Các luật sư cho rằng, ngoài nhân viên đưa đón, cơ quan điều tra cần làm rõ trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp và cả ban giám hiệu nhà trường.
3 người không làm tròn bổn phận
Ngày 31/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, vẫn đang tạm giam đối với Phương Quỳnh Anh (SN 1986, là nhân viên đưa đón học sinh Trường Mầm non Hồng Nhung 2) để điều tra về tội “Vô ý làm chết người”, quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự.
Hai hôm trước, Công an TP Thái Bình thông tin 6h20 ngày 29/5, tài xế Nguyễn Văn Lâm (SN 1965, trú tại phường Quang Trung) lái ô tô 29 chỗ cùng Phương Quỳnh Anh làm nhiệm vụ đưa đón trẻ mầm non từ nhà đến Trường Mầm non Hồng Nhung 2 (xã Phú Xuân, TP Thái Bình), trong đó có cháu T. G. H. (SN 2019, ở huyện Vũ Thư).
Tuy nhiên, đến 17h cùng ngày, người thân đến trường đón không thấy bé H. nên báo cáo nhà trường tìm kiếm, sau đó phát hiện cháu vẫn ở trên xe đưa đón học sinh của trường. Mặc dù cháu bé được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu nhưng tử vong.
Kết quả khám nghiệm tử thi cháu T. G. H. bước đầu cảnh sát nhận định, ở trên ô tô đưa đón của nhà trường trong thời gian dài, thời tiết nắng nóng, sức lực cháu suy kiệt, kết hợp với không gian hẹp dẫn đến suy hô hấp.
Chia sẻ quan điểm sau vụ việc, cô Nguyễn Thị Liên (giáo viên chủ nhiệm lớp 1, một trường tiểu học tư thục) cho biết, thông thường nhà trường có quy định chặt chẽ về quy trình giao nhận học sinh mỗi ngày.
Cụ thể, ngay từ đầu năm học, giáo viên lập danh sách những học sinh đăng ký đi xe đưa đón và danh sách học sinh bố mẹ tự đưa đón. Hai danh sách luôn được để trên bàn dạy học của giáo viên để tiện liên hệ mỗi ngày.
Đối với những em đi xe đưa đón của trường, khi đến điểm trả đầu giờ sáng, theo quy định, cô giáo quản lý sẽ phải kiểm tra xe một lượt rồi lái xe mới rời đi. Đó là bước quan trọng nhà trường yêu cầu không được phép bỏ qua nhằm phòng trừ trường hợp có học sinh ngủ quên.
Ở lớp, đúng 8 giờ kém 15 giáo viên chủ nhiệm sẽ điểm danh học sinh rất nghiêm ngặt. “Cô thường quen chỗ ngồi từng em nên thấy ghế bạn nào trống cô sẽ liên hệ ngay với phụ huynh để hỏi lí do. Có những em không đi xe đưa đón nhưng đến giờ vào lớp chưa thấy có mặt, cô cũng liên hệ phụ huynh để nắm thông tin. Việc điểm danh sĩ số học sinh hằng ngày cũng sẽ được báo cáo để báo cơm nhà bếp”, cô Liên nói.
Ông Nguyễn Xuân Khang (Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie Hà Nội) cũng cho biết, để tổ chức hoạt động xe đưa đón học sinh, nhà trường quy định chặt chẽ, giao trách nhiệm từng người trong chuỗi quy trình.
Đối với giáo viên chủ nhiệm, đầu giờ sáng có trách nhiệm phải điểm danh, hôm nay bao nhiêu em có mặt, bao nhiêu em vắng và lí do là gì. Nếu học sinh vắng mặt chưa biết lý do, giáo viên chủ nhiệm phải liên lạc với phụ huynh để biết em đang ở đâu. Việc này chỉ mất ít phút đầu giờ sáng nhưng rất quan trọng vì có thể con đang gặp một sự cố nào đó, thầy cô, bố mẹ có thể kịp thời xử lý.
