Sài Gòn tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về: Người dân sắm bếp gas mini, bát đũa...tự nấu ăn

KHAI TÂM - Ngày 09/07/2021 14:40 PM (GMT+7)

Người dân Sài Gòn tìm cách thích nghi trước quyết định tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về để phòng dịch.

Từ 0h ngày 9/7, TP.HCM tạm dừng các hoạt động bán vé số, xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ, dịch vụ ăn uống mang về (nghĩa là các cơ sở kinh doanh dịch vụ, ăn uống dừng hoạt động)… nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, quyết định tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về nhận được sự quan tâm lớn từ người dân cả nước nói chung và người dân TP.HCM nói riêng. Nhiều người ủng hộ quyết định của lãnh đạo thành phố, nhưng bên cạnh đó cũng có những ý kiến băn khoăn, với trường hợp người dân ở trọ, những người không có điều kiện nấu nướng thường xuyên phải ăn hàng quán, họ sẽ thu xếp ra sao?

"Suốt thời gian qua mẹ con tôi “sống nhờ” vào các hàng quán, giờ..."

Chị Hương Nguyễn (32 tuổi) – hiện sinh sống tại chung cư K. (quận 9, TP.HCM) cho biết, chồng chị công tác xa nhà, từ ngày đầu tiên khi dịch COVID-19 đợt 4 bùng phát đến giờ anh vẫn chưa về nhà. Vì thế, chị một mình vừa làm việc online tại nhà vừa chăm 2 con trai nhỏ: 7 tuổi và 9 tháng tuổi.

Chị kể: “Dịch COVID-19 đợt 4 diễn ra, tôi vẫn trong thời gian nghỉ thai sản. Sau đó, tôi đi làm lại thì công ty cho làm việc tại nhà. Tôi vừa làm việc vừa chăm sóc cho 2 đứa nhỏ, rất cực và vất vả nhưng không biết xoay như thế nào bởi không tìm được người giúp việc. Nhiều hôm tôi chỉ kịp chuẩn bị đồ ăn cho bé út thì vào giờ làm, còn thằng lớn đều ăn đồ ăn sáng gọi từ ngoài về. Đến trưa hoặc tối, tôi không có thời gian nấu nướng cũng đều lên mạng đặt rồi nhờ shipper đem đến. Thực sự, suốt thời gian qua mẹ con tôi “sống nhờ” vào các hàng quán”.

Chung cư K. nơi gia đình chị Hương sinh sống đã có ca F0. Ảnh: NVCC.

Chung cư K. nơi gia đình chị Hương sinh sống đã có ca F0. Ảnh: NVCC.

Bởi vậy, khi TP.HCM có lệnh tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về, chị Hương vô cùng lo lắng không biết 15 ngày tới sẽ phải “chống chọi” ra sao với những bữa ăn hằng ngày. “Nhiều người nói tôi lười biếng nhưng phải ở hoàn cảnh này thì mới thấu hiểu được hết khó khăn khi vừa làm việc tại nhà vừa trông con. Hôm qua, tôi đã ra siêu thị mua rau quả, thịt cá… để nay tranh thủ nấu ăn cho các con. Tôi tính bữa nào bận quá thì nhờ chị gái ở tòa nhà bên cạnh nấu giùm rồi qua đó lấy về. Tôi biết mình sẽ cực hơn nhưng vì sức khỏe của toàn dân Sài Gòn đành cố gắng”, người mẹ 2 con tâm sự.

Cũng theo chị Hương, Sài Gòn có vô số người vô gia cư, hoàn cảnh khó khăn – họ là những người lao đao nhất khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chị hi vọng mạnh thường quân sẽ cưu mang và giúp đỡ họ. “Dù thành phố tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về nhưng may sao các hoạt động từ thiện như phát cơm, vận chuyển hàng hóa vẫn được duy trì. Nhờ đó người nghèo vẫn được ăn no trong suốt 15 ngày tới đây. Mọi người hãy cố lên để thành phố “đánh bay” COVID-19”, chị Hương nói.

Bà mẹ 2 con chuẩn bị hoa quả cho các con trong những ngày giãn cách xã hội.

Bà mẹ 2 con chuẩn bị hoa quả cho các con trong những ngày giãn cách xã hội.

