Không có tiền bạc, mấy đứa con thơ dại của chị phải đặt thùng các-tông, xin tiền những người qua đường để làm đám tang cho mẹ.
Những ngày qua, dư luận liên tục chia sẻ bi kịch của chị Võ Thị Kim Lùn (39 tuổi, ngụ tổ 10, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) bị đột tử bất ngờ do bạo bệnh. Không có tiền bạc, mấy đứa con thơ dại của chị phải đặt thùng các-tông, xin tiền những người qua đường để làm đám tang cho mẹ. Nhưng cũng chính trong câu chuyện thương tâm đó, người ta lại thấy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách ngời sáng hơn bao giờ hết. Nhiều nhà hảo tâm, dù không quen biết, không thân thích, đã tình nguyện đóng góp hàng trăm triệu, thiết thực giúp ba cháu bé vượt qua nỗi đau thương.
Tấm ảnh tổ chức đám tang trên vỉa hè xôn xao dư luận.
Đời cơ cực của người phụ nữ nghèo
Nhiều người đi trên đường Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng) mấy ngày nay thấy một cậu bé mặc áo thun màu đen cao, khoảng 12-13 tuổi, đứng bên cạnh chiếc hòm từ thiện được làm vội vã từ thùng carton đặt dưới lòng đường cùng dòng chữ: “Thùng quyên góp an táng, xin cảm ơn”. Phía sau cậu bé là hai người đàn ông đang khẩn trương dựng rạp di động trên vỉa hè. Thấy lạ, nhiều người đi đường đã dừng lại hỏi thăm thì mới hay đây là một đám tang có hoàn cảnh hết sức đáng thương. Mẹ cậu bé cùng các con sống trong một phòng trọ cho thuê. Vì mắc bệnh ung thư, lại không được điều trị sớm, người mẹ đã qua đời. Nhưng do không có tiền chôn cất, không có nhà làm đám tang, bà con khu vực thương tình đã dựng một cái lều di động trên vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành.
Một người dân sống tại địa phương cho biết: “Tôi với người phụ nữ xấu số này không hề có bất cứ quan hệ nào. Thế nhưng khi biết hoàn cảnh cùng với hình ảnh mấy đứa nhỏ, tôi đã không kìm được nước mắt. Vừa bỏ ra chút sức lực nhỏ giúp đỡ, tôi vừa vận động bà con cùng chung tay. Trong hoạn nạn, khó khăn mới thấy hết tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhiều người cũng như tôi, dù không quen biết gia đình cháu bé, đã chủ động đến hỏi thăm, chia sẻ với ba cháu bé mồ côi. Đồng thời, mọi người giúp tiền ủng hộ các cháu làm đám tang cho mẹ”.
Chúng tôi tìm về khu phố 10 (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) để xác định thực hư câu chuyện. Sau khi nghe chúng tôi trình bày, ông Lê Văn Vui (Tổ trưởng tổ 10, phường Xuân Hà) ngậm ngùi gật đầu xác nhận: “Sáng sớm ngày 31/8, tôi đang làm việc ở nhà riêng thì nghe mọi người trong tổ thông báo chị Lùn đột tử trong phòng trọ. Lúc chị mất, các cháu còn quá nhỏ, không thể đứng ra lo liệu việc hiếu cho mẹ được.
Trong khi đó, người thân của chị ở xa chưa kịp về. Nghĩa tử là nghĩa tận, mọi người trong khu phố mới thống nhất chung tay, chung sức lo chuyện hậu sự cho chị. Căn phòng trọ của chị quá hẹp, chẳng đủ để đặt chiếc áo quan chứ đừng nói đến việc dựng rạp đám tang. Căn nhà mẹ chồng cũ của chị cũng chẳng khá hơn, nên mọi người mới nảy ra ý định dựng rạp tổ chức lễ tang cho chị trên vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành”.
Trong lúc mọi người tất bật lo công việc hậu sự thì mới biết khi qua đời, chị Lùn không để lại bất cứ tài sản giá trị nào. Để có tiền lo tang ma cho người quá cố, chúng tôi mới tự ý lập hòm từ thiện, kêu gọi người qua đường ủng hộ. Cũng theo ông Vui thì chị Lùn tên đầy đủ là Võ Thị Kim Lùn (39 tuổi, ngụ tổ 10, phường Xuân Hà). Chị Lùn quê gốc vốn ở TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Cách đây gần 20 chục năm, do hoàn cảnh gia đình khó khăn chị theo người quen ra Đà Nẵng làm thuê mưu sinh kiếm sống. Trong thời gian sinh sống ở đây, qua bạn bè, chị có quen biết rồi nên duyên vợ chồng với anh Phạm T.H. Thế nhưng dù đã có với nhau mấy mặt con, hai vợ chồng vẫn liên tục phát sinh nhiều mâu thuẫn. Sau này, do không thể hàn gắn, hai người đã quyết định ly hôn. Các con của anh chị đều còn nhỏ tuổi nên tòa quyết định cho theo mẹ.
