Cô gái trẻ không thể ngờ rằng kẻ lừa đảo này có tài khoản ngân hàng trùng với tên của cô.
Mới đây, mạng xã hội lan truyền câu chuyện cô gái trẻ bị kẻ lạ mặt trùng tên với mình mạo danh, lừa đảo 5 triệu đồng gây xôn xao. Theo đó, tài khoản Facebook Phạm Ánh Dương đăng tải trên trang cá nhân nội dung: "Góc lừa đảo! Mọi người ơi! Có ai thấy nick Zalo tên Phạm Ánh Dương nhắn tin mượn tiền thì tuyệt đối đừng chuyển khoản nhé. Khổ quá, bạn em vừa bị lừa mất 5 triệu trong phút mốt".
Cô gái trẻ cảnh báo chuyện lừa đảo (Ảnh chụp màn hình).
Kèm theo đó là cuộc hội thoại giữa kẻ giả mạo với một người bạn thân thiết của cô gái trẻ. Cụ thể, kẻ này đã dùng một tài khoản Zalo tên Phạm Ánh Dương kết bạn với rất nhiều người quen của Dương, sau đó nhắn tin hỏi vay tiền. Hắn giải thích do Zalo cũ bị mất mật khẩu nên lập tài khoản mới rồi vào ngay chủ đề chính: Vay 5 triệu, 20h tối sẽ trả lại.
Khi bạn của Ánh Dương thắc mắc liệu có phải cô nàng hay không thì tài khoản giả mạo khẳng định bằng cách gửi ngay số tài khoản ngân hàng với tên Phạm Ánh Dương. Lúc này người bạn đã tin là thật liền chuyển 5 triệu đồng cho kẻ giả mạo.
Nhận được tiền, kẻ này còn nhắn tin thông báo đã nhận được, rồi lần nữa "hứa hẹn" 20h tối sẽ chuyển khoản trả lại. Lúc này người bạn nhận ra điều gì đó không đúng nên hỏi đi hỏi lại "Mày có phải Dương không?" nhưng kẻ lừa đảo không trả lời, gọi điện thì từ chối chấp nhận cuộc gọi.
Kẻ mạo danh đã dùng một tài khoản Zalo tên Phạm Ánh Dương kết bạn với rất nhiều người quen của Dương, sau đó nhắn tin hỏi vay tiền.
Liên hệ với Phạm Ánh Dương (SN 1993, Vĩnh Phúc) - nạn nhân trong câu chuyện trên, cô nàng cho biết sự việc mới xảy ra vào chiều qua (9/1). "Chưa bao giờ mình nghĩ trên đời lại xảy ra chuyện như vậy. Mình không bị hack tài khoản, thay vào đó họ lập một tài khoản mới tên Phạm Ánh Dương giống của mình. Họ lấy ảnh đại diện giống ảnh đại diện trên Facebook của mình rồi kết bạn, nhắn tin cho rất nhiều bạn bè của mình hỏi vay tiền.
Thường mình thấy lừa bằng đường link chuyển khoản quốc tế nhưng đây lại có tài khoản ngân hàng giống hệt tên mình. Mấy người bạn thấy cách nhắn tin lạ nên gọi điện hỏi mình thì mình bảo không phải, còn một bạn vì chủ quan không gọi nên đã chuyển luôn".
Kẻ này có số tài khoản ngân hàng trùng tên với Phạm Ánh Dương.
Cũng theo Phạm Ánh Dương, kẻ lừa đảo này đã tìm hiểu rất kỹ về cô nàng trên Facebook. Bởi họ lập tài khoản Zalo rồi mô tả đúng mọi thông tin về cô. "Thường để kết bạn trên Zalo, người sử dụng số điện thoại để tìm kiếm nhưng mình vẫn không hiểu sao kẻ đó lại có thể kết bạn với bạn bè của mình được. Mình không rõ bạn bè của mình có để công khai số điện thoại trên Facebook hay không nhưng thực sự rất tinh vi. Họ còn tìm hiểu cách xưng hô thường ngày giữa mình với bạn mình. Đây chính là một chiêu lừa đảo mới mà mình nghĩ tất cả chúng ta cần cảnh giác để không trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo. Mình hi vọng sẽ không có ai giống mình", cô gái trẻ chia sẻ.
Ngay sau khi đăng tải, chuyện Phạm Ánh Dương bị lừa đảo đã thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Ai cũng ngỡ ngàng với cách lừa đảo tinh vi như thế này. Bạn Dũng Trần bất ngờ: "Trời ơi! Còn có kiểu lừa đảo như vậy nữa ư? Nếu mình ở trong trường hợp ấy, mình cũng sẽ chuyển khoản cho họ thôi bởi tên tài khoản ngân hàng trùng với tên của bạn mình thì ai nghĩ đó là giả mạo chứ. Thật là tinh vi, mọi người cảnh giác nhé".
"Bất ngờ quá mọi người ạ! Nó tinh vi đến mức lập Zalo còn có ảnh của chị ấy, rồi số tài khoản cũng giống tên của chị ấy thì ai ngờ được đó là giả mạo. Có lẽ mình phải công khai số tài khoản để mọi người nắm được, chứ không cũng bị lừa như bạn của chị ấy thôi", nickname Thanh Hương bày tỏ.
Trước đó, Bộ Công an từng cảnh báo đến người dùng Facebook hoặc Zalo cần nâng cao cảnh giác:
- Với người nhận được tin nhắn vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại trên Facebook hoặc Zalo... cần gọi điện thoại trực tiếp cho chủ tài khoản để xác minh thông tin và nội dung trao đổi.
- Với chủ tài khoản có nguy cơ bị giả mạo lừa đảo chỉ nên đăng nhập tài khoản trên website chính thức của Facebook, Zalo, tuyệt đối không đăng nhập vào các trang web nghi vấn hoặc yêu cầu đăng nhập tài khoản một cách bất thường.
Ngoài ra, người sử dụng cần cài đặt mật khẩu có yếu tố bảo mật cao; hạn chế sử dụng các thông tin như: họ tên, biệt danh, ngày tháng năm sinh để cài đặt mật khẩu. Luôn cài đặt mã xác thực hai yếu tố qua điện thoại hoặc hòm thư điện tử tin cậy; luôn cài đặt cảnh báo đăng nhập, để kịp thời phát hiện các đăng nhập từ thiết bị bất thường...