cuối cùng, chào mừng Ngày Quốc tế vì Quyền lợi NTD 15/3 đang tới rất gần. Điều đó càng làm cho lòng tin của NTD khu vực châu Âu giảm mạnh. Khuấy lên những lo ngại mới của giới chức châu Âu về tính không đường biên, phi quốc gia của quy trình kiểm soát vệ sinh an toàn thức phẩm ngặt nghèo, được cho là hoàn thiện nhất hiện nay.
Trên nhiều diễn đàn và phương tiện thông tin hàng đầu ở châu Âu, các chính trị gia ở cả Anh, Pháp, Romania… đã phải lên tiếng và trấn an dư luận. Cơ quan chức năng của châu Âu cũng đã phải chi tới 3 triệu euro, tương đương với khoảng 3,8 triệu USD để chi cho việc xét nghiệm AND chỉ để phân biệt đâu là thịt ngựa, đâu là thịt bò. Giới phân tích cho rằng, sẽ có một khoảng tiền lớn nữa, các quốc gia ở châu Âu phải chi ra trong thời gian tới chỉ để được ăn thịt bò thật sự.
Khi sự việc nói trên vỡ lở, tới Thủ tướng Anh David Cameron cũng không tin nổi và cho rằng đó là vụ scandal “gian dối ngoạn mục”. Cộng đồng mạng thì chỉ trích giới chức và yêu cầu trị tội thật nghiêm với những doanh nghiệp, những người có liên quan trong vụ dối trá nói trên.
Người dân châu Âu quan niệm, ngựa cũng giống như chó, mèo là con vật gần gũi, thân thiết như người bạn với con người nên họ không mong muốn và kị giết thịt.
Đặc biệt hơn, những con ngựa dùng vào các môn thể thao, được chăm sóc, chữa bệnh bằng loại thuốc phenylbutazone lại càng được bảo vệ và quản lý chặt chẽ hơn.
Người tiêu dùng khu vực đồng EU cũng không thể tin nổi tại sao các doanh nghiệp lại phụ lòng tin của họ và đi ngược với xu hướng tiêu dùng. Ngựa và thịt ngựa từ lâu bị hạn chế tiêu dùng và giết thịt tại nhiều nước Hồi giáo và nhiều nước châu Âu.
Hiện tại, các nhà bán lẻ ở Anh, Thụy Điển, Pháp, Thụy Sỹ, Đức và Hà Lan đã loại bỏ hàng loạt sản phẩm như thịt viên, hamburger, thịt xay và lasagna vì lo ngại có thịt ngựa bên trong.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ ở châu Âu đã chủ động tiêu hủy các sản phẩm thịt ngựa và từ thịt ngựa
Hai chuỗi siêu thị ở Đức là Real và Edeka cho biết hôm thứ Năm rằng họ đã tìm thấy dấu vết thịt ngựa trong lasagne đông lạnh mà họ đã rút khỏi các giá hàng trong khuôn khổ hoạt động đề phòng thực hiện hồi tuần trước.
Ủy viên y tế của Liên minh châu Âu Tonio Borg cũng vừa đưa ra lời kêu gọi toàn bộ 27 nước thành viên EU tiến hành kiểm tra DNA trên các sản phẩm thực phẩm dùng thịt bò.
Trên thực tế, khu vực châu Âu được coi là nơi có quy định về bảo vệ quyền lợi NTD rất chặt chẽ. Quyền của NTD không những được bảo vệ hiệu quả mà còn được tôn vinh và phát huy thế manh. Tuy thế, trong hơn 10 năm qua, khu vực châu Âu vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về nạn làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế khó khăn, khủng hoảng tài chính và nợ công kéo dài, quyền của NTD ở châu Âu đang phải đối mặt nghiêm trọng với nạn làm giả, làm nhái, thu lợi bất chính, trong đó hàng thực phẩm là một vấn đề nan giải.
Hiện tại, EU đã thông qua những quy định bảo vệ quyền lợi của NTD về độ an toàn chung của các sản phẩm được bán ra, các hợp đồng quảng cáo, bán hàng tận nhà, nhãn hiệu.
Để đảm bảo quyền lợi cho NTD, EU tiến hành kiểm tra các sản phẩm ngay từ nơi sản xuất và có các hệ thống báo động giữa các nước thành viên, đồng thời bãi bỏ việc kiểm tra các sản phẩm ở biên giới.
Các tổ chức chuyên nghiên cứu đại diện cho giới tiêu dùng sẽ đưa ra các quy chế định chuẩn quốc gia hoặc cả châu Âu. Hiện, ở EU có 3 tổ chức định chuẩn: Ủy ban Châu Âu về định chuẩn, Ủy Ban Châu Âu về định chuẩn điện tử, Viện Định chuẩn Viễn thông Châu Âu. Tất cả các sản phẩm chỉ có thể bán được ở thị trường này với điều kiện phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn chung của EU, các luật và định chuẩn quốc gia được sử dụng chủ yếu để cấm buôn bán sản phẩm được sản xuất ra từ các nước có những điều kiện sản xuất chưa đạt được tiêu chuẩn của EU.
Quy chế bảo đảm an toàn của EU đối với một số sản phẩm tiêu dùng cũng quy định cụ thể, các loại thực phẩm, đồ uống đóng gói phải ghi rõ tên sản phẩm, nhãn mác, thành phần, trọng lượng tịnh, thời gian sử dụng, cách sử dụng, địa chỉ của nước sản xuất hoặc nơi bán, nơi sản xuất, các điều kiện đặc biệt để bảo quản, để chuẩn bị sử dụng hoặc các thao tác bằng tay, mã số và mã vạch để dễ nhận dạng lô hàng.