Sau khi ly hôn, chị Lùn không về quê sinh sống mà quyết định ở lại Đà Nẵng để các con được gần cha mẹ, ông bà nội. Để có tiền nuôi con, chị xin vào làm công nhân nhà máy ở khu công nghiệp Hòa Khánh. Không có tiền gửi trẻ, chị đưa các con sang nhà mẹ chồng cũ gửi mỗi khi mình đi làm. Sau khi hết giờ làm cả ba mẹ con chị quây quần trong căn phòng trọ nhỏ. Thế nhưng do làm việc quá sức, cơ thể chị thường xuyên bị suy nhược.
Cách đây hơn một năm, khi được công ty đưa đi khám sức khỏe, chị mới phát hiện ra mình bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Từ lúc biết tin chị mắc bệnh, mọi người trong khu phố cũng thường xuyên qua lại thăm hỏi. Nhưng do căn bệnh nan y, lại đã đến giai đoạn cuối, chị Lùn suy sụp tinh thần rất nhanh. Chỉ qua một thời gian ngắn, chị đã phải nghỉ làm vì không chống chọi nổi với những biến chứng của bệnh ung thư.
Cháu Phạm Minh Nhật nhận sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm.
Sẽ cho những đứa trẻ mồ côi đi học lại
Những ngày tổ chức tang lễ cho chị, bà con trong khu phố đều tranh thủ sắp xếp công việc để có thể góp sức lo cho gia đình. Người lo trà nước, tiếp chuyện khách thăm viếng, người chăm hương đèn cho người quá cố. Chị Nguyễn Thị Dung, hàng xóm của chị Lùn, tâm sự: “Chị Lùn ở xa đến đây làm ăn nhưng dù sao cũng là bà con chòm xóm.
Lúc chị mất, chúng tôi chẳng giúp được gì nhiều nên mọi người ở đây chẳng ngại ngần gì, mỗi người một tay giúp gia đình chị cho đám tang bớt cô quạnh, cho người chết bớt tủi nơi chín suối. Thương cho chị một thì bà con thương cho đám trẻ mồ côi của chị mười. Không biết sau này, chúng nó lấy gì mà sống, lấy ai dạy bảo mỗi lúc mắc lỗi khi không còn mẹ”.
Về phía chính quyền địa phương phường Xuân Hà, sau khi nắm bắt toàn bộ thông tin về gia cảnh khốn khó của chị Lùn, đã đề nghị đưa thi thể người phụ nữ bất hạnh về nhà sinh hoạt cộng đồng phường Xuân Hà tổ chức tang lễ. Lãnh đạo chính quyền địa phương cũng không quên trích quỹ bảo trợ xã hội của địa phương số tiền 7 triệu đồng để gia đình lo chuyện hậu sự. Cùng lúc đó, lãnh đạo Hội từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng cũng đứng ra kêu gọi tấm lòng thiện nguyện của mọi người, để các cháu có tiền lo tang ma cho chị.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Việt Hồng (Chủ tịch Hội từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em quận Thanh Khê) cho biết: “Trong quá trình thực hiện việc quyên góp ủng hộ cho gia đình chị Lùn, chúng tôi phát hiện ra các cháu Phạm Minh Nhật (13 tuổi), Phạm Thị Thu Mỹ (14 tuổi) đã phải nghỉ học giữa chừng do gia đình quá khó khăn.
Bởi thế, toàn bộ số tiền 126 triệu đồng do các Mạnh Thường Quân quyên góp ủng hộ để tổ chức lễ tang cho chị Lùn trước đó, Hội sẽ giúp đứng ra trực tiếp quản lý. Trước mắt, chúng tôi đang lên phương án lập sổ tiết kiệm, do các cháu đứng tên. Tuy nhiên khi muốn rút toàn bộ hay một phần số tiền trên để chi tiêu thì phải nhận được sự đồng ý của người giám hộ. Hơn thế, việc cấp thiết sau khi chị Lùn mồ yên, mả đẹp là cho các cháu đi học trở lại”.
Nói thêm về chuyện này, ông Hồng bày tỏ: “Hiện giờ, năm học mới đã bắt đầu. Các cháu không còn mẹ, giờ lại thất học nữa thì tương lai không biết sẽ về đâu. Có được sự ủng hộ, nghĩa tình của bà con, chị Lùn chắc cũng ngậm cười ra đi nơi chín suối. Và nếu biết các con sắp được học hành trở lại, hẳn chị cũng yên lòng hơn”. Chính những việc làm tuy nhỏ, nhưng vô cùng thiết thực của lãnh đạo chính quyền địa phương đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo dư luận về cách xử trí thấu tình đạt lý, nhưng cũng không thiếu đi tình người của những người con mảnh đất miền Trung còn nhiều khó khăn.
Trao đổi thêm về việc sắp xếp cho ba đứa trẻ mồ côi, ông Hồng cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sẽ trao đổi với gia đình nhà nội của cháu. Việc để cho các cháu phải nghỉ học suốt một thời gian dài như vậy, không thể không nói đến trách nhiệm của người cha. Giờ mẹ các cháu đã mất đi, phải làm sao để đảm bảo các cháu được yêu thương, chăm sóc đến nơi đến chốn. Trong trường hợp gia đình nhà nội không đảm bảo điều kiện chăm sóc, giáo dục các cháu, chúng tôi sẽ tính phương án nhờ Trung tâm bảo trợ. Số tiền 126 triệu đồng, chúng tôi cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo nó được sử dụng đúng mục đích, vì tương lai các cháu”. |