Nhiều lời đồn, thi thể trong lăng chỉ là 1 tượng sáp. Sự thực như thế nào?
Xác ướp của Lenin được nhiều người viếng thăm hơn so với bất kì xác ướp nào trong lịch sử. Đó không chỉ là điểm đến của khách du lịch, mà còn là tác phẩm nhân tạo mang tính văn hóa và đặc biệt có giá trị to lớn về mặt chính trị.
Lăng mộ của Lenin ở Quảng trường Đỏ, Mát-xcơ-va chính là điểm đến nổi tiếng nhất của Liên bang Nga. Đây cũng là biểu tượng tinh thần cho lí tưởng chính trị của chính quyền Xô-viết. Có khoảng 150 triệu người đã ghé thăm nơi này từ khi xây dựng. Bạn phải đi theo cả hàng dài đợi bên ngoài, nhưng vào bên trong vẫn còn phải đi thêm 20-30 phút nữa trong những hành lang dài âm u. Và cứ thế bước tiếp, đi quanh 3 cạnh chiếc quan bằng kính – nơi Lênin đang nằm với khuôn mặt xám, bộ râu rậm cùng chiếc áo khoác kèm chiếc cà vạt chấm bi.
Cái chết của vị lãnh tụ
Vào hồi 18h50 tối ngày 21/1/1924, Vladimir Ilyich Lenin, vị lãnh tụ đầu tiên của Liên bang Xô-viết và người cha của đất nước, bị đột quỵ và qua đời.
Trước khi ra đi, Lenin chỉ yêu cầu một đám tang đơn giản và được chôn bên cạnh mẹ và người em gái trong khu nghĩa trang của gia đình. Tuy nhiên, sau khi những người đứng đầu Xô-viết họp mặt, bộ chính trị đã ra những sắc lệnh sau:
Quan tài chứa xác ướp của V.I.Lenin sẽ được giữ trong một khu hầm mộ mái vòm để tiện việc thăm quan
Khu hầm mộ sẽ được xây dựng bên tường của cung điện Kremlin ở quảng trường Đỏ bên cạnh những ngôi mộ chung của những chiến sĩ xả thân trong Cách mạng tháng 10. Một hội đồng sẽ được lập ra để lo việc xây dựng lăng.
Hầm mộ mái vòm được đào dọc theo bức tường điện Kremlin, một căn nhà gỗ tạm được xây chồm lên để tránh các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng, và thi thể của Lenin được đặt phía bên trong đó.
Lăng mộ đầu tiên của Lenin (1924)
Lăng mộ thứ 2 của Lenin được xây bằng gỗ và tồn tại trong 5 năm
Trong khi đó, những lực lượng bí mật đi tập trung những nhà khoa học hàng đầu để tìm cách bảo quản thi thể Lenin mãi mãi. Một chiếc xe điện được di chuyển vào phía trong quảng trường Đỏ và được lắp đặt đầy đủ giường, bếp nấu và bồn rửa, để phục vụ những nhà khoa học nghỉ ngơi khi mua đông đến.
Định hình xác ướp
Bảo quản thi thể Lenin nguyên dạng không phải đơn giản. Bệnh tật đã tàn phá cơ thể ông những năm cuối đời, khiến vị lãnh tụ trông rất nhợt nhạt và hốc hác. Và từ lâu rồi, không có ai thử bảo quản thi thể mãi mãi cả, nên việc nghiên cứu hoàn toàn phải bắt đầu từ con số không. Trong khi đó, thì thi thể vẫn tiếp tục bị phân hủy.
Ngay sau đó, thi thể của Lenin được bảo quản lạnh để giảm tốc độ phân hủy, và cuối cùng đến tháng 6 thì các nhà khoa học cũng thành công “ổn định” thi thể.
Nhà sử học Robert Payne viết trong cuốn “Cuộc đời và Cái chết của Lenin” rằng: “Trong bốn tháng rưỡi đó, thi thể đã thay đổi nhiều: ông ấy trông xám như sáp và co rúm đến khó tin.” Nhưng đến tháng 8/1924, thi thể Lenin đã được sửa sang để mang ra trưng bày trước công chúng.
Việc cải thiện diện mạo sau khi chết của Lenin còn kéo dài hơn 25 năm sau đó. Công việc được giao cho Viện nghiên cứu Cấu tạo sinh học và phòng Nghiên cứu thuộc Lăng Lenin (phương Tây không hề biết đến sự tồn tại của hai nơi này cho đến khi Liên bang Xô-viết sụp đổ).
Để tránh việc thi thể bị phân hủy, nhiệt độ trong lăng luôn ở mức 15 độ C. Độ ẩm không thay đổi. Mỗi thứ 2 và 6, lăng sẽ đóng cửa và một thành viên đầu não của Viện nghiên cứu (thường là những người đã làm công việc này hai mươi năm hoặc hơn thế rồi mới được động vào thi thể) sẽ đến cởi bỏ trang phục của Lenin và kiểm tra xem có đấu hiệu của việc thoái hóa không.Họ cũng cẩn thận loại bỏ mọi bụi bẩn bám trên thi thể; rồi sau đó bôi một loại thuốc mỡ bảo quản lên da. Tiếp đó, thi thể sẽ lại được mặc lại quần áo và đem vào trưng bày.
