Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ, vô cùng buồn và đau lòng trước những vụ bạo hành trẻ. Riêng vụ bé 15 tháng tuổi ở Quảng Bình là vấn đề nghiêm trọng và nên để cơ quan công an vào cuộc.
Liên tiếp những vụ việc bạo hành trẻ mầm non diễn ra thời gian qua khiến dư luận hoang mang, lo lắng khi giao con trẻ cho các cơ sở giữ trẻ tư thục tại nhiều địa phương.
Vụ việc mới đây nhất là ngày 5.10, chị Hằng - mẹ bé C.H.P.L (15 tháng tuổi) đã chia sẻ trên Facebook cá nhân việc con trai chị bị cô giáo nhóm lớp Mầm non tư thục Sơn Ca (ở TP.Đồng Hới, Quảng Bình) trói tay chân, nhét giẻ vào mồm gây bức xúc dư luận.
Phát biểu về thực tế này ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ông thực sự buồn khi chứng kiến hình ảnh được đăng tải.
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Bá Minh cho rằng, với những trường hợp sai phạm nêu trên các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm và quy trách nhiệm cho từng con người cụ thể.
Đây là vấn đề cần nhìn nhận, đánh giá tổng quan. Tuy nhiên về chỉ đạo, Bộ luôn nhắc nhở yêu cầu địa phương trong nhiệm vụ đầu năm ở các cơ sở mầm non khi nhận các cháu vào 2-3 tuần đầu tiên các cháu chưa thích nghi môi trường mới, lớp học mới nên hay khóc, đòi về với bố mẹ.
"Cô giáo cư xử như vậy hoàn toàn không bình thường. Theo những gì tôi biết nhóm lớp này chưa được cấp phép. Đây là điều cần lưu ý", ông Minh nhấn mạnh.
Còn nhớ vụ việc đau lòng cách đây 2 năm ở TP.HCM - cũng là một cơ sở chưa được cấp phép. Ngay sau đó Bộ có làm việc nhiều bộ ban ngành, Sở giáo dục các tỉnh, một số hội thảo hội nghị thực hiện chia sẻ kinh nghiệm và lồng ghép đi kiểm tra địa phương.
Kết quả đã có các văn bản chỉ đạo, yêu cầu ghi rõ trách nhiệm của địa phương, của cơ sở, chủ nhóm lớp, các trường mầm non, cảnh sát khu vực, các tổ chức xã hội trong tăng cường quản lí giám sát các cơ sở và nhóm lớp mầm non.
"Hai năm nay nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương nên tình hình đã có nhiều biến chuyển rõ rệt, chúng ta đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong đảm bảo an toàn cho trẻ. Nhưng vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra ở Quảng Bình thực sự rất đau lòng", Vụ trưởng vụ Giáo dục mầm non bày tỏ.
Bảo mẫu hành hạ trẻ ở Quảng Bình.
Ông Minh cũng chia sẻ thêm: "Các trường phải có giai đoạn giúp trẻ làm quen, sự phối hợp nhà trường - phụ huynh giai đoạn này rất quan trọng. Nhà trường với các cháu khó thích nghi, hay khóc giáo viên phỉa tìm hiểu thông qua phụ huynh xem ở nhà các cháu có khó khăn gì, sở thích nào để giúp trẻ tham gia các hoạt động giúp các cháu vui thích để đỡ khóc.
Theo phân cấp quản lí trường mầm non thuộc trách nhiệm quản lí của UBND huyện, quận và người trực tiếp đề xuất là hiệu trưởng.
Với trường hợp ở Lạng Sơn, cô giáo đã sai lầm về kĩ năng và phương pháp xử lí tình huống trầm trọng. Ở nhóm trẻ này cần bố trí giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong giao tiếp, cư xử với trẻ nhỏ. Còn vụ bạo hành trẻ ở Quảng Bình là vấn đề trầm trọng và nên để cơ quan công an vào cuộc".