Xót xa làm mẹ tuổi teen: “Sao con lại là mẹ nó”?

Ngày 08/09/2014 15:41 PM (GMT+7)

“Ôi đau quá, mẹ ơi! Sao các cô lại bắt cháu nằm ở đây?” - Nằm trên bàn đẻ, cô bé Thắm, 14 tuổi (ở Kiến An, Hải Phòng) gào khóc gọi mẹ. Chỉ đến khi bác sĩ cho chị Hương, mẹ của cháu vào, cô bé mới thôi gào hét vì sợ hãi…

Đưa con vào viện cả nhà ngã ngửa

Khuôn mặt bạc đi vì lo lắng, buồn bã, chị Hương bồng đứa cháu đỏ hỏn trên tay mà nước mắt lã chã rơi: “Giờ em biết phải làm thế nào với mấy đứa trẻ này đây? Con em rồi sẽ ra sao?”.

Chị Hương chưa hết bàng hoàng vì được lên chức bà ngoại ở tuổi 32. Trong lời kể đứt quãng của chị, mọi người xung quanh mới biết bé Thắm không có cha: “18 tuổi em có thai với một anh cùng làng. Đến khi biết mình mang thai thì anh ấy đã lên Hà Nội học đại học. Vì chúng em còn quá trẻ nên bố mẹ anh ấy không đồng ý, em đành bất hiếu với cha mẹ “không chồng mà chửa” nuôi con đến tận bây giờ”, chị nói. Cách đây 2 tháng, con chị bị ngất trong một chuyến dã ngoại leo núi với bạn bè. Đưa con vào bệnh viện, cả nhà ngã ngửa khi bác sĩ thông báo Thắm đã có thai được 28 tuần. Vì cái thai đã to, nếu phá bỏ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng nên bà ngoại và mẹ Thắm chỉ còn biết kêu trời, đợi đến ngày cháu sinh con. Hỏi ai là tác giả của cái thai thì con bé nhất định không nói vì: “Con sợ nói ra, bạn ấy sẽ phải đi tù”.

Xót xa làm mẹ tuổi teen: “Sao con lại là mẹ nó”? - 1

Cha mẹ cần chia sẻ các kiến thức về SKSS phù hợp để tránh những bi kịch vì mang thai sớm.  Ảnh: TL

Cũng sinh con khi vừa bước qua tuổi 15, Ngân Hà (quận 3, TP Hồ Chí Minh) phải nghỉ học. Mẹ em cho biết: “Từ khi sinh con, nó quay ra giận tôi vì không bảo nó là nếu làm “chuyện ấy” sẽ phải khổ thế này. Nó để thằng bé nằm lăn lóc, không bao giờ bế ẵm hoặc cho con bú. Hở ra là nó đi theo đám bạn lêu lổng đã nghỉ học. Có hôm tôi ốm, bảo nó quấy bột cho con ăn, nó bảo “sao con lại là mẹ nó?” rồi đánh thằng bé rõ đau vì không chịu ăn. Nó cấm mọi người trong nhà không ai được bảo thằng bé là do nó sinh ra”.

Thắm và Ngân Hà chỉ là hai trong số những em gái mang thai ở tuổi vị thành niên (VTN). Hầu hết các em đều phải nghỉ học và không có tương lai tốt đẹp. Có những em không còn cơ hội để tiếp tục sống hoặc vô sinh vì tai biến sản khoa. Theo PGS.TS Vũ Thị Nhung -Chủ tịch Hội Phụ sản TPHCM (nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương), nạo phá thai ở lứa tuổi VTN để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe, nguy cơ tai biến sản khoa cũng rất cao. Ở lứa tuổi này, cơ thể vẫn chưa phát triển hoàn thiện nên khi mang thai làm cho trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về thai nghén: Dễ sẩy thai, đẻ non, đẻ khó do khung chậu chưa phát triển đầy đủ thậm chí có thể dẫn tới tử vong…

Hậu quả của nạo phá thai còn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản (SKSS) sau này của các em như dễ bị dính buồng tử cung, nghẽn ống dẫn trứng, mang thai ngoài tử cung, vô sinh thứ phát, nhau cài răng lược, vỡ tử cung, nhau tiền đạo... Bên cạnh đó, vì chưa có kiến thức về sinh sản, nhiều em lo lắng, hoảng loạn dễ dẫn đến rối loạn tâm thần chức năng.