18 tháng một lần, thi thể sẽ được ngâm và tiêm hóa chất để loại bỏ nước và vi khuẩn trong các tế bào và tránh phân hủy. Vậy loại hóa chất nào được sử dụng? Gần như không ai biết được – kể cả đến ngày nay, “công thức” đó vẫn được bảo vệ kĩ càng như công thức của Coca-cola. Chỉ có tám thành viên cao cấp nhất của Viện nghiên cứu biết được công thức đó. Khi quá trình được hoàn tất, thi thể sẽ được mặc một bộ quần áo dệt tay hoàn toàn mới.
Vào năm 1996, hơn năm năm sau khi đế chế Xô-viết sụp đổ, thi thể của Lenin vẫn được trưng bày ở quảng trường Đỏ. Việc mở cửa lăng vẫn được duy trì – vì xác ướp cần được chú ý liên tục và rất nhiều tiền của để bảo quản. Nhưng đối với nhiều người, nó đã trở thành biểu tượng chính trị mà Stalin đã hướng đến và chính phủ Nga vẫn e ngại rằng việc chôn cất Lenin có thể ảnh hưởng xấu đến chính trị nước này. 72 năm sau khi qua đời, Lenin vẫn luôn là tượng đài chính trị không thể phá bỏ.
Lăng mộ Lenin ngày nay
Những sự thật về xác ướp Le Nin
Các nhà khoa học của Xô-viết vẫn luôn cố gắng hoàn thiện kĩ thuật bảo quản cho đến những năm 1950, đúng thời điểm Joseph Stalin qua đời. Ông cũng được ướp xác và đặt cạnh Lenin. 8 năm sau đó, Nikita Khrushchvec đã yêu cầu chuyển xác Stalin đi và chôn trong một ngôi mộ hiện đại hơn dọc theo bức tường điện Kremlin.
Thi hài Stalin ngay bên cạnh Lenin
Chính quyền Xô-viết sụp đổ khiến ngân sách bị cắt giảm, Viện nghiên cứu Cấu tạo sinh học phải cung cấp dịch vụ ướp xác rộng rãi. Cả quá trình ướp xác kéo dài trong một năm, loại bỏ tất cả các cơ quan bên trong và tốn khoảng 500 ngàn đô la Mỹ.
Một nhân viên cho biết “Cái giá chính xác còn tùy thuộc vào tình trạng thi thể, nhưng công nghệ của chúng tôi là hàng đầu.” 500 ngàn đô đó chỉ là chi phí ướp xác, còn để xây dựng lăng mộ với nhiệt độ và độ ẩm đảm bảo thì được ước tính khoảng 5 triệu độ, chưa tính chi phí thuê nhân viên mãi mãi.
Năm 1924, não bộ của Lenin được chuyển đến Viện nghiên cứu Não bộ thuộc Xô-viết – một tổ chức đặc biệt được thành lập để quyết định xem não của vị lãnh tụ có gì khác biệt so với người thường.
Và như dự đoán, năm 1936, kết quả đạt được là: Bộ não họat động ở mức độ cao, thậm chí trong thời gian Lenin mắc bệnh, nó vẫn luôn hoạt động rất tốt”. Tuy nhiên, đó chỉ là thông tin mang tính tuyên truyền. Vào năm 1994, giám đốc Viện nghiên cứu Não bộ đã thừa nhận: “Trong cấu trúc não bộ của Lenin, không có gì đặc biệt cả.”
Xác ướp là thật?
Thi thể của Lenin được trưng bày trong lăng mộ có phải là thật? Câu trả lời chính thức là có. Nhưng cuối những năm 1920 và 1930, những tin đồn rộ lên rằng những người tham gia bảo quản thi thể đã thất bại.
Theo như lời đồn thì thi thể trong lăng chỉ là một tượng sáp. Lời đồn này lam rộng khiến cho chính quyền Xô-viết phải mở một cuộc “điều tra” và mời một vị bác sĩ người Đức vào cuộc để thông cáo những phát hiện của ông tới thế giới. Nhưng nó chỉ khiến nghi ngờ càng tăng lên.
Theo như Payne tiết lộ, vị bác sĩ người Đức không được phép làm gì ngoài kiểm tra lướt qua. Ông cho biết, bản thân đã chạm vào làn da lạnh cóng của thi thể, chạm vào má, và thử nhấc một cánh tay của Lênin. Ông cũng yêu cầu xem công nghệ bảo quản đó nhưng được trả lời đó là bí mật và nó sẽ được công bố trong ba đến 4 năm nữa nếu họ có thể chứng minh nó có tác dụng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa ai được biết về công thức đó.
Và kể cả sau khi chính quyền Cộng sản ở Nga sụp đổ, không một ai (trừ chính phủ) biết chắc chắn rằng cái xác ướp kia là thật hay giả.