Cũng theo ông Khang, sự việc đau lòng vừa xảy ra ở Trường mầm non Hồng Nhung 2, Thái Bình có 3 người trực tiếp phải chịu trách nhiệm, vì nằm trong quy trình đưa đón học sinh đó là: lái xe, cô đưa đón học sinh và giáo viên chủ nhiệm.
Trong đó, người lái xe đã bỏ qua khâu không kiểm tra một lượt người còn trên xe hay không đã khoá cửa xe đi về.
Cô đưa đón học sinh cũng bỏ qua khâu quan trọng nhất trong quy trình đưa đón đó là điểm danh, kiểm tra số lượng học sinh xuống xe dẫn đến tình trạng quên một trẻ trên xe.
Đối với giáo viên chủ nhiệm, đã có hành động chụp ảnh điểm danh nhưng lại không liên lạc với gia đình khi thấy học sinh vắng mặt không lí do. Rất đáng tiếc, cả 3 người này đều không làm tròn bổn phận, trách nhiệm được giao.
Cần làm rõ trách nhiệm của cả ban giám hiệu
Phân tích pháp lý vụ việc với PV Tiền Phong, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) cho hay, cơ quan điều tra cần làm rõ: Quy trình đưa đón học sinh của Trường Mầm Non Hồng Nhung 2, được thực hiện ra sao; trách nhiệm của tài xế xe, nhân viên đi cùng thực hiện tới đâu; khi phát hiện cháu bé không có mặt tại lớp, giáo viên chủ nhiệm có biết hay không, có báo cho nhà trường và phụ huynh… Để từ đó, xác định hành vi phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Cường, nếu trường hợp “nhiều người cùng có lỗi” dẫn đến cháu bé tử vong thì tất cả có thể bị xử lý về tội “vô ý làm chết người”. Người đứng đầu, người quản lý cơ sở giáo dục cũng có dấu hiệu liên đới tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Luật sư Cường cho rằng, bước đầu, cơ quan chức năng có thể tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở giáo dục cho đến khi đánh giá được sự việc, làm rõ vai trò, trách nhiệm và yếu tố an toàn trong quá trình đào tạo, chăm sóc học sinh.
“Có thể thấy việc đưa đón học sinh là một quá trình đòi hỏi có quy tắc đảm bảo an toàn. Người thực hiện việc đưa đón phải là những người có trình độ, kĩ năng chuyên môn tốt, có trách nhiệm và tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn. Để giảm thiểu những vụ việc đau lòng, các cơ sở giáo dục cần có quy trình đưa đón học sinh khoa học, hợp lý, thường xuyên tổ chức tập huấn cho những người tham gia”, luật sư Cường bày tỏ.
Cùng phân tích, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) nêu quan điểm, ngoài nhân viên Phương Quỳnh Anh đã bị tạm giữ, cơ quan điều tra cần làm rõ hành vi của cô giáo chủ nhiệm lớp và cả ban giám hiệu nhà trường.
“Tôi không hiểu tại sao cô giáo chủ nhiệm không thấy học sinh của mình đến lớp cũng không có mối liên kết nào với người thân gia đình để làm rõ vì sao cháu vắng mặt; trách nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường đã tập huấn cho giáo viên, nhân viên trường như thế nào trong quy trình đưa đón học sinh, điểm danh sĩ số lớp?”, luật sư Giáp băn khoăn đặt nhiều câu hỏi.
Luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho hay, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm của nam tài xế.
Theo luật sư Bình, đây là vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, cơ quan chức năng ở Thái Bình cần sớm làm rõ, đưa những người liên quan ra xét xử nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa.
Trước đó, hồi tháng 8/2019, một học sinh lớp 1 đã tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón, xảy ra tại trường Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội). Đến 11/8/2020, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên án các bị cáo Nguyễn Bích Quy (nhân viên giám sát trên xe của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải và Du lịch Ngân Hà - Công ty Ngân Hà) 21 tháng tù về tội "Vô ý làm chết người"; Doãn Quý Phiến (lái xe đưa đón học sinh Trường tiểu học Gateway) 10 tháng tù về tội "Vô ý làm chết người"; Nguyễn Thị Thủy (giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, Trường tiểu học Gateway) 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". |