Mua bếp gas mini, bát đũa để nấu ăn tối

Anh Hoàng Cấp (30 tuổi, quê Quảng Trị) – đang làm việc tại TP.HCM cho hay, anh sống một mình, trưa ăn cơm ở công ty và tối thường ăn ngoài. Khi thành phố thực hiện Chỉ thị 10, cấm hoạt động ăn uống tại quán, chỉ bán mang về, anh phải gọi đồ ăn thông qua ứng dụng. Do đó giờ anh không biết phải làm sao khi các cửa hàng ăn uống đóng cửa.

“Gần 5 năm sống ở Sài Gòn, tôi đều ăn ở ngoài vì sống một mình, lại là đàn ông nên ngại chuyện nấu nướng. Tôi không sắm sửa bếp núc gì cả, vì vậy qua giờ cảm thấy lo vô cùng. Tôi có thể ăn mì gói một tuần chứ nửa tháng chịu sao nổi? Có lẽ tôi sẽ ra siêu thị mua bếp gas mini, vài cái bát đôi đũa để tối về nấu cơm ăn. Tôi sẽ coi đây là quãng thời gian để bản thân học nấu ăn", anh Cấp chia sẻ. 

Bếp gas mini là một trong những món đồ cứu nguy cho anh Cấp khi các hàng quán đóng cửa.

Bếp gas mini là một trong những món đồ cứu nguy cho anh Cấp khi các hàng quán đóng cửa.

Cũng giống như anh Cấp, rất nhiều người “mắc kẹt” ở Sài Gòn không có điều kiện nấu nướng bắt đầu tìm mua xoong nồi, bếp gas, bát đũa, ấm siêu tốc... để phục vụ bữa ăn hàng ngày trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16. Không ít người mong các đoàn từ thiện đến nơi mình ở phát từng suất cơm để không phải lo lắng về cái ăn trong 15 ngày tới. 

Chủ quán ăn đóng cửa, khó khăn chồng chất khó khăn

Chị Tin La (43 tuổi, quận 4) – kinh doanh bún bò Huế cho biết, sáng nay khu phố nơi chị sinh sống bình yên đến lạ thường. Con đường vắng vẻ không một bóng người qua lại, tiếng rao mời mua bánh trái không còn như mọi ngày; nhà nhà đóng cửa cài then… Tất cả tuân thủ đúng Chỉ thị 16.

“Lâu lắm, Sài Gòn mới yên ắng đến vậy nhưng khó khăn chồng chất khó khăn cho người dân. Hôm nay, tôi cũng phải đóng cửa quán bún bò và nín thở chờ đợi 15 ngày nữa mở cửa lại.

Chị Tin La mong Sài Gòn sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Chị Tin La mong Sài Gòn sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Từ ngày Sài Gòn có dịch, quán bán chậm hẳn nhưng tôi vẫn cố duy trì vì đầu tư bao tiền của vào nó. Nay tôi đóng cửa, thực hiện đúng chỉ thị của UBND thành phố mặc dù cũng buồn lắm. Tôi chỉ mong sao trong 15 ngày tới, toàn thành phố sẽ ổn để người dân quay trở lại ổn định cuộc sống, chứ thời gian qua mọi người khó khăn lắm rồi”, chị Tin La bày tỏ.

Mặc dù khó khăn là vậy nhưng chị Tin La khẳng định, có một niềm vui không bao giờ “thuyên giảm” ở Sài Gòn – đó là tình người của người Sài Gòn. Chị bảo chưa bao giờ thành phố có nhiều hoạt động thiện nguyện như thời điểm này – lá rách đùm lá nát. “Tôi chắc chắn rằng hàng quán có đóng cửa thì người nghèo sẽ không bao giờ đói ăn. Bởi ngoài kia vẫn có hàng nghìn người mang tấm lòng rộng mở, sẵn sàng chung tay “cưu mang” người nghèo”, người phụ nữ 43 tuổi vui vẻ nói.

Sài Gòn tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về: Người dân sắm bếp gas mini, bát đũa...tự nấu ăn - 5Nguồn Infographic: PLO

Nguồn Infographic: PLO

Infographic: TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9-7 như thế nào?
Từ 0 giờ hôm nay (9-7), TP.HCM tạm dừng các hoạt động bán vé số, dịch vụ ăn uống mang về, xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ... Những trường hợp...

Dịch COVID-19

KHAI TÂM
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức TP.HCM