Giáo dục giới tính – cha mẹ không thể làm ngơ

Tình trạng VTN có thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn ngày càng tăng. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do các em thiếu thông tin về SKSS cũng như thiếu người cung cấp thông tin về chủ đề này.

Trong khi đó, các bậc cha mẹ, gia đình và xã hội thường e ngại, né tránh khi đề cập đến SKSS, giới tính, tình yêu, tình dục thì các em đã có thể tự tìm tòi trên mạng Internet, sách báo…  Do tự mày mò tìm hiểu nên các em không phân biệt được đâu là thông tin đáng để đọc, thông tin nào là lệch lạc. Hậu quả là các em mang thai, nạo phá thai sớm, ảnh hưởng đến sức khỏe, học hành và cơ hội để trưởng thành.

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ VTN có thai trong tổng số người mang thai tăng liên tục qua các năm: Năm 2010 là 2,9%; năm 2011 là 3,1%; năm 2012 là 3,2%, tương ứng tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi này là 2,2% (2010), 2,4% (2011) và 2,3% (2012). Tại khắp các vùng miền, nhất là thành thị, tuổi VTN có xu hướng quan hệ tình dục ngày càng sớm. Theo thống kê của Trung tâm Tư vấn SKSS-KHHGĐ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong 5 năm 2008-2012, mỗi năm có xấp xỉ 80 -100 ca đẻ/nạo, phá thai ở độ tuổi VTN. Tỷ lệ mang thai VTN trong tổng số ca nạo phá thai ở bệnh viện này chiếm 1 - 3%. Điều đáng nói là có em bé 15 tuổi đã nạo hút thai tới 2 lần.

Để định hướng tốt nhất cho trẻ VTN về lĩnh vực này, việc lắng nghe ý kiến, nhu cầu của các em rất quan trọng. Các bậc cha mẹ và người lớn nên hiểu tình dục không phải là vấn đề cấm đoán mà cần cung cấp kiến thức để các em hiểu biết đầy đủ, phù hợp theo từng giai đoạn và lứa tuổi. Theo BS Phan Thị Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh Bình Thuận, giáo dục giới tính ở nhà trường phải được triển khai toàn diện, trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể có một cuộc sống an toàn và lành mạnh. Giúp trẻ VTN có quan điểm tích cực về tình dục, đồng thời cung cấp các thông tin và kỹ năng để chúng có thái độ và hành vi đúng, hiểu biết và có trách nhiệm về những quyết định của mình.

TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội (ISDS) cho rằng, thanh thiếu niên còn nhỏ, đi học thì cả cha mẹ, thầy cô hầu như chỉ quan tâm đến chuyện làm sao để dạy cho trẻ kiến thức khoa học về lịch sử, địa lý, toán học... còn những kiến thức về cách ứng xử với chính con người mình, với chính những biến đổi trên cơ thể mình thì lại không được dạy một cách đầy đủ, thẳng thắn và cởi mở. “Đây là câu chuyện mà tôi nghĩ chúng ta cần phải có sự thay đổi”, bà Khuất Thu Hồng nói.

Về vấn đề này, các nhà giáo dục cũng cho rằng, bên cạnh vai trò giáo dục của nhà trường, về phía gia đình, cha mẹ học sinh cũng phải nhận thức được vấn đề giáo dục giới tính cho con em là rất quan trọng. Cha mẹ nên là tư vấn viên đầu tiên về giáo dục giới tính cho con, đặc biệt là người mẹ. Cung cấp cho con mình thông tin về tâm lý, sinh lý, luật pháp... để khi đối mặt với thực tế, các em biết cách tự bảo vệ mình, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm, để có thể phòng tránh được việc bị xâm hại tình dục hay mang thai ngoài ý muốn.

Những nguy cơ đối mặt khi trẻ VTN mang thai

Khi mang thai ở tuổi vị thành niên dễ dẫn đến các biến chứng do thai nghén như: Dễ bị sẩy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ hoặc làm mẹ quá trẻ, cơ thể chưa phát triển đầy đủ dẫn đến thiếu máu, thai kém phát triển dễ bị chết lưu hoặc trẻ thiếu cân, con suy dinh dưỡng.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ sản khoa, riêng đối với người lứa tuổi từ 15-19, nguy cơ chết do sinh đẻ cao gấp 3 lần so với phụ nữ thuộc lứa tuổi 20-24 và nguy cơ con chết lớn hơn 80% so với những người sinh con ngoài 20 tuổi.

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Theo Hà Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự